![]() |
Đó là công bố chính thức của Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - cổ đông chiếm 75,78% trong Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA).
Hiện nay, mỗi tháng JPA lỗ 2 triệu USD - mặc dù từ trước tới nay JPA chỉ khai thác ở những đường bay “vàng” nội địa
Còn những đường bay “biết chắc lỗ mà vẫn phải bay” vì nhiệm vụ chính trị như các đường bay nối các địa phương vùng sâu, vùng xa thì hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vẫn phải bay.
Đến thời điểm này, nước ta có 4 hãng hàng không khai thác các chuyến bay nội địa là Vietnam Airlines, Vasco, Indochina Airlines và JPA . Một số hãng đang trong giai đoạn chuẩn bị... cất cánh là Vietjet Air, Mekong Aviation, Viet Air... Với sự tham gia ngày càng nhiều của các đơn vị vận tải hàng không, khách hàng có nhiều sự lựa chọn.
Tuy nhiên, ngoài Vietnam Airlines sở hữu đội máy bay và có đội ngũ phi hành đoàn, cũng như thực hiện được hầu hết các dịch vụ mặt đất, còn lại các hãng khác đều phải thuê ướt máy bay (thuê cả máy bay lẫn phi công) và thuê hầu hết các dịch vụ như bảo dưỡng, sửa chữa, cung ứng xăng dầu, dịch vụ đưa đón khách, thậm chí cả văn phòng... Chính vì vậy chi phí giá thành chiếm gần hết cơ cấu giá vé. “Càng bay càng lỗ” là đương nhiên.
Kinh doanh hàng không thua lỗ, tại sao ngày càng có nhiều hãng ra đời? Một chuyên gia kinh tế hàng không phân tích: Thị trường gần 90 triệu dân như nước ta là sức hấp dẫn lớn.
Do vậy cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư các khu du lịch, chủ yếu họ cắm mốc giữ đất là chính, có cơ hội là bán cho nước ngoài dưới nhiều hình thức.
Và bài học Pacific Airlines là một ví dụ điển hình, để cứu vãn phá sản vì làm ăn thua lỗ đã phải bán cổ phần cho nước ngoài (bán cho các DN trong nước thì ai dám mua khi biết kinh doanh không hiệu quả). Theo thông lệ quốc tế, các hãng hàng không nước ngoài không được phép khai thác kinh doanh các đường bay nội địa của quốc gia khác.
Do vậy họ phải mua cổ phần như kiểu Qantas (Úc) mua cổ phần của Pacific Airlines. Họ chỉ chọn các đường bay có lãi để kinh doanh, rồi thu gom khách nối chuyến cho các đường bay quốc tế.
Lâu dài, họ sẽ nhắm đến kinh doanh các lĩnh vực dịch vụ hàng không mà các DN Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm... Chỉ cần vài hãng hàng không tư nhân trong nước bán cổ phần cho nước ngoài, các hãng hàng không trong nước sẽ gặp bất lợi là chuyện khó tránh khỏi.