CTCP XÂY DỰNG VÀ KINH DOANH ĐỊA ỐC HÒA BÌNH

Lĩnh vực: Công nghiệp > Ngành: Xây dựng

HBC: Mua 4 triệu CPQ, cân đối tài chính bằng cách nào?

HĐQT chủ trương trong điều kiện giá CP xuống thấp, có điều kiện tài chính thì thực hiện mua CPQ để bảo vệ lợi ích cổ đông và không lo CP giá rẻ rơi vào một số công ty có ý định thâu tóm.

Giá trị sổ sách vẫn thấp hơn giá trị thực của doanh nghiệp

Tình hình thị trường chứng khoán khó khăn, giá cổ phiếu HBC có lúc xuống thấp hơn 50% giá trị sổ sách. Vì vậy HĐQT đã đưa ra nghị quyết mua cổ phiếu quỹ, và đã mua 2 triệu CP Quỹ tương đương 10% vốn điều lệ tính đến ngày 31/12/2011.

Nhưng hiện, thị giá của HBC vẫn thấp hơn 60% giá trị sổ sách. Do đó, HĐQT quyết định trình và được Đại hội đồng cổ đông thông qua việc mua thêm 4 triệu CP quỹ nâng tổng số cổ phiếu quỹ lên 30% số CP phát hành.

Giá trị sổ sách của HBC hiện trên 39.000 đồng/CP. Ông Lê Viết Hải, chủ tịch HĐQT của HBC chia sẻ: “Giá trị này vẫn thấp khi đối chiếu với giá trị tài sản, giá trị nội tại của doanh nghiệp.” Theo ông,

(i) Văn phòng trụ sở HBC được ghi nhận trong sổ sách hơn 5 tỷ đồng, tuy nhiên hiện nhà bên cạnh HBC với diện tích tương tự chưa cải tạo đã bán được với giá hơn 27 tỷ đồng;

(ii) Vốn HBC tại Nhị Thành theo sổ sách là 75 tỷ đồng – chiếm 49% trên vốn điều lệ, khi HBC chuyển nhượng cho LHG, giá trị này tăng thêm 30%;

(iii) Một số tài sản là máy móc thiết bị thi công đã hết thời hạn khấu hao, nhưng trên thực tế vẫn sử dụng được – dàn giáo sử dụng là sắt tráng kẽm có thể dùng cả 10 năm nhưng theo quy định là khấu hao trong 4 năm.

Việc gíá cổ phiếu HBC đang giao dịch chưa được 50% giá trị sổ sách khiến nhiều cổ đông không yên tâm giữ CP. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho cổ đông. Vì vậy, “HĐQT quyết định nếu chúng ta có thể cân đối được tài chính, việc mua vào cổ phiếu quỹ sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cổ đông HBC” – ông Lê Viết Hải.

Đầu năm xin phát hành, cuối năm xin mua CPQ. Vì sao?

Một câu hỏi đặt ra, vì sao HBC có kế hoạch phát hành 6 triệu CP trong năm 2011, nhưng bây giờ lại quyết định mua thêm vào 4 triệu cổ phiếu nâng tổng số cổ phiếu quỹ lên 6 triệu CP? Ông Lê Viết Hải giải thích:

Về điều kiện thị trường – có nhiều biến động đã ảnh hưởng đến việc phát hành của HBC – giá chào bán là 32.800 đồng/CP trong khi thị giá HBC từ tháng 4/2011 đến nay chưa vượt qua ngưỡng này. Điều này sẽ rất khó cho các nhà đầu tư.

Nhưng tại sao trước đó HBC lại quyết định phát hành? Bởi 3 năm qua, tốc độ phát triển của HBC rất cao – trên 70%: doanh số năm 2009 chỉ xấp xĩ là 700 tỷ đồng, năm 2010 tăng lên 1.700 tỷ đồng và năm 2011 là 3.000 tỷ đồng. Như vậy để đáp ứng được khả năng phát triển của HBC trong tình hình thị trường chứng khoán tốt, HĐQT đã có kế hoạch phát hành CP huy động vốn.

Tuy nhiên, do thị trường biến động, HBC không thể cứng nhắc đi theo kế hoạch đó mà phải có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Tại đại hội, một cổ đông của HBC khá gay gắt cho rằng, HĐQT không được bán CP cho nhà đầu tư chiến lược dưới giá trị sổ sách để tránh gây thiệt hại cho cổ đông.

HBC phải cân đối tài chính bằng cách nào?

Ông Hải cho biết, trước hết HĐQT và Ban điều hành phải điều chỉnh lại tốc độ tăng trưởng của công ty. Thay vì tốc độ tăng trưởng hơn 70% như 3 năm qua, HBC sẽ duy trì mức tăng trưởng 30% cho năm tới.

Thêm vào đó HBC sẽ huy động vốn của khách hàng với tỷ lệ cao hơn, chính sách tạm ứng khách hàng sẽ điều chỉnh lên 20% thậm chí 30% thay vì 10% như trước đây trong các hợp đồng kí mới. HBC đã đàm phán được 5 dự án có tổng mức đầu tư 1.550 tỷ đồng, với mức tạm ứng 25% .

Sắp tới đây, HBC chủ trương chọn chủ đầu tư /khách hàng theo phương án đàm phán tạm ứng cao nhằm giảm áp lực về vốn cho nhà thầu, cho công ty; và an toàn hơn về thanh toán, rủi ro nợ khó đòi giảm xuống.

Đồng thời, HBC kiểm soát chặt biến đổi thanh toán, điều kiện hợp đồng, đền bù thiệt hại khi chậm thanh toán; rút ngắn thời gian thanh toán hàng tháng, không nhận dự án quá khó khăn đang thiếu vốn. Các khoản bảo lưu được thay thế bởi bảo lãnh ngân hàng.

Năm qua HBC đã đầu tư khá lớn máy móc thiết bị, tuy nhiên từ năm 2012, HBC sẽ hạn chế đầu tư máy móc thiết bị, và chuyển dần sang thuê. Máy móc thiết bị hiện của HBC có thể đáp ứng 90% kế hoạch của HBC. HBC chuyển máy móc thiết bị đầu tư trong thời gian qua sang đầu tư dài hạn để giảm áp lực tài chính.

HBC không đưa ra biện pháp chiếm dụng vốn của nhà thầu phụ/nhà cung cấp hay chậm trả lương. HBC nguồn tài chính đảm bảo duy trì hoạt động .

Thận trọng chọn nhà đầu tư chiến lược

Trả lời câu hỏi về việc chọn nhà đầu tư chiến lược trong tương lai, ông Lê Viết Hải cho biết: HBC nhắm đến các nhà đầu tư chiến lược: Chip Eng Seng ; Tập đoàn UOA tại Malaysia; Kumho;.. Tuy nhiên, HĐQT cũng rất thận trọng trong việc chọn nhà đầu tư chiến lược. Bởi, theo ông,

(i) Một số nhà đầu tư chiến lược có quy mô rất lớn, họ không đầu tư một lượng vốn nhỏ vào công ty, họ đầu tư khoảng 49% - 100%. Như vậy, chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào chiến lược phát triển kinh doanh của họ. Họ sẽ khoanh khu vực, và không tạo điều kiện cho HBC phát triển thị trường mà họ đang có mặt. Liệu HBC có thể cạnh tranh, tranh giành được thị trường này với họ không?

(ii) HĐQT rất cân nhắc trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Làm thế nào để họ thực sự hỗ trợ cho HBC phát triển đúng hướng và HBC phát triển theo chiến lược kinh doanh – chiến lược tạo được giá trị cao nhất, lợi ích tối đa cho các cổ đông hiện hữu.

(iii) Chúng tôi cũng lo lắng về vấn đề thâu tóm. Bởi một số nhà đầu tư  muốn có trong tay một số công ty xây dựng gắn bó với chiến lược phát triển địa ốc của họ. Khi họ đầu tư vào/thâu tóm, liệu HBC có thể phát triển độc lập được hay không hay là phục vụ các ý đồ đầu tư bất động sản riêng của nhà địa ốc.

Đây cũng là một lý do HĐQT có chủ trương trong điều kiện giá cổ phiếu xuống thấp, có điều kiện tài chính thì thực hiện mua CPQ để không lo cổ phiếu giá rẻ này rơi vào một số công ty có ý định thâu tóm HBC.

Trả lời câu hỏi có nên sử dụng kết quả kinh doanh năm 2011 làm căn cứ cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012 hay không (dự định tăng trưởng năm 2012 là 30%)? Ông Lê Viết Hải cho biết: “HĐQT đưa ra kế hoạch năm 2012 trên cơ sở thận trọng. Đây chỉ mới là dự thảo, chúng ta còn cần nghiên cứu thêm, cần thêm thông tin và những dấu hiệu rõ ràng hơn trong thời gian tới. Kế hoạch kinh doanh có thể điều chỉnh.”

Đến nay tổng nợ phải thu của khách hàng của HBC là 1.150 tỷ đồng. So với quý III, tình hình thu hồi công nợ trong quý IV và đến nay là tốt hơn. HBC hầu như không có nợ phải thu khó đòi. Trong 1.150 tỷ đồng gồm: khoản nợ đã đến hạn thanh toán 255 tỷ đồng; khoản nợ đã trình chưa đến thời gian duyệt 383 tỷ đồng; khoản nợ đã thi công, chưa đến hạn trình duyệt khoảng 200 tỷ đồng; nợ bảo lưu 309 tỷ đồng.

Đối với khoản nợ bảo lưu – đây là khoản nợ khách hàng giữ lại 10% tối thiểu 5% giá trị thực hiện. Đến cuối công trình, khoản bảo lưu này được khách hàng thanh toán 50%, giữ lại 50% (tương đương 2,5% - 5% giá trị) sau khi công trình hoàn thành 2 năm được bảo lãnh bởi ngân hàng.

Chủ dự án Sunrise City chưa có công nợ nào quá hạn 10 -15 ngày với HBC..

Cơ cấu cổ đông đến thời điểm 27/12/2011, cơ cấu cổ đông của HBC như sau: cổ đông lớn và nội bộ chiếm khoảng 50% vốn điều lệ; cổ đông nước ngoài 6%; cổ đông cá nhân trong nước 20 -30% vốn điều lệ.

Định hướng HBC chi trả cố tức dự kiến năm 2012 tỷ lệ 30%. Hình thức chi trả bằng tiền mặt và bằng CP.

Tính khả thi doanh thu trong năm 2012: Tính đến 31/12/2011, giá trị hợp đồng đã ký và còn đang thực hiện năm 2012 và các năm sau là 4.869 tỷ đồng – giá trị này chưa tính công trình ngưng triển khai và lùi thời gian triển khai như: Beau Rivage (1.543 tỷ đồng); Sunrise City Plot W- hoàn thiện + M&E….

 


 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây