Làm gì để dòng vốn FDI không chảy khỏi Việt Nam?

Làm gì để dòng vốn FDI không chảy khỏi Việt Nam?

Thời gian qua, không ít nhà đầu tư lên tiếng lo ngại về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

 Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, điều này có thể khiến cho dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) có thể đang ra khỏi Việt Nam.

Thưa ông, thu hút vốn FDI đã vượt kế hoạch cả năm. Đáng chú ý, nhiều địa phương đã cấp phép thêm cho các dự án đầu tư mới, nâng tổng vốn FDI được cấp phép từ đầu năm đến nay vượt 14 tỉ đô la Mỹ. Nhưng mức độ quan ngại của các doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh hiện nay vẫn rất lớn?

Làm gì để dòng vốn FDI không chảy khỏi Việt Nam? (1)TS. Lê Xuân Nghĩa: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) ở nước ta hiện rất thấp, đánh giá của nhiều DN và nhà đầu tư nước ngoài gần đây cũng cho thấy môi trường kinh doanh Việt Nam đáng báo động. Nhất là báo cáo của Eurocham phát hành tháng 11 tới đây có nhiều mặt khá tiêu cực, như thủ tục hành chính, các vấn đề có liên quan tới thuế, thực thi pháp luật, đặc biệt là về mối quan hệ giữa ngân hàng và DN.
 
DN nước ngoài bức xúc nhất với môi trường kinh doanh là gì, thưa ông?
 
Lớn nhất là thủ tục hành chính, thứ hai là kỷ luật thị trường. Chúng ta có nhân lực trẻ, rẻ nhưng thiếu kỷ luật, thực thi pháp luật yếu kém. Giao thông vận tải, kho bãi… đều rất yếu, phí dịch vụ, thông tin, chuyển tiền, bến cảng… đều cao hơn các nước trong khu vực. 
 
Đặc biệt,các DN Nhật bản cho rằng lâu nay kinh doanh của họ ở VN cao hơn các nước khu vực Đông Nam Á do lao động rẻ hơn, nhưng họ thấy về lâu về dài, lợi thế của họ ở Việt Nam sẽ mất đi. Trong khi đó cơ sở hạ tầng, nền tảng giáo dục, y tế, văn hóa tại Việt Nam ngày càng đuối sức trong cạnh tranh với với các nước trong khu vực.
 
Liệu có xu hướng vốn FDI chảy ra khỏi VN?
 
Cái đó có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng vốn ra khỏi khu vực Đông Nam Á là hiển nhiên, do lãi suất của các nước đang phát triển có vẻ tăng lên. Còn vốn vào vốn ra thì chủ yếu do chênh lệch lãi suất ở VN và thế giới. Nhưng vốn ra thì vốn sẽ có cách quay trở lại. Dự báo có hai nước ở khu vực Đông Nam Á có thể đón dòng vốn quay lại là Việt Nam và Philippines.

Nguyên nhân là do Chính phủ hai nước rất nỗ lực nhất trong kích thích tăng trưởng, phục hồi đà tăng trưởng, chấn chỉnh lại những yếu kém của thị trường để khôi phục kinh tế. Và họ cho rằng, trong số các nước đang phát triển, Chính phủ hai nước rất hăng hái đứng ra làm người tạo lập thị trường.

Nhờ đó nhà đầu tư sẽ đi theo. Ví dụ như Mỹ, Chính phủ đứng ra tạo lập thị trường, dân chúng và nhà đầu tư theo rất sát. Họ cho rằng, khi Chính phủ và Ngân hàng Trung ương can thiệp vào thị trường thì chắc chắn kết quả kinh doanh tốt, vì vậy trong tình hình suy giảm chung thì thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tăng.
 
Một số ý kiến cho rằng, khi mà kết quả cải cách ở ta chưa rõ ràng, chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư. Ý kiến của ông về vấn đề này?
 
Chúng ta đang thực hiện các chương trình tái cấu trúc, quan trọng nhất là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, điều này liên quan chặt chặt chẽ đến thanh khoản của toàn bộ nền kinh tế. Chúng ta có phá băng được tín dụng, phá băng được bất động sản hay không đều phụ thuộc lớn vào quá trình tái cấu trúc này.
 
Theo tôi điều đáng lo ngại là hiện các tập đoàn lớn (quốc doanh và tư nhân) vay vốn ngân hàng đang gặp khó khăn về thị trường. Nững tập đoàn này khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn. Nên tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là quan trọng nhất, là tái cơ cấu truyền thống của mọi nền kinh tế.
 
Chúng ta cũng đang nỗ lực xử lý nợ xấu, trong đó có việc hoạt động của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Hy vọng, với động thái tích cực này, một lượng lớn nợ xấu sẽ được VAMC xử lý.
 
Tuy nhiên cũng cần nói rằng, nhiều ý kiến e ngại về hiệu quả của VAMC. Tôi cho đó là điều bình thường vì ngân hàng thương mại chưa hiểu lắm về VAMC. Hơn nữa, nhiều ngân hàng của Việt Nam, ông chủ ngân hàng cũng đồng thời là chủ tập đoàn, vừa là con nợ vừa là chủ nợ, nên họ thích để nợ tại ngân hàng để xử lý, vì đó là nợ của chính họ, không muốn mang sang VAMC bán đấu giá. Nhưng kỷ luật của NHNN với mua bán nợ rất nghiêm khắc, họ sẽ có những giải pháp chặt chẽ để buộc các NHTM phải bán nợ đúng chuẩn cho VAMC.
 
Đó là một trong những cơ sở để chúng ta có thể hút dòng vốn FDI trở lại.
 
Để cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, theo ông phải có thêm hành động cụ thể gì?
 
Theo tôi, thủ tục hành chính có vai trò quyết định trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó là các thủ tục cấp phép liên quan đến địa phương - xây dựng- môi trường. Thời gian qua chúng ta đã nỗ lực cải thiện tình hình nhưng nó vẫn là nỗi lo của các DN trong và ngoài nước. Có những khó khăn liên quan đến cơ chế, đến chỉ đạo. Thậm chí nhiều vấn đề cấp trên quyết định rồi nhưng khi triển khai thì cấp dưới vẫn không làm được.
 
Chúng ta phải tạo được môi trường kinh doanh minh bạch. Ví dụ sắp tới đây, khi chúng ta gia nhập TPP, yêu cầu tất cả những gì liên quan đến DN nhà nước là phải minh bạch tuyệt đối. Có ý nghĩa báo cáo tài chính và báo cáo giao dịch của DN phải rõ ràng, Rút dần các khâu trung gian, để đơn giản hóa thủ tục. Ví dụ như tại Hà Lan thẩm định hồ sơ tín dụng không được quá 30 tiếng, tại Mỹ không được quá 36 tiếng đồng hồ. Trong khi đó DN tại VN toàn DN bé, dự án kinh doanh bình thường, không có gì phức tạp, mà kéo dài hàng tháng.
 
Điểm nữa là phải nâng cao tính kỷ luật trong cán bộ. Người làm được việc, người không làm được việc hiện đang như nhau hết nên VN bị tai tiếng về vô kỷ luật. Chúng ta phải thay đổi cơ bản điều này.
 
Vâng, trân trọng cảm ơn ông!
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây