Khó thắng USD

 
 
Vị thế thống trị hệ thống thanh toán toàn cầu của đồng USD khá vững chãi. Điều nguy hiểm nhất chính là những cuộc khủng hoảng tài khóa vẫn đang diễn ra ở Washington.
 
Không có gì phải bàn cãi, USD chính là đồng tiền dự trữ của thế giới. Đồng bạc xanh chiếm tới 62% lượng dự trữ ngoại hối của các NHTW. Tỷ lệ này vượt xa so với con số 24% của đồng tiền đứng thứ hai là đồng euro.
 
Tuy nhiên, các gói nới lỏng định lượng của Cục dự trữ liên bang (Fed) đang khiến nhiều người lo lắng về vị thế của USD và đặt câu hỏi về vị thế dự trữ của đồng tiền này. John Shin – chiến lược gia đến từ BofA Merrill Lynch, lập luận rằng vai trò của đồng USD vẫn chưa hề lung lay. Chuyên gia này còn cho rằng vị thế của đồng USD sẽ không thay đổi, đặc biệt khi ở trong bối cảnh hiếm có đối thủ cạnh tranh như hiện nay. 
 
Trong một báo cáo mới được công bố, Shin giải thích những lý do chính lý giải tại sao đồng USD đã đảm nhiệm khá tốt vai trò là đồng tiền dự trữ của cả thế giới. Với tính hữu dụng ở vai trò là đồng tiền dự trữ và là tiêu chuẩn để các đồng tiền khác neo vào, USD có một giá trị độc nhất vô nhị. 
 
Tuy nhiên, có 4 điểm quan trọng nhất hội tụ ở đồng USD: các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ, sự phát triển sâu rộng của thị trường tài chính, niềm tin vào giá trị của đồng tiền và tính chất không thay đổi. Xét đến tất cả các điểm này, USD vẫn là đồng tiền xứng đáng nhất. Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Không có thị trường nào bắt kịp được với tính thanh khoản và sự phát triển sâu rộng của thị trường tài chính Mỹ (điều này càng được thể hiện rõ trong những thời điểm khủng hoảng). Cũng không có trái phiếu nào có thể so sánh với trái phiếu Kho bạc Mỹ. 
 
Những lo lắng cho rằng vị thế của đồng USD sẽ suy giảm thường xuất hiện sau khi đồng tiền này giảm giá trong một thời gian dài. Ở thời điểm hiện tại, USD đang gần chạm mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, theo đánh giá của Shin, các yếu tố cơ bản như kinh tế Mỹ tăng trưởng và nước Mỹ độc lập về năng lượng sẽ bù đắp điểm yếu này. 
 
Thêm vào đó, tỷ lệ % của đồng USD trong kho dự trữ ngoại hối của các NHTW vẫn là bền vững, phản ánh thái độ không muốn thay đổi của các nhà quản lý cũng như thị trường. Từ những năm 1970, các quốc gia sản xuất nhiều dầu mỏ đã cố gắng xóa bỏ việc thanh toán bằng đồng USD trong giao dịch dầu mỏ. Tuy nhiên, họ không đạt được điều gì đáng kể. 
 
Shin cũng chỉ ra rằng có hai đồng tiền có nhiều khả năng nhất để trở thành đồng tiền dự trữ là euro và nhân dân tệ. Cả hai đồng tiền này sẽ phải vượt qua nhiều rào cản để có được vị thế như USD. Euro vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề nội tại, thậm chí trong giai đoạn khủng hoảng lên đến cao trào, người ta đã lo lắng đồng tiền chung của 17 nước sẽ sớm sụp đổ. Thị trường nợ vẫn chưa phát triển đầy đủ có nghĩa là thị trường trái phiếu Mỹ vẫn phát triển vượt bậc so với châu Âu. 
 
Đối với đồng nội tệ của Trung Quốc, Shin đánh giá nhân dân tệ vẫn là một công cụ chính sách của chính phủ và không được nhiều người đánh giá là nơi cất giữ giá trị. Thêm vào đó, thị trường tài chính Trung Quốc chưa đủ độ sâu. Hãy thử làm một phép so sánh nhỏ. Doanh thu giao dịch ngoại hối của đồng nhân dân tệ vẫn còn ở mức rất khiêm tốn so với USD và euro, chỉ đứng trên đôla New Zealand. 
 
Khó thắng USD (1)

Vấn đề sâu xa hơn nằm ở thị trường tài chính chưa phát triển. Mặc dù Trung Quốc đã tiến thêm vài bước trong quá trình quốc tế hóa đồng nội tệ, quá trình này sẽ phải mất ít nhất là hàng thập kỷ để hoàn tất.  

Ngoài ra, vàng và Quyền bảo lưu rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF cũng được coi là những ứng viên tiềm năng. Tuy nhiên, cũng giống như các đồng tiền khác, chúng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong dự trữ của các quốc gia và còn có nhiều nhược điểm trong giao dịch. 
 
Dẫu vậy, Shin cho rằng chính sách kinh tế của Mỹ chính là mối nguy hiểm thật sự đe dọa sự thống trị của đồng USD. Cụ thể hơn, đó là những cuộc khủng hoảng tài khóa vẫn đang diễn ra ở Washington. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây