Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) có quy hoạch rộng 21.300 ha, đã đưa vào sử dụng gần 2.500 ha. Từng rất sầm uất trong những năm đầu hoạt động, nay khu kinh tế này đang dần trở thành “vùng đất chết” vì ế ẩm.
Vắng như chùa bà Đanh
Mở cửa hoạt động từ năm 2008-2009, siêu thị miễn thuế Fuso ở khu thương mại Hiệp Thành - cửa khẩu Mộc Bài gần như ngưng hoạt động. Bà Nguyễn Thùy Trang, Giám đốc Công ty Trí Hội (chủ đầu tư siêu thị Fuso), cho biết 2 năm nay, siêu thị Fuso chỉ hoạt động cầm chừng và đang chuẩn bị đóng cửa. Theo bà Trang, Trí Hội đầu tư khá lớn cho siêu thị này, chưa kịp hoàn vốn thì năm 2011 đã “choáng” vì có thông tin đến 2012 hết hạn miễn thuế cho khách mua hàng. Từ năm 2012, siêu thị hoạt động cầm chừng, chủ yếu thanh lý hàng tồn chứ không nhập thêm. Cả khu khoảng 20 doanh nghiệp (DN) nhưng vắng như chùa bà Đanh, có ngày không một bóng khách hàng nên hơn 1 năm nay, Fuso phải bù lỗ để duy trì hoạt động.
Hoạt động của Fuso cũng là tình trạng chung của nhiều DN tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Theo số liệu của Sở Công Thương Tây Ninh, hoạt động thương mại tại khu vực này ngày càng giảm. Hiện toàn khu có 36 DN đăng ký kinh doanh, trong đó có 30 DN kinh doanh thường xuyên, 6 DN đang tạm ngưng hoạt động.
Năm 2012, có hơn 2,7 triệu lượt khách tham quan, mua sắm (bình quân hơn 226.000 lượt người/tháng) nhưng 9 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt hơn 1,5 triệu lượt người, giảm 25,2% so với cùng kỳ. Doanh thu toàn khu thương mại công nghiệp Mộc Bài năm 2012 đạt hơn 1.200 tỉ đồng (tăng 1,1% so với cùng kỳ), còn 9 tháng đầu năm 2013 ước chỉ đạt hơn 746 tỉ đồng, giảm 1,98% so với cùng kỳ.
“Chết” vì chính sách
Theo ông Lê Thành Công, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh, có nhiều nguyên nhân khiến doanh thu khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài giảm. Thời gian đầu mới hoạt động, khách mua hàng tại khu phi thuế quan được miễn thuế trị giá mua hàng 500.000 đồng/người/ngày nên thu hút rất nhiều khách từ TP HCM lên mua sắm.
Đến cuối năm 2012, chính sách ưu đãi này hết hiệu lực, tỉnh xin gia hạn nhưng đến gần cuối tháng 1-2013 mới có quyết định được gia hạn. Trong thời gian chờ đợi, khu vực này phải đóng cửa, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN.
Ngoài ra, chính sách không dài hạn, thay đổi liên tục cũng góp phần “đuổi” khách và làm nhiều nhà đầu tư mất niềm tin, ngại bỏ tiền đầu tư. Cụ thể, khi mới thành lập, với định hướng phát triển Mộc Bài thành khu thương mại, công nghiệp, đô thị và du lịch sinh thái, nhà nước có chính sách rất thoáng đối với khu vực này. Ban đầu (năm 2008), đối tượng được hưởng chính sách miễn thuế là khách du lịch, không bao gồm cư dân địa phương; quy định khách được mua hàng miễn thuế 500.000 đồng/người/lần trong tuần.
Tháng 7-2012, quyết định bỏ chính sách miễn thuế cho khách nội địa có hiệu lực, hoạt động của khu thương mại cửa khẩu Mộc Bài bị đình trệ hơn 1 tuần và chỉ được tái khởi động khi Chính phủ cho nối lại chính sách phi thuế quan đến hết năm 2012. Tuy nhiên, chính sách miễn thuế không còn thoáng như trước: thay vì khách nội địa được mua 500.000 đồng hàng miễn thuế/người/ngày thì chỉ được mua mỗi tuần 1 lần với cùng hạn mức trên.
Đầu năm 2013 lại phải đóng cửa gần 1 tháng trước khi mở cửa hoạt động lại từ ngày 24-1-2013. Không đơn thuần chỉ là mất khách, giảm doanh thu mà qua đó, niềm tin của DN bị tổn thương, bỏ ý định đầu tư vào cửa khẩu này. Một số nhà đầu tư Nhật, Malaysia hủy bỏ các đàm phán kinh doanh siêu thị miễn thuế ở đây vì lo ngại chính sách thay đổi bất chợt.
Theo bà Nguyễn Thùy Trang, lẽ ra, với định hướng hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và kêu gọi DN bỏ vốn vào đầu tư, nhà nước phải có chính sách ưu đãi ổn định trong vòng 10-20 năm để tạo điều kiện cho DN phát triển nhưng với chính sách không rõ ràng, 1-2 năm lại thay đổi như hiện tại, DN chỉ có chết.
Thừa nhận những bất cập về chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu đã làm khó DN, ông Lê Thành Công cho biết tỉnh Tây Ninh đã xin được chính sách tăng giá trị mua hàng miễn thuế lên 1 triệu đồng/người/ngày, Chính phủ đã có quyết định nhưng đến nay các bộ, ngành chưa có hướng dẫn cụ thể mặt hàng nào được miễn thuế, miễn loại thuế nào (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng...).