“Khủng hoảng” và cơ hội

 

Diễn biến của thị trường khiến giới đầu tư mệt mỏi

Mối lo của nhà đầu tư đã thành hiện thực khi mỗi ngày giao dịch là một mức “đáy mới”. Nhưng với những nhà đầu tư lão luyện thì chính sự “khủng hoảng” ấy lại được xem là một cơ hội...

Một tháng, 2 sàn mất lần lượt 17,9% và 24,9%

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 5 (30-5), chỉ số VN-Index còn 428,05 điểm; HASTC còn 127,93 điểm, giảm lần lượt là 17,9% và 24,9% so với phiên giao dịch đầu tháng.

Sau 3 tháng gần như “rơi tự do”, chỉ số chung tại 2 sàn đã mất 37,7% và 46,5%. Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6 cũng không có bất kỳ xu hướng mới hoặc tín hiệu tích cực nào và chỉ số chung tại 2 sàn đang tiến dần về “đáy” 400 điểm và 100 điểm!

Theo đánh giá của Phòng Phân tích Đầu tư Công ty Chứng khoán (CTCK) FPTS, nhìn chung, diễn biến TTCK trong tuần khá tẻ nhạt, chỉ là sự thắng áp đảo của lực cung giá sàn dồi dào trước lực cầu rất đỗi mong manh. Như tuần trước, mỗi phiên tuần này tiếp tục chứng kiến khoảng vài chục mã không có giao dịch.

Sự vắng bóng của các thông tin tích cực từ các cơ quan quản lý khiến thị trường không thể tạo nổi dù chỉ là một “con sóng nhỏ”. Các phiên trong tuần tiếp tục chứng kiến khoảng 99% mã giảm giá mà chủ yếu là giảm sàn và lác đác một vài mã giữ được giá tham chiếu.

Tâm điểm trong tuần vẫn là những biến động trên thị trường tài chính liên quan đến quyết định về cơ chế điều hành mới về lãi suất. FPTS cho rằng, chính sách lãi suất mới sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn (có thể một dòng vốn nhất định sẽ “chảy” từ CK sang ngân hàng (NH). Cùng với đó, áp lực lạm phát vẫn “đè nặng” lên nền kinh tế cũng như tâm lý của NĐT.

Thêm vào đó, thông tin công bố về kết quả thua lỗ hoặc giảm lãi của một số doanh nghiệp niêm yết như TRI, ANV, SAV, HRC, TPC, SAF cho thấy ảnh hưởng của những vấn đề kinh tế vĩ mô đặc biệt là lạm phát bắt đầu được thể hiện lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng thêm lo ngại của NĐT.

Phòng Phân tích Đầu tư của CTCK Thăng Long (TSC) đưa ra nhận định đáng chú ý: Lúc này, thông tin về các giải pháp hỗ trợ của thị trường gần như đã không còn nhiều tác dụng, và NĐT đa phần đã hiểu được mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế đang là quan trọng nhất, thì những tác động đến TTCK là điều tất yếu.

Chưa hề bị “ruồng bỏ”

Ngày 2-6, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, trong khuôn khổ của Hội nghị nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (giữa kỳ), ông Dominic Scriven, Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital vẫn đưa ra những nhận định khá lạc quan khi cho rằng, thị trường cổ phiếu hiện tại đang có giá trị tốt cho đầu tư lâu dài. 

Thị trường trái phiếu tiếp tục điều chỉnh theo sự tăng của lãi suất, tuy nhiên, việc điều chỉnh đó sẽ tạo ra trong những tháng sắp tới các giá trị đầu tư tốt và tạo nền móng cho sự phát triển vững chắc tiếp theo của thị trường trái phiếu.

Nhận định đó cũng trùng hợp với diễn biến giao dịch của NĐT nước ngoài trong suốt thời gian qua. Cụ thể, trong tuần vừa qua, khối ngoại tiếp tục bình tĩnh “thu gom”, trong đó hai ngày 19 và 21-5 là những ngày “đỉnh điểm” với tổng giá trị mua vào chiếm trên 70% tổng giá trị thị trường.

“Về phía NĐT trong nước, TTCK cũng chưa hề bị ruồng bỏ. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều NĐT trong nước chọn phương án không giao dịch, chỉ ngồi chờ và nghe ngóng thông tin.

Do vậy, dù TTCK khó có khả năng “đảo chiều” trong tuần tới nhưng chúng tôi tin rằng sẽ phục hồi lại từ từ khi có những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế vĩ mô và động thái trực tiếp từ các cơ quan quản lý” - CTCK FPTS nhận định.

Một trong những dấu hiệu tích cực theo FPTS cũng đến từ chính sách tiền tệ. Cụ thể, việc “cởi trói” cho lãi suất sẽ giúp củng cố tính an toàn, hiệu quả của hệ thống NH, “tiếp sức” cho hoạt động của doanh nghiệp, qua đó, cải thiện chất lượng các cổ phiếu trên TTCK.

Phòng Phân tích Đầu tư của TSC cũng chung quan điểm khi cho rằng, trong tuần tới chỉ số chứng khoán khó có khả năng quay đầu và hoàn toàn có thể vượt qua điểm hỗ trợ 404.87 điểm. Tuy nhiên, một vài biện pháp kỹ thuật từ phía nhà quản lý có thể sẽ tạo đột biến cho thị trường trong tuần tới.

Ông Vương Quân Hoàng - Tiến sỹ Thống kê-Toán ứng dụng Kinh tế-Tài chính, Đại học Tổng hợp Bruxelles, Bỉ-người đã rất dày công nghiên cứu về thị trường tài chính, CK thể hiện sự lạc quan một cách rất hóm hỉnh khi cho rằng, trong bối cảnh lạm phát leo thang, giá cả mọi hàng hóa đều trở nên đắt đỏ thì chỉ có cổ phiếu là ngày một rẻ.

Theo ông Hoàng, kinh tế vĩ mô có những tín hiệu thiếu tích cực, nhưng cũng chưa “xấu” như những gì NĐT phản ứng trên TTCK. “Với TTCK, NĐT Việt Nam khi hào hứng thì cũng hào hứng quá (cuối năm 2006, đầu 2007) và giờ ngược lại, bi quan quá mức cần thiết.

Và chính tâm lý quá đà được nhân lên thành tâm lý đám đông khiến cho NĐT chính là những người phải gánh chịu thiệt hại. Tôi cho rằng, giá rẻ chính là cơ hội đầu tư rất tốt” - ông Hoàng nói.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây