Theo báo cáo này, HSBC tỏ ra lạc quan về tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng cuối năm và sau đó. Trong tổng vốn rót vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức tài chính này dự kiến dành 2% để đầu tư vào chứng khoán Việt Nam. HSBC khẳng định sẽ bỏ vốn mua vào tại thời điểm này. Điều này khác hoàn toàn so với các báo cáo trước đây, HSBC dự báo cuối năm Vn-Index xoay quanh mốc 900 điểm và bao giờ tới ngưỡng này họ mới ra tay gom hàng.
Ngân hàng này khẳng định, sau 6 tháng sụt giảm, thị trường cổ phiếu Việt Nam bắt đầu phục hồi mạnh mẽ. Thị trường đã tiến lên đáng kể từ mốc 884 điểm của tháng 8 và đến ngày 28/9, thời điểm công bố báo cáo này, tăng 14% sau 5 tuần và tăng 34% tính từ đầu năm.
Các nhà đầu tư trong nước làm nên sự hồi phục của thị trường trong vài tuần gần đây. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo HSBC, sự bứt phá này của thị trường có được nhờ chứng khoán toàn cầu phục hồi. Bên cạnh đó là kỳ vọng của các nhà đầu tư khi Vn-Index chạm 900 điểm rằng sẽ có nhiều cơ hội tốt để thu lợi từ thị trường (HSBC cũng đã đề cập yếu tố này trong bản báo cáo Vietnam Monitor công bố tháng trước). Đồng thời, kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về các đợt cổ phần hóa quy mô lớn trong những tháng tới là một yếu tố quan trọng "kích" thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư "nội" làm nên bứt phá
Khác với các bản báo các trước, trong đó HSBC nhận định dòng vốn nước ngoài chèo lái thị trường, lần này HSBC khẳng định, chính các nhà đầu tư trong nước đang đẩy thị trường đi lên.
Thị trường trong thời gian này (trước 28/9) được dẫn dắt bởi lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong đó giá cổ phiếu Sacombank đã tăng 30% trong tháng qua và cổ phiếu ACB cũng tăng 26%. Lý do của hiện tượng này là các công ty nước ngoài ngày càng có nhiều khoản đầu tư chiến lược vào ngành tài chính Việt Nam. Ví dụ, Công ty bảo hiểm Axa của Mỹ đã mua 16% cổ phần của Bảo Minh và HSBC cũng đang sở hữu 10% cổ phần Bảo Việt. Cùng với đó là thông tin (dù chưa được kiểm chứng) cho biết tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng sẽ được nâng cao hơn mức 30% hiện nay.
Dù các nhà đầu tư trong nước thường mua bán "ăn theo" động thái của các tổ chức tài chính quốc tế, HSBC nhận định, sự bứt phá gần đây là do các nhà đầu tư trong nước mua vào, chứ không phải do tác động từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ giữa tháng 9, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu gom cổ phiếu, nhưng tổng giá trị mua vào chỉ tương đương trong tháng 8, với 72 triệu USD, và vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 150 triệu USD hồi đầu năm.
Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường vẫn tương đối thấp (lưu ý: bản báo cáo được HSBC tiến hành và công bố vào 28/9), dù tại TP HCM có nhích lên chút ít vào tháng 9. Tại sàn TP HCM, trung bình mỗi ngày các giao dịch có tổng giá trị 38 triệu USD, trong khi vào tháng 3 vừa qua là 64 triệu. Cùng thời điểm này tại sàn Hà Nội, mỗi ngày giao dịch có tổng giá trị 9 triệu USD, trong khi vào tháng 3 là 21 triệu. Tại 2 sàn này, hiện chỉ có 5 công ty có giá trị giao dịch đạt trên 1 triệu USD mỗi ngày (đây là ngưỡng thanh khoản tối thiểu đối với nhiều nhà đầu tư). Trong khi đó, vào thời điểm tháng 2-4, thị trường có 10 công ty như vậy.
Chất xúc tác cổ phần hóa
HSBC nhận định, thị trường sẽ tiếp tục đà bứt phá nếu việc cổ phần hóa quy mô lớn đầu tiên được thực hiện thành công trong những tháng tới.
Vụ cổ phần hóa đầu tiên trong số này sẽ là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB). Theo đó, tổ chức thành công việc bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của VCB sẽ xóa đi ấn tượng xấu của những đợt đấu giá IPO trong mùa hè vừa rồi, vốn khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc tổ chức đấu giá. Việc này có thể cũng sẽ mở đường cho 5-6 vụ cổ phần hóa lớn khác trong 12 tháng tới.
Theo ngân hàng này, các đợt cổ phần hóa sắp tới có ý nghĩa quyết định, vì một khi thị trường có trên dưới 10 cổ phiếu có vốn hóa trên 1 tỷ USD, thị trường sẽ đạt yêu cầu để được liệt vào nhóm các chỉ số của Morgan Stanley Capital International (MSCI).
MSCI không công bố tiêu chí lựa chọn các thị trường vào nhóm chỉ số này, song HSBC cho rằng, sẽ không đáng ngạc nhiên nếu đến cuối năm 2008, thị trường Việt Nam nằm trong nhóm chỉ số này. Điều này sẽ đưa Việt Nam vào tầm quan sát của nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn vốn từ trước đến nay vẫn chưa quan tâm đến thị trường này.