FLC (CTCP Tập đoàn FLC) là một trong những CP “hot” trong thời gian vừa qua, thị giá đã tăng 50% trong tháng 11 và liên tục “nhảy” giá trong phiên với KLGD cũng vào loại “khủng” nhất thị trường.
FLC kinh doanh gì?
Đầu năm 2010, vốn điều lệ (VĐL) của FLC chỉ mới 25 tỷ đồng, nhưng đến giữa năm 2012, con số đã tăng lên thành 771,8 tỷ đồng. Chưa đầy 3 năm, FLC đã có thể tăng VĐL của mình lên 30 lần, trong bối cảnh TTCK trồi sụt thất thường và nhiều doanh nghiệp phải than thở vì khó tăng vốn đây quả là đáng nể.
Ngày 6-8, FLC có phiên giao dịch đầu tiên tại HOSE và không lâu sau đó đã vụt sáng với những phiên tăng trần và lượng khớp khủng. |
Đặt câu hỏi “FLC kinh doanh gì” cho một số người có thâm niên tham gia TTCK, một chuyên viên phân tích tại CTCK lớn cho biết: “Cứ xem bản cáo bạch của FLC sẽ biết”. Một nhân viên môi giới cho rằng quan tâm đến hoạt động của FLC có khi không quan trọng bằng quan sát diễn biến giá CP này trên sàn. Còn một NĐT kỳ cựu nhận xét đây là CP thuần túy đầu cơ nên hoạt động kinh doanh chưa chắc đã ăn nhập với diễn biến giá trên sàn. Đó là một vài trong số rất nhiều quan điểm khác nhau về FLC.
Trong bản cáo bạch của FLC, mục “phạm vi lĩnh vực hoạt động của công ty” thấy liệt kê con số 78 ngành, còn trong mục “hoạt động kinh doanh” của FLC thấy có 7 ngành bao gồm tư vấn bất động sản (BĐS), tư vấn đầu tư, sàn BĐS, đầu tư và khai thác dự án BĐS, kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh thiết bị công nghệ, khai thác khoáng sản.
Cách đây chưa lâu, người ta vẫn còn nghe đến cái tên CTCK FLC, tuy mới nhưng hoạt động cũng khá tích cực trên thị trường. Khi nói đến Hoàng Anh Gia Lai hay Masan, dù hoạt động đa ngành nhưng người ta cũng dễ dàng định hình được những ngành nghề chính yếu, thế mạnh của các tập đoàn này, nhưng với FLC hơi khó. Nhưng tất cả băn khoăn này đã phần nào được khỏa lấp khi FLC vẫn cứ tăng giá vù vù.
Ngôi sao thanh khoản
Vào thời điểm FLC tiến hành chuyển sàn từ HNX vào niêm yết tại HOSE, công ty đã công bố bản cáo bạch trong đó có thông tin về sở hữu cổ phần như sau: Thời điểm 30-6, HĐQT của FLC sở hữu 1,37% cổ phần công ty, trong đó riêng Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết nắm 1,18% cổ phần (4,7 triệu CP).
Đây là những tỷ lệ khó có thể xem là nhiều đối với một bộ phận quyền lực như HĐQT. Đến khoảng đầu tháng 11 vừa rồi, ông Trịnh Văn Quyết lại công bố mình nắm giữ 10 triệu CP FLC, tương đương 13% cổ phần công ty và đăng ký bán 4,5 triệu CP. Từ 15-11 đến 18-11, Chủ tịch HĐQT FLC đã hoàn tất việc bán ra 4,5 triệu CP của mình. Nhìn qua có thể thấy sự thay đổi khá nhanh về sở hữu CP của ông Chủ tịch HĐQT FLC. Điều này cũng bình thường vì khi CP đang có thanh khoản tốt, giá tăng, nếu muốn bán phải tranh thủ.
Liệu “ngôi sao” FLC sẽ nổi được trong bao lâu nữa? Giữa tháng 11, FLC công bố KQKD quý III-2013 tương đối tích cực, mới đây cũng có thông tin về việc FLC tạm ứng cổ tức cho cổ đông. Đây có thể xem là những thông tin hỗ trợ cho FLC, nhưng cũng phải xem xét vấn đề là các thông tin này đã phản ánh hết vào giá của FLC hay chưa? Nhìn vào những phiên giao dịch của FLC, NĐT có thể đặt ra vấn đề lực mua đối với FLC là dài hạn, đầu cơ, hay có cả 2 yếu tố này?
Thật khó để xác định một cách chính xác, nhưng khi đại đa số thị trường không nhận diện rõ hoặc doanh nghiệp không chứng tỏ được lợi thế của mình làm sao có thể tin tưởng mua vào và nắm giữ dài hạn. Hơn nữa, dòng tiền đầu cơ là một bộ phận không thể thiếu trên TTCK.
Một điều cũng rất đáng quan tâm là thanh khoản “khủng”, chỉ trong 3 ngày 27, 28 và 29-11 đã có tổng cộng 26 triệu CP FLC, tương đương với 34% cổ phần của FLC được chuyển nhượng. Cho đến thời điểm này cũng không có thông tin nào về cổ đông lớn (sở hữu 5% của FLC).
Từ đây có thể thấy số lượng CP trôi nổi trên thị trường của FLC rất lớn. Trong tổng số CP lưu hành của công ty, kết hợp với việc giá CP tăng mạnh dẫn đến FLC trở thành “ngôi sao” đang lên về thanh khoản trên thị trường. Thử làm một phép so sánh đơn giản, phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, FLC khớp hơn 8 triệu CP, gấp gần 12 lần so với STB - một thời là vua thanh khoản. Còn về GTGD trong phiên 29-11, FLC cũng đạt 60 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với CP tốt nhất thị trường VNM.
Cẩn trọng xả hàng
Như vậy, khi FLC không thể tăng nữa, hoặc nếu xảy ra trường hợp CP này giảm giá, cũng sẽ có một lượng lớn CP được cung hàng ra thị trường và tất nhiên sẽ gây hệ quả không được tốt lắm về mặt thị giá. Một NĐT đặt vấn đề, việc lượng CP lưu hành quá lớn trên thị trường có khiến cho FLC rơi vào tầm ngắm của hoạt động M&A hay không?
Nhắc lại câu chuyện hay được giới đầu tư bàn tán, đó là một doanh nghiệp cũng đã từng có CP lưu hành lớn, cũng được các bên mua bán rất nhiều, cuối cùng có một “đội” đã nắm số lượng lớn CP và… tham gia cả vào HĐQT. Rốt cuộc “đội” này cũng chẳng thể làm gì hay gây ảnh hưởng gì trong HĐQT vì không có ý định M&A, cũng không có chuyên môn nghiệp vụ về quản trị và quan trọng là doanh nghiệp cũng chả có điểm gì đặc biệt.
Với những CP nếu NĐT không biết rõ hoạt động của công ty, liệu có dám bỏ ra số tiền lớn để trở thành cổ đông lớn hay không? Vậy nên, nếu có mua vào CP, mua số lượng, thì khi nhắm CP không tăng giá, NĐT sẽ lại tìm cách bán ra để thu tiền về. Đến khi giá giảm mạnh, lại có một nhóm NĐT khác mua vào để chờ thời giá lên bán. Đó cũng là đường đi rất lý tưởng cho các CP đầu cơ, NĐT nào cũng có cơ hội sinh lời, công ty chả lo bị thâu tóm dù “hàng” ở bên ngoài rất nhiều.