Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự lễ khai mạc còn có đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Các đồng chí nguyên Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; Lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh thành; Các đồng chí nguyên lãnh đạo và cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao; Các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và trên 700 đại biểu là cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao và phụ trách công tác đối ngoại của các địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hội nghị Ngoại giao 28 được tổ chức trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều chuyển biến quan trọng. Việt Nam đã bước vào thời kỳ then chốt thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020 và tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng về chính trị, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội.
Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục có những diến biến phức tạp, các thách thức đa chiều đang tác động trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam. Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 có nội dung rất quan trọng là kiểm điểm, đánh giá việc triển khai đường lối đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI, tiếp tục xác định các biện pháp toàn diện, hiệu quả để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng trong các năm tới.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương toàn ngành đối ngoại về những thành tích nổi bật trong những năm qua, đã góp phần quan trọng bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, hiệu quả, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, thực sự phát huy được vai trò là thành viên tích cực của các thể chế khu vực và toàn cầu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhân tố quyết định của các thành tựu và kết quả trên là Đảng ta đã bình tĩnh đánh giá, phân tích một cách khoa học, biện chứng cục diện thế giới và khu vực, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Tổng Bí thư chỉ rõ, từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XI và những năm tiếp theo, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn diễn biến phức tạp, tính chất vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong quan hệ quốc tế diễn ra rất đa dạng có nhiều nhân tố mới. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi để phát triển; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Tổng Bí thư đã nêu tám nhiệm vụ ngành Ngoại giao cần tập trung cao độ và thực hiện tốt trong những năm tới, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là đóng vai trò đi đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra ngành ngoại giao, “cán bộ là cái gốc của mọi việc,” “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém,” coi đó là định hướng xuyên suốt để cán bộ ngoại giao phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Tổng Bí thư yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, các cấp ủy đảng trong ngành phải hết sức chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thứ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung cao độ tâm huyết và trí tuệ, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, phân tích làm rõ những vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề ra phương hướng, biện pháp khắc phục, quyết tâm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Tại phiên khai mạc Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Công an, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Quốc Phòng, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã phát biểu tham luận, đóng góp những đánh giá, nhận định quan trọng về tình hình thế giới, khu vực.
Các tham luận nêu bật những thành tựu mà ngành ngoại giao đạt được từ Hội nghị Ngoại giao 27 đến nay, đánh giá cao công tác phối hợp giữa ngoại giao với các ngành trên mặt trận đối ngoại.
Các tham luận cũng đã nêu phương hướng, biện pháp thúc đẩy công tác đối ngoại trên tất cả các trụ cột, cũng như tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại trong thời gian tới.
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 tiếp tục làm việc đến ngày 20/12/2013.