Khách hàng nhỏ bị “bỏ rơi”

 

Phần lớn CTCK đều xác định, tư vấn đầu tư là dịch vụ quan trọng
“Nặng” về tư vấn gián tiếp
 
Bản tin thị trường (do HOSE và HASTC phát hành), các bản thông báo, tờ rơi, website của các CTCK là những thông tin chính cung cấp cho NĐT trên thị trường. Hoạt động tư vấn cho NĐT tại các CTCK phần lớn mới dừng lại ở hình thức gián tiếp thông qua việc cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động thị trường, hoạt động DN. Tuy nhiên, nội dung thông tin cũng không sâu, thiếu cập nhật, đối tượng được phân tích không nhiều và không thường xuyên. Trên website của các CTCK đều có mục này nhưng chỉ là những lời giới thiệu, chứ chưa có thông tin tư vấn cụ thể. Về tư vấn trực tiếp, các CTCK cũng chỉ đang ở giai đoạn… bắt đầu.

Tại CTCK VPBank có 3 chuyên viên tư vấn cho NĐT. Khi được yêu cầu, bộ phận này sẽ cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, vị thế so với các DN khác trong ngành. Tới đây, khi nhu cầu của khách hàng tăng lên, bộ phận này sẽ tăng thêm nhân lực, việc tư vấn cũng bài bản hơn. Chẳng hạn, sẽ hình thành cơ sở dữ liệu về DN, ngành nghề cụ thể và cập nhật. Nằm trong hoạt động tư vấn, hỗ trợ NĐT, hiện nay vào thứ 7 hàng tuần, CTCK VPBank đều tổ chức các buổi trao đổi với NĐT về giao dịch trong tuần và dự báo diễn biến thị trường trong tuần tới. Tuy nhiên, những buổi giao lưu này diễn giả vẫn là các chuyên gia của Công ty, mà không phải các chuyên gia nghiên cứu độc lập nên chưa thật sự hấp dẫn NĐT.

Cùng với cách làm này, CTCK Tràng An cũng định kỳ tổ chức hội thảo về các chuyên đề cụ thể theo nhóm ngành, nhóm sản phẩm hay các buổi thuyết trình về kỹ năng đầu tư, phân tích kỹ thuật. Còn tại CTCK Quốc tế (VIS), dịch vụ này đang được thử nghiệm, khách hàng có nhu cầu sẽ đăng ký trước khi mở tài khoản, sau đó được tư vấn qua điện thoại hoặc trực tiếp. Nội dung tư vấn là qua phân tích diễn biến thị trường để đưa ra lời khuyên với NĐT về xu hướng giá của các cổ phiếu. Sau một thời gian nhận ý kiến đóng góp của khách hàng, VIS sẽ mở rộng dịch vụ này. Ngoài ra, Công ty cũng tổ chức các buổi đối thoại giữa các chuyên gia chứng khoán và NĐT, tuy nhiên tần suất cũng chỉ được 3 tháng/lần.
Muốn có nhưng thiếu nhân lực
“Nếu tư vấn tốt, NĐT thành công họ sẽ tiếp tục đầu tư, thậm chí đầu tư lớn hơn nữa và các CTCK có cơ hội thu nhiều phí. Nhưng hiện nay, do tập trung vào nhiều mảng khác như tự doanh, môi giới… nên thực sự chúng tôi chưa đầu tư đúng mức vào mảng này”, giám đốc một CTCK cho biết. Theo ông này, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề nhân lực. Với sự “bùng nổ” các CTCK, nhân viên hành nghề vừa thiếu lại vừa yếu, một số công ty có tuyển được nhân viên đào tạo bài bản ở nước ngoài nhưng khó áp dụng phân tích thị trường Việt Nam để đưa ra lời khuyên cho NĐT. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến tâm lý NĐT, họ chưa quen sử dụng dịch vụ tư vấn đầu tư và cũng chưa thật sự tin tưởng vào những phân tích của nhà tư vấn. Điều này có thể do hệ thống kế toán DN chưa phản ánh đầy đủ về tình hình hoạt động của DN cũng như đặc thù của TTCK Việt Nam. Một NĐT giao dịch tại sàn Haseco nói, nếu chất lượng tư vấn tốt có thể mang lại lợi nhuận thì NĐT sẵn sàng trả chi phí. Nhưng nếu chất lượng kém thì tư vấn đầu tư dù có được miễn phí cũng không có nhiều ý nghĩa, bởi lúc đó NĐT kinh doanh sẽ bị lỗ, không hiệu quả.
Phần lớn CTCK đều xác định, tư vấn đầu tư là dịch vụ quan trọng không phân biệt NĐT quy mô lớn hay nhỏ. Bởi sự thành công của NĐT là nền tảng cho thị trường phát triển vững chắc. Tuy nhiên, đó chưa phải là công việc họ ưu tiên lúc này và nếu có cũng mới chỉ là khởi động.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây