Giá phôi thép tăng thêm 100 USD/tấn

Các doanh nghiệp sản xuất thép cho biết, đây là mức giá chào cao nhất từ trước đến nay và chưa có dấu hiệu sẽ giảm. Mức tăng giá phôi thép thời gian qua là khá nhanh, đầu tháng 9 chỉ ở mức 518 USD/tấn. Trong vòng 1 tháng qua giá phôi đã tăng đúng 100 USD/tấn.

Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thời gian qua Trung Quốc đã cắt giảm sản lượng tới 20 triệu tấn thép do đóng cửa các cơ sở sản xuất nhỏ gây ô nhiễm làm cho nguồn cung bị giảm mạnh. Bên cạnh đó, nhiều thông tin cho rằng sắp tới Trung Quốc sẽ nâng thuế suất xuất khẩu phôi thép từ 15% hiện nay lên 25% vì vậy giá phôi thép chào bán đã tăng liên tục trong hơn 1 tháng qua.

Một số doanh nghiệp thép cho biết trong thời gian qua, giá thép và phôi thép tại Trung Quốc cũng đã tăng thêm 10%, hiện thép thành phẩm tại Trung Quốc cũng là 4.200 nhân dân tệ/tấn do xây dựng đang tăng mạnh.

Giá thép đang tăng mạnh. Ảnh minh hoạ( nguồn Tuổi trẻ.

Giá thép đang tăng mạnh. (Ảnh minh hoạ, nguồn Tuổi trẻ)

Giá phôi thép tăng cao đã đẩy giá thép trong nước tăng lên, hiện giá thép trong nước ở mức 12 triệu đồng/tấn, tăng so với hồi đầu tháng chín 300.000-400.000 đồng/tấn.

Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép sẽ vượt 12 triệu đồng/tấn bán đến tay người tiêu dùng trong thời gian tới nếu giá phôi vẫn tăng lên. Nhưng 1 số doanh nghiệp cho biết giá thép có thể sẽ lên tới 14 triệu đồng/tấn nếu Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu phôi lên 25% đúng như tin đồn.

Các doanh nghiệp cho biết mặc dù giá tăng cao, nhưng họ vẫn nhập khẩu đủ phôi để đáp ứng sản xuất. Hiện chưa có doanh nghiệp nào ngừng hay giảm sản xuất thép, chỉ có điều giá phôi nhập cao thì giá thép bán ra sẽ cao. 

Khi giá phôi thép tại Trung Quốc tăng thì tại các thị trường khác cũng đồng loạt tăng theo. Hiện giá mua phôi thép tại CHLB Nga hay Ucraina cũng đang tăng mạnh, tuy giá thấp hơn so với phôi thép Trung Quốc, nhưng nếu tính chi phí vận chuyển thì về tới Việt Nam cũng cao ngang bằng giá phôi thép mua tại Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh việc tìm mua phôi thép từ các nguồn khác. Một số đã mua phôi từ Malaysia và một số còn tìm mua tận Nam Phi hay Nam Mỹ... Còn phôi thép trong nước hiện mua trả tiền ngay cũng đang ở mức 10, 2 triệu đồng/tấn.

Với mức giá phôi đang tăng mạnh thì việc điều chỉnh giá thép trong tháng 10 này là khó tránh khỏi bởi vì Việt Nam vẫn lệ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp phôi từ nước ngoài.

Trong khi đó, căn cứ vào kết quả kiểm tra, rà soát giá thép xây dựng tại 5 đơn vị là: Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty Liên doanh Thép VinaKyoei, Công ty Thép miền Nam; Liên doanh Thép Việt Úc, Công ty cổ phần Thép Đình Vũ, ngày 24/9, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra.

Theo các tính toán về giá phôi nhập khẩu, chi phí điện năng, giá bán... thì việc tăng giá bán của các công ty trên chỉ tương ứng với việc tăng giá phôi nhập khẩu hoặc thấp hơn, không DN nào có hiện tượng vi phạm đón đầu tăng giá bán.

Để bình ổn giá phôi thép từ nay đến hết năm trong trường hợp giá phôi thép nhập khẩu vượt 600 USD/tấn và giá bán thép thành phẩm ở mức hơn 11 triệu đồng/tấn, Bộ Tài chính kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành khung giá bán sản phẩm thép xây dựng theo nguyên tắc không để DN lỗ; đề nghị giữ nguyên mức thuế hiện hành phôi thép 2%, thép cán 8%.

Trường hợp giá phôi thép giảm dưới 450 USD/tấn thì khôi phục mức thuế nhập khẩu cũ (phôi thép 5%, thép cán thành phẩm 10%).

Theo ông Cường, việc ban hành khung giá thép có nghĩa là đưa ra mức giá trần với thép xây dựng. Điều này Việt Nam đã bỏ từ năm 2003, nay trong tình hình cấp bách có thể đem ra áp dụng lại, nhưng nó rất phi thị trường.

Ông Cường cho biết, giá trần quá cao thì không hiệu quả, quá sát thì khi giá phôi tăng mạnh, doanh nghiệp không được tăng giá bán sẽ thua lỗ dẫn đến hiện tượng không nhập phôi về cán thép và dẫn đến nguy cơ thiếu thép. Mỗi doanh nghiệp có điểm hoà vốn khác nhau. Với những doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, quản lý tốt và đầu tư lâu khấu hao thiết bị hết thì khác với những doanh nghiệp mới đầu tư. Vì vậy việc ban hành giá trần chung cho các doanh nghiệp không đơn giản.

Cũng theo ông Cường tốt nhất hãy để thị trường tự điều chỉnh. Nếu giá thép quá cao thì thép nhập khẩu sẽ tràn vào và các doanh nghiệp trong nước sẽ không bán được hàng.

Trong một động thái mới các doanh nghiệp thép cho biết họ đang theo dõi giá thép thành phẩm trên thị trường thế giới. Hiện giá thép thành phẩm nhập về Việt Nam vẫn chưa có lợi so với nhập phôi về cán nên chưa nhập nhiều, nếu thấy có chênh lệch cao, sẽ nhập khẩu về tiêu thụ, ông Lê Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Công ty Thép Việt Ý cho biết.

Nhưng hiện nay với hướng giá phôi tăng mạnh hơn giá thép và nếu như Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu phôi thép lên 25% thì sẽ tạo chênh lệch lớn giữa giá phôi với thép và nhiều doanh nghiệp sẽ hướng tới nhập thép thành phẩm.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây