Hạ lãi suất: Chỉ là hy vọng?

Hạ lãi suất cho vay, không phải ngân hàng nào cũng có thể thực hiện. (Ảnh minh họa)

 

Hạ lãi suất cho vay, khó thành làn sóng!

Đầu tháng 7, Ngân hàng Đầu tư Phát triển đã gây "sốc" trên toàn thị trường bằng động thái hạ lãi suất cho vay cả VND và USD. Theo đó, mức giảm 0,2%/năm, được áp dụng chung cho toàn bộ khách hàng. Đồng thời, giảm riêng 0,6%/năm cho vay ngắn hạn đối với các hợp đồng thuộc một số lĩnh vực và dự án ưu tiên.

Đối với ngoại tệ, nếu khách hàng vay để phục vụ nhập khẩu các mặt hàng nhóm 1 theo quy định của Bộ Công thương được giảm 2%/năm, tương ứng mức tối đa 8,8%/năm. Vay ngoại tệ nhập khẩu cho các nhóm hàng còn lại, được hưởng mức giảm 1%/năm, tương ứng mức tối đa 9,8%/năm.

Trao đổi về lý do hạ lãi suất, ông Trần Bắc Hà cho biết, BIDV hạ lãi suất là nhằm tham gia bình ổn thị trường tiền tệ, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhằm khuyến khích các ngành hàng ưu tiên, góp phần tạo ra cân đối vĩ mô tốt hơn. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất không phải vì BIDV đang dư vốn mà thậm chí còn bị thiệt hơn 300 tỷ đồng kể từ nay đến hết năm.

Khi trả lời câu hỏi liệu động thái giảm lãi suất có khiến các DN đổ xô về BIDV để vay tiền không, ông Hà  cho rằng: BIDV chủ định chỉ tăng trưởng tín dụng ở mức 22%/năm; sáu tháng đầu năm BIDV đã tăng khoảng 10%, như vậy chỉ còn hơn 10% cho những tháng còn lại.  Sẽ không có sự đổ xô đến ngân hàng để vay vốn; thậm chí, nếu khách hàng cần 10 nhưng ngân hàng chỉ đáp ứng được 7 thì cũng phải tự điều chỉnh.

Như vậy, dù hạ lãi suất nhưng ngân hàng này vẫn bị không chế bởi các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, danh mục ưu tiên cho vay vốn... nên không thể khách hàng nào cũng có thể vay vốn và vay bao nhiêu cũng được. Vì thế, sẽ không có chuyện BIDV hút khách của ngân hàng khác và từ đó cũng khó có thể gây ra làn sóng giảm lãi suất.

Gần đây, 4 ngân hàng lớn cũng đã có buổi làm việc với ngành Điện lực về vốn và lãi suất cho các dự án điện đang bị đình trệ, làm việc với các DN tạo ra cung ứng lớn cho nền kinh tế cũng về vấn đề cung ứng vốn với lãi suất hợp lý trong đó có thể tính đến chuyện giảm lãi suất. Tuy nhiên, tất cả những đối tượng này đều là khách hàng lớn, lâu năm... lại đang có chỉ đạo ngân hàng phải đảm bảo vốn để bình ổn thị trường từ Chính phủ nên khó có thể lấy ra để so sánh với mặt bằng nhu cầu vốn chung của toàn thị trường. Vì thế, khó có thể lấy đây ra làm yếu tố để hy vọng lãi suất cho vay giảm.

Bà Nguyễn Thị Mùi - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cũng cho rằng, một khi tăng lãi suất đã bắt đầu có hiệu quả đối với kiềm chế lạm phát thì cần phải điều hành ổn định và theo xu hướng giảm dần là cần tính đến. Vừa qua, BIDV hạ lãi suất là tín hiệu bước đầu để cho các ngân hàng trên cơ sở để hạ lãi suất. Tuy nhiên, muốn hạ lãi suất thì còn liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó phải kiểm soát được lạm phát, cũng như tùy thuộc vào tình trạng quản trị tài sản nợ và có của từng ngân hàng.

Lãi suất huy động: Nên hạ nhưng chưa dám làm

Đầu tháng 7/2008, khi Ngân hàng Nhà nước "thổi còi" các ngân hàng thương mại tăng lãi suất quá cao trên 20% và sau đó có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng có lãi suất huy động trên 17,5% phải giải trình phương án kinh doanh đã khiến cho nhiều người nghĩ đến một đợt hạ lãi suất huy động.

Tuy nhiên, tác động ban đầu chỉ khiến cho một số ngân hàng có lãi suất quá cao, lãi suất khuyến mãi trong một số chương trình không hợp lý phải điều chỉnh giảm như: Kiên Long bỏ mức lãi suất 20% lui về 19%; Gia Định Bank điều chỉnh lãi suất thấp hơn mức lãi suất so với chương trình khuyến mãi trước đó; Mỹ Xuyên Bank cũng không còn áp dụng lãi suất đỉnh 19,92%. Trước đó, một số ngân hàng như SEABank cũng không còn áp dụng mức lãi suất 19,2% trong một chương trình khuyến mãi hút vốn.

Mới đây nhất, cũng đã có những động thái nhỏ như: Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đã giảm lãi suất  huy động không kỳ hạn từ 9%/năm xuống còn 6%/năm. Bên cạnh đó,  tạm dừng sản phẩm tiết kiệm huy động vốn "lãi suất cao nhất" và bỏ các kỳ hạn tiền gửi ngày lãi suất hấp dẫn. Hiện lãi suất linh hoạt cao nhất đang áp dụng tại SCB là 18,8/năm cho kỳ hạn 370 ngày so với mức cao nhất  19,4%/năm vào cuối tháng 6. Ngân hàng Gia Định hạ lãi suất từ mức cao nhất 19,5%/năm kỳ hạn 3 tháng xuống còn 18,9%/năm; kỳ hạn 2 tháng.

Chưa có động thái hạ lãi suất hàng loạt (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các ngân hàng có mức lãi suất cao nhất ở 19% vẫn chưa hề có động thái hạ so với 2 tuần trước đây. Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Kiên Long vẫn tiếp tục áp dụng mức lãi suất 19%/năm. Trong khi đó, Ngân hàng Mỹ Xuyên vẫn đang duy trì mức lãi suất cao hơn 19% cụ thể  kỳ hạn 2 tháng là 19,02% và cao nhất, 6 tháng là 19,44%. Tất cả các ngân hàng này đều cho biết, họ vẫn chưa có ý định giảm lãi suất. Thậm chí mới đây, Eximbank lại có động thái tăng lãi suất huy động VND.

Một chuyên gia ngân hàng cho biết, tình hình nổi lên hiện nay là các ngân hàng mặc dù đã nâng lãi suất nhưng vẫn khó khăn trong huy động tiền đồng, khả năng thanh khoản của các ngân hàng nhất là các ngân hàng cổ phần nhỏ còn gặp khó khăn. Nhiều ngân hàng cổ phần huy động vốn không tăng so với cuối năm 2007 và thậm chí trong 2 tháng gần đây còn giảm so với tháng 4/2008. Với tình hình này thì khó mà giảm lãi suất huy động ngay được.

 Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, trong tháng 5-6 huy động vốn của một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm so với tháng 4 dù lãi suất tiếp tục tăng cao. Các ngân hàng chấp nhận duy trì mặt bằng lãi suất cao để duy trì tính cạnh tranh, không bị mất khách và hút vốn. Chuyện giảm lãi suất huy động đã có nhiều người nói đến nhưng chưa ai dám làm. Tất cả vẫn đang nhìn nhau và với thực tế này thì diễn biến khó có thể nhanh được.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây