“Bóng ma” tín dụng “uy hiếp” nước Mỹ
Khủng hoảng cho vay thế chấp tại Mỹ có tác động rất lớn đến kinh tế toàn cầu trong năm qua.
Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn hoạt động cho vay có phần dễ dãi và ồ ạt - được gọi là “nợ dưới chuẩn” (subprime) - của các ngân hàng đối với người vay tiền mua nhà trả góp với hy vọng sau đó bán đi để kiếm lời. Sau một thời kỳ sốt dài, thị trường địa ốc Mỹ rơi vào tình trạng đóng băng khiến người vay tiền không thể bán nhà để trả nợ. Số lượng nợ xấu và khách hàng vỡ nợ cứ thế tăng, đẩy các tổ chức cho vay vào cảnh thua lỗ đáng sợ.
Hàng loạt các ngân hàng lớn ở Phố Wall như Bear Stearns, Merrill Lynch, Citigroup, Morgan Stanley liên tiếp công bố những khoản thâm hụt tài sản nhiều tỷ USD. Bóng đen khủng hoảng không chỉ dừng lại ở Mỹ mà còn lan sang cả châu Âu, tấn công vào các ngân hàng tại châu lục này như Northern Rock của Anh hay UBS của Thụy Sỹ.
Hệ quả là cổ phiếu tài chính Mỹ liên tục lao dốc và vài giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn tài chính Mỹ đã mất việc, nhưng vẫn nhận được những gói bồi thường thôi việc đáng mơ ước.
Để cứu vãn tình hình, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một ngân hàng trung ương khác đã phải bơm tiền vào hệ thống tài chính để giảm áp lực vốn. Một số tập đoàn, trong đó có Citigroup, Merill Lynch và Morgan Stanley cũng phải “cầu viện” sự trợ giúp từ bên ngoài thông qua con đường bán lại cổ phần cho các đại gia đầu tư đến từ Trung Đông, Singapore và Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích dự báo, cuộc khủng hoảng tín dụng Mỹ sẽ còn lan sang năm 2008 và tổng số thiệt hại do nó gây ra đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Vàng và dầu “phi tên lửa”, USD “nhảy cầu”
Năm nay thực sự là năm làm các nhà đầu tư USD phải “khóc lắm”, còn những ai dự trữ vàng và dầu thô được “cười nhiều”. Liên tục trồi sụt và biến động từng ngày, nhưng giá vàng và dầu thô trên thị trường thế giới nhìn chung diễn tiến theo đồ thị đi lên. Trong khi đó, USD dù có những ngày phục hồi, vẫn mất mặt thảm hại trước Euro.
Vàng, dầu và USD đánh dấu năm 2007 bằng những dấu mốc lớn. Ngày 7/11, USD lao xuống vạch 1 Euro bằng 1,4967 USD, mức thấp nhất kể từ khi đồng Euro được đưa vào sử dụng năm 1999. Ngày 21/11, giá vàng “thăng” tới 848 USD/oz, mức cao nhất kể từ năm 1980, khi mà giá vàng lên tới 873 USD/oz. Tiếp đó, vào ngày 29/11, giá dầu đạt đỉnh 99,29 USD/thùng, mức cao nhất kể từ khi hoạt động giao dịch kỳ hạn được áp dụng vào năm 1983.
Tính ra, trong năm qua, giá dầu đã tăng trên 50%, giá vàng tăng gần 30%, USD mất giá hơn 10% so với Euro.
Nhu cầu năng lượng tăng cao tại các cường quốc đang nổi lên như Trung Quốc và tình hình chính trị diễn biến căng thẳng ở Trung Đông, “vựa” dầu của thế giới, là vài trong số những nguyên nhân chủ đạo đẩy giá dầu tăng cao. Trong bối cảnh đó, những giếng dầu và khí đốt trên vùng Trung Á đã trở thành tâm điểm tranh chấp giữa Mỹ, Tây Âu và Nga. Trong khi giá dầu cao là "tin buồn" với kinh tế Mỹ, đó lại là "tin lành" đối với kinh tế Nga, quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng khổng lồ.
Giá nhiên liệu không ngừng leo thang, gây áp lực lạm phát ở mức cao, trong khi đồng USD mất giá là những yếu tố đi đầu trong việc “đội” giá vàng lên vì vàng luôn là mặt hàng đầu tư chiến lược để đề phòng lạm phát. Giới quan sát dự báo, giá dầu trong năm tới rất có thể sẽ phổ biến ở ngưỡng 70 - 75 USD/thùng, giá vàng cũng sẽ tiếp tục trên dưới ngưỡng 800 USD/oz do USD vẫn còn mất giá so với Euro.
Mỹ “mắc kẹt” giữa tăng trưởng và lạm phát
Năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải cắt giảm lãi suất đồng USD ba lần để cứu vãn nền kinh tế nước này khỏi nguy cơ tăng trưởng chậm lại vì những tác động tiêu cực từ thị trường địa ốc đóng băng và những “đòn tấn công” của cuộc khủng hoảng “nợ dưới chuẩn”.