Năm 2013 sắp khép lại. Nếu phải mô tả bức tranh kinh tế vĩ mô của năm nay, ông sẽ nói gì?
- Chưa khi nào chúng ta lại trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài đến như vậy, kể từ khi Đổi mới cho đến nay. Tính từ khi bắt đầu chịu tác động của khủng hoảng kinh tế đến nay đã tròn 6 năm rồi.
Sự khó khăn đó tác động đến tâm lý mọi tầng lớp, từ nhân dân lao động cho đến các DN, nhà đầu tư nước ngoài v.v… Ai cũng có cảm giác không yên tâm.
Một vấn đề khác nữa là trong suốt giai đoạn khó khăn kéo dài này, đã có những khoảnh khắc ngắn ngủi khi chúng ta nhắc đến sự khởi sắc, phục hồi hay ổn định. Nhưng bao trùm đó luôn luôn là sự lo lắng, chưa hài lòng…
Chính vì thế nhiều người dân đặt kỳ vọng vào chương trình tái cấu trúc kinh tế và cải cách thể chế trong hai năm 2012 và 2013. Bởi những trục trặc hiện nay rất lớn, ai cũng thấy và biết rằng phần nhiều những yếu kém về cơ cấu nội tại là do những nút thắt về thể chế chưa thông chứ không chỉ do tác động của khủng hoàng toàn cầu.
Cho nên khi Chính phủ đặt ra chương trình tái cấu trúc và cải cách thì cũng có người hoài nghi nhưng rất nhiều người kỳ vọng. Vì đó là đường đi, nói chính xác hơn là lối thoát ra khỏi tình trạng vô cùng khó khăn hiện nay.
Chí ít, nếu chưa thể tăng trưởng nhanh được ngay thì cũng có thể góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường.
Nhưng không ai có thể phủ nhận được quyết tâm rất cao của Chính phủ, Quốc hội khi đưa hàng loạt thủ phạm gây tắc nghẽn nền kinh tế lên bàn nghị sự?
- Trên bàn nghị sự vừa qua đã thảo luận hàng loạt vấn đề lớn liên quan đến tái cấu trúc DNNN, đầu tư công, ngân hàng, sửa đổi Hiến pháp, Luật đất đai v.v…
Nhưng cho đến thời điểm hiện tại là giữa nhiệm kỳ thì việc tái cấu trúc hay cải cách vẫn vấp phải vô số rào cản.
Tức là đã có “chạm” vào vấn đề nhưng chưa giải quyết được nguyên nhân cốt lõi? Và hệ quả sẽ là gì thưa ông?
- Thì chưa làm đến nơi đến chốn, chưa giải quyết tận gốc được các tồn tại.
Nguyên nhân của sự chậm trễ này không phải do các giải pháp thiếu khả thi mà chủ yếu do lực cản từ các nhóm lợi ích. Do đặc thù của thời điểm giữa nhiệm kỳ…
Đây là tình thế “tiến thoái lưỡng nan”! Nền kinh tế cứ thế đứng giữa ngã ba đường. Mà về mặt kinh tế, nếu không làm triệt để, không giải quyết được tận gốc thì không thể thoát ra khỏi tình trạng khó khăn.
Các chính sách thực hiện từ năm 2008 đến nay đã cho thấy một điều rất rõ ràng đó là, chúng ta lúc thì thắt chặt, lúc thì nới lỏng về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo bình thường nhưng chưa làm được!
Giờ thì ai cũng biết rõ là phải cải cách thể chế và tái cấu trúc thì mới phục hồi được tăng trưởng.
Trong khi đó sự bức xúc trong xã hội ngày càng tăng. Tăng trưởng thấp, việc làm ít, thu nhập có tăng nhưng không cải thiện được đời sống. Những mâu thuẩn trong xã hội nảy sinh, nhà đầu tư nản lòng, DN thì co cụm; BĐS vẫn chết đứng, khó khăn của ngân hàng vẫn nằm đấy…
Ảnh: Duy Chiến |
Vậy đâu là điểm sáng của năm 2013?
- Có một hướng đi đang được mọi tầng lớp ủng hộ, kỳ vọng, từ người dân đến các nhà quản lý. Đó là việc chúng ta đang tiếp tục hội nhập quốc tế sâu và rộng hơn.
Xin giải thích rõ hơn thế này. Trong lúc cải cách và tái cấu trúc tương đối khó khăn, thì con đường để kinh tế phục hồi và con đường nhận được sự ủng hộ lớn đó chính là hội nhập.
Xin ông giải thích rõ hơn?
- Trở về giải đoạn đầu hội nhập, thời kỳ đàm phán gia nhập AFTA, ASEANhay WTO, Hiệp định thương mại song phương, có rất nhiều ý kiến khác nhau,không phải ai cũng đồng tình ủng hộ hết đâu.
Như nhiều người kể lại, thì chính Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng lấy bút ra ký Hiệp định thương mại song phương ở New Zealand nhưng có chỉ đạo “chưa ký vội”! Hay đàm phán WTO cũng vậy.
Nhưng bây giờ ở các cuộc họp hay thảo luận trong các giới quản lý, giới khoahoặc hoặc DN đều ủng hộ tiến trình này rất mạnh mẽ.
Nhìn ra xung quanh, có thể thấy xu hướng là thời gian gần đây, Việt Nam thể hiện sự tích cực, mạnh mẽ nhất trong việc tham gia các vòng đàm phán tự do hóa thương mại mang tính khu vực và song phương.
Những vòng đàm phán hiện nay như ASEAN + 3, TPP (Hiệp định đối tác xuyênThái Bình Dương), song phương Việt Nam – EU đều thuộc loại “nặng ký” cả.
Và, tất cả các ý kiến đều ủng hộ! Không những thế mà còn đặt vào đó rất nhiều kỳ vọng…
Cụ thể là?
- Những người có quan điểm rằng nền kinh tế VN vẫn vững mạnh, không cần đổi mới thể chế hay cải cách thì ủng hộ xu hướng hội nhập bởi cho rằng, đây là cơ hội để mở rộng thị trường cho DN và hàng hóa VN xuất khẩu. Đồng thời, quảng bá cho hình ảnh VN, như điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư. Vậy là không ần cải cách hay đổi mới. Nhờ hội nhập sẽ giúp kinh tế tăng trưởng trở lại.
Ngược lại, những người lâu nay vẫn kiên định lập trường phải tái cấu trúc, phải khai thông các nút thắt thể chế thì cũng xem đây là thời cơ. Bởi, họ cho rằng, những lời kêu gọi, vận động đòi hỏi phải tái cấu trúc lâu nay chưa có kết quả, thì nhân dịp này, tạm ngưng “đụng chạm” câu chuyện đó, để tập trung bàn câu chuyện hội nhập.
Hy vọng sẽ nhờ các cam kết quốc tế để quay trở lại biến thành động lực thúc đẩy cải cách, đổi mới ở trong nước. Nói cách khác, khi tiến trình tự nhiên chưa cho phép thì sẽ phải thúc đẩy sau đó bằng con đường hội nhập.