Giới hạn sở hữu 30% trong lĩnh vực ngân hàng: Đã đến lúc thay đổi?

Thị trường đang chờ đợi những thông tin hỗ trợ tích cực.

Vì trong điều kiện thị trường đang trong quá trình điều chỉnh, giải pháp kích cầu đang được các cơ quan quản lý nhắc đến như một biện pháp giúp thị trường phát triển ổn định hơn khi quy mô ngày càng mở rộng.

CP NH: CP bắt buộc?

Không phải ngẫu nhiên lĩnh vực NH lại được chọn như một sự đột phá trong vấn đề mở room cho NĐTNN. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký Vafi, lĩnh vực NH đặc biệt quan trọng đối với NĐT chuyên nghiệp, nhất là trong điều kiện một nền kinh tế mới nổi. Tất cả các NĐT chuyên nghiệp khi đặt kế hoạch đầu tư vào VN đều mong muốn trong danh mục đầu tư của mình có CP NH.

Một minh chứng rõ ràng nhất là sự kiện nhầm room của STB trên sàn TPHCM ngày 21.8.2007 khi mức giới hạn bị nhầm từ 30% lên 49%. NĐTNN ngay lập tức đã đổ tiền ra mua ồ ạt khiến Sở GDCK TPHCM phải thông báo ngừng nhận lệnh với CP này.

Mới đây, sự kiện NH ANZ thông báo mua vào trên 700.000 STB và Cty tài chính quốc tế (IFC) thông báo bán ra trên 8,9 triệu STB đã làm xôn xao giới đầu tư. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sacombank, ngay khi có thông báo nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã đề nghị được mua lại số cổ phần của IFC, vượt cả mức bán ra. ANZ cũng đã thực hiện thoả thuận thành công số CP cần mua ngay sau khi thông báo.

Tuy nhiên, khả năng tiếp cận CP NH với các tổ chức đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ chậm chân không hề dễ khi hầu như tất cả các NHCP đều mong muốn dành phần lớn "miếng bánh 30%" cho các NĐT chiến lược và chỉ có vài tổ chức nước ngoài có cơ hội đầu tư vào một NH. Các tổ chức và cá nhân đầu tư nước ngoài (không phải là tổ chức tín dụng NH hay là NĐT chiến lược) chỉ được nắm giữ tỉ lệ thấp, dưới 0,3%/vốn điều lệ cho mỗi tổ chức hoặc ở mức thấp hơn nhiều, thông thường khoảng 10 - 30 triệu USD cho một NH đối với một tổ chức.

Với những khoản đầu tư này thì khó có thể đầu tư vào các NH chưa niêm yết vì theo quy định hiện hành trước khi đầu tư vào NH chưa niêm yết thì NHCP phải làm nhiều thủ tục xin phép NHNN. Trong khi đó, cơ hội với các CP niêm yết cũng khó khăn không kém khi mức room đã hết. Trường hợp của STB ngày đầu chào sàn ngày 12.7.2007 là ví dụ tiêu biểu khi "miếng bánh" chỉ còn chưa đầy 4% khiến khối này phải đổ tiền ra tranh mua nốt trong vòng 3 ngày để giữ chỗ.

Theo nhận xét của Vafi, với danh mục đầu tư ít có CP NH, các Cty quản lý quỹ gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn trên thị trường quốc tế. Điều này đã phần nào hạn chế dòng vốn nước ngoài đầu tư vào TTCKVN, nhất là khi môi trường đầu tư CK của VN chưa được hấp dẫn như các TTCK có chính sách tự do hoá thương mại và đầu tư trong những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Quy mô các quỹ đầu tư đầu tư vào VN cũng nhỏ hơn nhiều so với các nước khác do TTCKVN còn nhỏ. Nếu NĐTNN có cơ hội thuận tiện trong việc đầu tư vào lĩnh vực NH thì đồng nghĩa với việc quy mô thị trường sẽ tăng lên đáng kể bởi NH đều là những DN lớn hơn nhiều so với các DN sản xuất kinh doanh và còn có nhiều tiềm năng phát triển.

Tăng room: Lợi cho thị trường


Việc tăng tỉ lệ sở hữu của NĐTNN trong lĩnh vực NH lâu nay vẫn được cho là khá nhạy cảm và không phải ngẫu nhiên vấn đề giới hạn sở hữu được cân nhắc và quyết định "rắn" trên bàn đàm phán về các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, theo nhận định của Vafi, nếu phân tích kỹ bản chất của vấn đề cộng với chính sách quản lý nhà nước thích hợp trong từng thời kỳ thì việc nới rộng room là nhu cầu thực sự của sự phát triển bền vững của hệ thống NHTM và của TTCK. Vafi cho rằng tăng tỉ lệ sở hữu của NĐTNN từ 30% lên 35% hoặc 37% là hoàn toàn phù hợp vì đây là mức tăng không nhiều so với tỉ lệ nắm giữ của NĐTTN.

Hơn nữa, việc tăng room này chỉ dành cơ hội cho đông đảo các tổ chức và cá nhân đầu tư nước ngoài chứ không phải cho NĐT chiến lược, khuyến khích các đối tượng đầu tư mới.

Từ góc độ DN, việc tăng room cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các NH có điều kiện tham gia niêm yết tại nước ngoài. Việc mở rộng quy mô có thể nắm giữ cũng khuyến khích của các tổ chức chuyên nghiệp đầu tư vào NH, góp phần thay đổi cơ cấu cổ đông theo hướng tăng tỉ lệ sở hữu của tổ chức, cải thiện đáng kể tính tổ chức và ổn định trong cơ cấu sở hữu.

Từ góc độ thị trường, khi NH tăng quy mô để có thể hội nhập khu vực (vốn tự có trung bình khoảng 10 tỉ USD) thì mức tăng thêm 5-7% cũng đủ lớn đối với nhu cầu thị trường, chẳng hạn 1%/vốn điều lệ 15.000 tỉ đồng của Vietcombank cũng trị giá khoảng 100 triệu USD. Khi thị trường mở rộng quy mô thì sức cầu cũng cần gia tăng tương ứng. Các quỹ đầu tư nước ngoài có cơ hội thuận tiện trong việc đầu tư vào các NHCP thì việc thuyết phục các NĐT quốc tế từ phía các Cty quản lý quỹ nước ngoài sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Việc tăng room trong bối cảnh TTCK hiện nay là có ý nghĩa lớn cho TTCKVN, ngoài ý nghĩa kích cầu còn làm tăng thêm  sức mạnh cho chính NĐTTN.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây