Khách quốc tế đến Việt Nam tăng "kép"

Có 13 nước và vùng lãnh thổ có số khách đến Việt Nam đạt trên 100 nghìn lượt người.

Trước hết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam gia tăng gần như liên tục. Năm 2007 đã tăng 18% so với năm 2006, cao gần gấp đôi năm 2000 và gấp trên 1,3 lần năm 1995.

Thứ hai, khách quốc tế đến từ hàng trăm nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Có 13 nước và vùng lãnh thổ có số khách đến Việt Nam đạt trên 100 nghìn lượt người.

Khách quốc tế đến từ khắp nơi trên thế giới

Đông nhất là khách Trung Quốc (574,6 nghìn lượt người), tiếp đến là Hàn Quốc (475,4 nghìn lượt người), Nhật Bản (418,3 nghìn lượt người), Mỹ (408, 3 nghìn lượt người), Đài Loan (319,3 nghìn lượt người), Australia (224,6 nghìn lượt người), Pháp (183,8 nghìn lượt người), Thái Lan (167 nghìn lượt người), Malaysia (153,5 nghìn lượt người), Campuchia (150,2 nghìn lượt người), Singapore (138,2 nghìn lượt người), Anh (107,5 nghìn lượt người), Đức (101,8 nghìn lượt người)...

Những nước và vùng lãnh thổ có lượng khách quốc tế tăng cao hơn tốc độ chung, như Nga, Malaysia, Italia, Hồng Kông, New Zealand, Pháp, Hà Lan, Thái Lan, Đức, Bỉ, Singapore, Australia, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Canada, Phần Lan.

Phần đông các nước và vùng lãnh thổ trên có thu nhập cao, nên khách chi tiêu bình quân một ngày nhiều hơn, ở dài ngày hơn.

Thứ ba, do lượng khách tăng, khách đến từ các nước giàu tăng cao hơn, nên lượng ngoại tệ có từ chi tiêu của khách quốc tế đã tăng qua các năm và đây cũng là một kênh thu hút một lượng ngoại tệ không nhỏ.

Năm 2005 đạt 2,3 tỷ USD, năm 2006 đạt 2,85 tỷ USD, năm 2007 ước đạt 3,33 tỷ USD và chiếm 55,2% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ cả nước, cao nhất trong các nhóm dịch vụ xuất khẩu (dịch vụ vận tải hàng không 1.071 triệu USD, chiếm 17,8%, dịch vụ hàng hải 810 triệu USD, chiếm 13,4%, dịch vụ tài chính 332 triệu USD, chiếm 5,5%, dịch vụ bưu chính viễn thông 100 triệu USD, chiếm 1,7%, dịch vụ bảo hiểm 85 triệu USD, chiếm 1,1%, dịch vụ chính phủ 45 triệu USD, chiếm 0, 7%, dịch vụ khác 277 triệu USD, chiếm 4,6%).

Cần chú ý, nếu các dịch vụ khác tính xuất khẩu ròng (tức là trừ đi phần nhập khẩu tương ứng) thì nhiều loại còn mang dấu âm (như dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ khác, hoặc một số loại dịch vụ mà nhập khẩu đã tính cước, phí I, F hàng nhập khẩu).

Nguồn thu hút ngoại tệ, đầu tư

Không những thế, lượng ngoại tệ thu hút được từ chi tiêu của khách quốc tế có chăng chỉ thấp thua lượng ngoại tệ thu được từ các kênh kiều hối (khoảng trên dưới 6 tỷ USD), kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài (khoảng 4,6 tỷ USD), còn cao hơn kênh vốn đầu tư hỗ trợ phát triển chính thức (trên 2 tỷ USD), vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (nếu tính theo vốn gốc cũng chỉ hơn 2 tỷ USD).

Thứ tư, đây là một hình thức giới thiệu có hiệu quả, trực tiếp thông qua chân đi, mắt thấy, tai nghe về một đất nước, một dân tộc không chỉ biết đến kháng chiến mà còn đổi mới thành công với nhiều thành tựu về ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế làm thay đổi bộ mặt đất nước; một dân tộc thân thiện với bạn bè quốc tế, một đất nước có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nơi có nhiều món ăn ngon với giá cả tính bằng USD rất rẻ mà nhiều khách quốc tế đã gọi Việt Nam là "bếp ăn" của thế giới...

Thứ năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng lên vừa là kết quả, vừa là thể hiện chính sách thông thoáng, khuyến khích, tạo điều kiện của Chính phủ Việt Nam để tạo sự thuận tiện cho khách đến Việt Nam.

Thứ sáu, du lịch, khách đến vì công việc tăng cao cũng tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh, làm ăn gia tăng khi Việt Nam mở cửa sâu, rộng hơn với thế giới, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tham gia các tổ chức, các định chế quốc tế,...

Quan hệ ngoại giao đã lên đến 170 quốc gia, quan hệ đầu tư với trên 80 nước và vùng lãnh thổ, quan hệ xuất, nhập khẩu đã lên đến trên 200 nước và vùng lãnh thổ.

Thứ bảy, du lịch,trong đó có du lịch quốc tế là ngành công nghiệp không khói - làm giàu, nhưng nếu khéo léo quản lý thì ít có tác động xấu đến môi trường,...Vì sao mật độ còn thấp so với khu vực?

Tuy nhiên, nếu tính về số lượng khách quốc tế bình quân 100 người dân (mật độ khách quốc tế), thì Việt Nam còn đạt mức thấp so với thế giới, so với châu Á, Đông Nam Á và nhiều nước trong khu vực. Lý giải mật độ khách quốc tế đến Việt Nam còn thấp, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nguyên nhân.

Có nguyên nhân do Việt Nam trải qua nhiều năm chiến tranh, mấy chục năm bị bao vây cấm vận và hàng chục năm bị khủng hoảng, thực sự đổi mới có kết quả mới được mươi mười lăm năm nay và vừa mới gia nhập WTO chưa được một năm. Có nguyên nhân do khâu tuyên truyền quảng bá, quảng cáo tiếp thị về du lịch còn yếu.

Có nguyên nhân do cơ sở vật chất của ngành du lịch còn thiếu và yếu, từ cơ sở lưu trú (nhất là khách sạn cao cấp từ 3 sao trở lên), đến hệ thống đường sá, phương tiện đi lại đến các khu du lịch. Có nguyên nhân từ khâu an toàn giao thông chưa được bảo đảm, số vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông còn nghiêm trọng.

Đội ngũ hướng dẫn viên còn thiếu tính chuyên nghiệp và trình độ ngoại ngữ (cả tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung...) còn yếu... Tỷ lệ số khách quốc tế trở lại lần thứ hai còn thấp, mới chỉ đạt trên dưới 20%... Khách đến từ các nước láng giềng (CHDC Trung Hoa, Lào, Campuchia...) thời gian gần đây có lúc bị sút giảm cả về mặt tuyệt đối.

Tuy nhiên các thủ tục nhập cảnh với nhiều nước, với Việt kiều được giảm thiểu, chủ trương được mua nhà của Việt kiều và những người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đổi mới, phát triển, sự ổn định, an toàn của Việt Nam... cùng những cải thiện trong lĩnh vực du lịch... sẽ tác động thu hút mạnh hơn khách quốc tế đến Việt Nam.

Khả năng mục tiêu 5-6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam và tăng hai chữ số mỗi năm sẽ có tác động nâng "mật độ" du lịch của Việt Nam mau chóng vượt qua "mật độ" chung của châu Á: Phấn đấu đạt được "mật độ" trung bình ở khu vực Đông Nam á cũng như của thế giới trong thời gian không xa.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây