![]() |
Giá tiêu dùng có "thông lệ" nhích lên sau dịp Tết, song năm nay giá cả tăng mạnh và lâu xuống hơn mọi năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2008 do Quốc hội phê chuẩn, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5-9% và giữ CPI thấp hơn mức này.
Chỉ số giá tăng mạnh chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng của người dân cả nước đột biến trong dịp Tết. Trong khi các nhóm hàng khác giữ ổn định hoặc tăng nhẹ trên dưới 1%, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống vọt lên tới 6,18%, làm động lực đẩy CPI đi lên. Trong đó, giá các loại lương thực leo thang 3,2%, và thực phẩm đắt hơn trước 7,53%. Người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng phải trả các khoản chi phí cao hơn trước đến 5,7%.
Một nhóm khác cũng bước vào cuộc đua tăng giá là các dịch vụ văn hóa, thể thao và giải trí, do nhu cầu vui chơi của người dân tăng cao trong những ngày Tết. Giá nhóm này nhích lên 2,34% so với tháng đầu năm. Một số nhóm hàng và dịch vụ khác có nhu cầu cao trong Tết cũng tăng nhẹ, như đồ uống và thuốc lá 1.89%; may mặc, mũ nón, giày dép 1,36%; nhà ở 1,39%; phương tiện đi lại 1,51%.
Giá xăng thường được tính vào nhóm phương tiện đi lại, nhưng chưa tính vào chỉ số tháng này.
Đông Bắc bộ đang là khu vực dẫn đầu về giá tiêu dùng, khi CPI lên tới 4,08%. Các mặt hàng và dịch vụ ăn uống tại đây cũng giữ vị trí số một cả nước, với mức tăng 7,08%, trong đó các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình vọt lên trên 8%. Các vùng khác đều có mức tăng giá trên 3%, riêng đồng bằng sông Cửu Long giữ được CPI dưới 3%.
Các thành phố lớn cũng là những nơi giá cả đắt đỏ hơn cả, trong đó hàng hóa tại Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng lần lượt tăng 3,92%, 3,83% và 4,49%.
Trong vòng một tháng qua, giá vàng trong nước đã tiến lên gần 6%, đưa giá mặt hàng này nhích lên so với cùng kỳ năm trước tới 40,4%. Trong khi đó, giá đôla đã giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước.
Nguyễn Minh