Theo một số nguồn tin thân cận của ATPvietnam, Intel Capital sẽ xúc tiến việc tìm kiếm và hợp tác trong thời gian ngắn sắp tới. Đích nhắm đầu tư của nhà đầu tư ngoại này là những công ty hoạt động trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) có quy mô nhỏ hơn FPT nhưng phát triển đa lĩnh vực.
Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam muốn lọt vào mắt xanh của Intel Capital sẽ phải thoả mãn được chiến lược đầu tư chủ chốt của Intel Capital, chỉ tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh có lãi, không ngừng sáng tạo, có đội ngũ lãnh đạo vững mạnh và đã khẳng định được vị trí trong lĩnh vực hoạt động của mình.
Trước đây, khi bắt tay với FPT, ông Arvind Sodhani, Chủ tịch Intel Capital, cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy nhiều tiềm năng phát triển của lĩnh vực CNTT của Việt Nam và tin tưởng rằng sẽ đóng góp vào những thành công của Việt Nam thông qua các hình thức hỗ trợ các công ty đang trên đà phát triển”.
Như vậy, có thể hiểu, quy mô hiện tại và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp ngành CNTT đối với nhà đầu tư ngoại này không quan trọng bằng định hướng, tham vọng và cách mà doanh nghiệp đang thể hiện để đạt được những mục tiêu lớn trong tương lai dài hạn.
Là một thành viên của tập đoàn Intel, Intel Capital thực hiện các chương trình đầu tư vốn vào các đối tượng mới thành lập hay các công ty về công nghệ trên toàn cầu. Intel Capital đầu tư rộng rãi vào các công ty trong ngành công nghiệp bao gồm các công ty thiết kế hay sản xuất phần cứng, phần mềm, các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ nhằm vào các đối tượng là công ty, gia đình, di động, chăm sóc sức khỏe, Internet tiêu dùng và sản xuất chip bán dẫn.
Điểm chung trong chiến lược lựa chọn đầu tư của các quỹ nước ngoài
Hiện nay các nhà đầu tư trên thế giới đang có xu hướng đầu tư vào một số lĩnh vực có tiềm năng hấp dẫn như viễn thông, điện toán hóa, quản lý dữ liệu, các giao dịch thương mại, các ứng dụng về giải trí vui chơi...
Việt Nam đang nổi lên như một địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) vì có những điều kiện kinh tế vĩ mô tốt cũng như hạ tầng ICT tương đối đầy đủ.
Ngành ICT Việt Nam được đánh giá là một lĩnh vực đầy tiềm năng, một thị trường rộng lớn vì có hơn 16 triệu người sử dụng Internet, ngành công nghiệp phần mềm/dịch vụ năm 2006 tăng trưởng 44%...
Chính vì vậy, ngoài Intel Capital, các quỹ như Quỹ Đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế - IDG (IDGVV) đã bước vào thị trường Việt Nam từ năm 2004 và hiện nay có những quỹ đầu tư khác cũng đang hướng đến lĩnh vực ICT như quỹ VinaCapital...
Điểm chung trong chiến lược lựa chọn đầu tư của các quỹ này là tập trung vào những doanh nghiệp mới thành lập có đội ngũ quản lý tốt; sản phẩm có tính sáng tạo và sẵn sàng để thương mại hóa; có cơ hội thoát vốn để tái đầu tư...
Sức hấp dẫn của ngành ICT Việt Nam đối với các NĐT nước ngoài rất rõ, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng đang rất sẵn sàng giải ngân. Vấn đề là các doanh nghiệp trong nước sẽ khai thác cơ hội này như thế nào mà thôi.