Tuy nhiên, việc thực hiện gặp không ít khó khăn và các ngân hàng cảm thấy tiếc vì mảng kinh doanh đang ăn nên làm ra thì bị chặn lại. Ông Bùi Tuấn Tài - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, đến thời điểm này ACB đang thực hiện điều tiết để thực hiện mức khống chế 3% tới thời điểm 31/12.
Nhà đầu tư và ngân hàng đang gặp khó từ Chỉ thị 03 của NHNN. (Ảnh: LAD) |
Có nhiều cách để các ngân hàng thực hiện điều này nhưng cách chủ yếu vẫn là "từ chối": không cho vay mới; các hợp đồng đến hạn thì chấm dứt, khách hàng dù muốn cũng không được tiếp tục cầm cố chứng khoán. Và một cách mà các ngân hàng, nhất là các ngân hàng đã cho vay vượt qua mức 3% đang tính đến là tăng cường các dịch vụ tín dụng khác để nâng tổng mức cho vay nợ lên, điều này đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ cho vay chứng khoán xuống 3%. Tuy nhiên, cách này phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến thị trường, nên hai cách đầu vẫn là biện pháp chủ yếu.
Ông Tài cho biết, do lượng cho vay của ACB cũng chỉ mới xoay quanh mức 3% nên chắc chắn sẽ đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, một vấn đề khó mới nảy sinh là các ngân hàng vừa phải thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, vừa phải thực hiện đúng hợp đồng với khách hàng. Như vậy, nếu một lượng hợp đồng lớn chưa đến hạn, ngân hàng không thể đơn phương phá bỏ và như thế thì rất khó cho ngân hàng nếu đáp ứng mốc cứng 3%.
Vì vậy, theo ông Tài, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát để đảm bảo an toàn là cần thiết nhưng vấn đề là tỷ lệ bao nhiêu và thời gian thực hiện thế nào cho hợp lý. ACB đã có đề nghị về việc này lên Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ, mức 3% có thể là nhiều với những ngân hàng nhỏ nhưng với những ngân hàng lớn - vốn mạnh, dư nợ cho vay nhiều thì dư nợ 3% không đáng là bao. Hơn nữa, các ngân hàng luôn phải đề cao sự an toàn của mình nên khi cầm cố đều thực hiện rất khắt khe về các tiêu chí. Đa số đều cầm cố ở mức tối đa là 50% giá trị cổ phiếu và phải lựa chọn những cổ phiếu tốt.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng VIB Bank khi được hỏi về dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán đều lắc đầu vì ngân hàng này đã đạt mức khống chế. Bây giờ, là hạn chế cho vay và lo thực hiện theo mức 3% đã được quy định cứng. Tuy nhiên, cái khó xử lý nhất hiện nay vẫn là rất nhiều hợp đồng chưa đến hạn, các ngân hàng phải nghĩ bằng nhiều cách để tăng tổng dư nợ lên. Điều này là rất khó vì Ngân hàng Nhà nước cũng vừa tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Các ngân hàng còn rất ít khả năng để tăng lãi suất huy động vốn.
Một đại điện ngân hàng cổ phần khác ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, khi tuyên bố ngừng cho vay chúng tôi gặp phải rất nhiều phản ứng từ khách hàng. Nhưng cũng chả biết làm sao vì với quyết định này cả ngân hàng và khách hàng đều bị ảnh hưởng. Cho vay chứng khoán đang là mảng sôi động nhất và kiếm lãi cao, chính nguồn vốn vay đã khiến các nhà đầu tư đầu tư mạnh hơn trên thị trường chứng khoán, khiến thị trường sôi động hơn.
"Hiện nay, khi giá chứng khoán ngày càng hợp lý, nhiều loại cổ phiếu tốt từ các DNNN lớn được đấu giá qua sàn... nhà đầu tư đang muốn mua thì nguồn vốn bị hạn chế. Nói thật, mỗi khi cắt hợp đồng, khách hàng phản ứng nhưng chúng tôi cũng thấy tiếc vì nhiều cơ hội của nhà đầu tư, của ngân hàng đang bị mất đi chỉ vì nguồn vốn bị khống chế ở mức 3%. Hơn nữa, có thể chính Nhà nước cũng bị thiệt khi nguồn vốn hạn chế thì việc đấu giá cổ phần các DN lớn cũng bị ảnh hưởng".
Theo đại diện này, TTCK Việt Nam đang ở trong một giai đoạn trầm lắng kéo dài, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn vốn đang ồ ạt mua vào. Trong khi các nhà đầu tư trong nước dù muốn cũng bị bó tay bởi nguồn viện trợ từ các ngân hàng đột ngột bị cắt. Các ngân hàng đang có dấu hiệu thừa vốn, nhiều ngân hàng đã tính đến chuyện giảm lãi suất huy động thì một mảng kinh doanh kiếm lãi cao lại bị đóng cửa.
Trong khi đó, mức dự trữ bắt buộc tăng lên khiến không ít ngân hàng lo lắng cho hiệu quả kinh doanh. Thậm chí, nếu dư nợ cho vay chứng khoán đã mức đang lo ngại thì Ngân hàng Nhà nước vẫn có nhiều cách khác mang đúng bản chất nghiệp vụ trong tầm tay chứ không nên bằng một chỉ thị mang tính chất hành chính.
Chính vì thế, điều thất vọng nhất của nhà đầu tư và các ngân hàng là quyết định đột ngột của Ngân hàng Nhà nước. Tại sao mức 3% không đưa ra từ đầu để định hướng mà khi thị trường đang sôi động, nhà đầu tư đang hào hứng thì lại quyết định đầy bất ngờ và cứng nhắc về cả tỷ lệ và thời gian thực hiện. Điều này, đặt các ngân hàng vào một thế bị động và bây giờ chính các ngân hàng đang phải mất rất nhiều thời gian và công sức đề giải quyết một việc mà họ không lường đến trong kế hoạch.
Trong một chiều hướng khác, các ngân hàng cho biết, việc đáng lo ngại không phải là những khoản cầm cố bằng chứng khoán chính thức. Bởi vì các ngân hàng luôn ý thức cho vay cầm cố chứng khoán lơi nhuận cao nhưng rủi ro sẽ lớn vì thế họ rất thận trọng. Các ngân hàng không thể không thực hiện mức khống chế đã đưa ra. Rất nhiều nhà đầu tư không thể không tiếp tục đầu tư và có thể sẽ nảy sinh vấn đề là sử dụng các dịch vụ tín dụng khác để vay tiền đầu tư vào chứng khoán. Mặc dù là có thế chấp nhưng đây chính là nguồn vốn khó kiểm soát vì mỗi loại tín dụng có những tiêu chuẩn và mục đích khác nhau. Không gì đáng ngại bằng việc sử dụng sai mục đích và không kiểm soát được.
Trong khi các ngân hàng cổ phần đang phải lo mức 3% thì rất nhiều ngân hàng quốc doanh hiện chưa đạt mức khống chế vẫn tiếp tục có quyền cho vay. Với quy mô lớn, chỉ cần 0,5% của một ngân hàng quốc doanh có thể bằng rất nhiều ngân hàng cổ phần nhỏ cộng lại. Nếu ngân hàng quốc doanh tiếp tục cho vay thì liệu mục tiêu khống chế nguồn tiền để kiểm soát lạm phát của nhà nước liệu có đạt được?