![]() |
Cảnh chen lấn gửi tiền ở Ngân hàng Việt Á . |
Ông gọi cho tôi vào lúc tám giờ tối sau cuộc họp dài và nhiều tranh luận về điều hành tiền tệ. Hôm đó lãi suất liên ngân hàng phổ biến ở mức 35%/năm, thậm chí có ngân hàng chào cho vay tiền đồng kỳ hạn một tháng tới 43%/năm. Hôm ấy cũng là ngày Ngân hàng Nhà nước (NHNN) "bơm" tiền ra nhiều nhất, 15.000 tỉ đồng. Nhưng giọng nói của người đứng đầu ngành ngân hàng vẫn khá bình tĩnh. Ông nói, các biện pháp kiềm chế lạm phát của NHNN đã được tính toán kỹ, đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia, kể cả quốc tế và được Chính phủ ủng hộ. "Chúng tôi đưa ra lãi suất trần cho đấu thầu 15%/năm là đã cân nhắc" - ông giải thích - "Lãi suất này cao hơn lãi suất huy động hiện hành của các ngân hàng. "Bơm" tiền để cứu các ngân hàng đang thiếu hụt thanh khoản và dự trữ bắt buộc, nhưng là cứu có phạt. Sở dĩ trúng thầu phần lớn là các ngân hàng quốc doanh vì họ có tín phiếu, trái phiếu (thị trường mở là nơi giao dịch các loại giấy tờ có giá). Hiện năm ngân hàng quốc doanh nắm trong tay 51.000 tỉ đồng tín phiếu, trái phiếu. Hầu hết các ngân hàng cổ phần đều không có giấy tờ có giá do không đầu tư vào loại hàng hóa này".
Trên thực tế, NHNN, như Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thừa nhận, đã không lường trước một chi tiết. Thường thường hàng năm, sau Tết Âm lịch, tiền đồng "chảy" vào ngân hàng nhiều hơn. Tuy nhiên điều khác thường là năm nay tiền đồng đã không vào các tổ chức tín dụng mà còn chảy ngược ra (mời xem thêm bài "Tiền đang ở đâu?" ở tr.11). Trong khi đó, tháng 1-2008 NHNN đã hút về hơn 30.000 tỉ đồng. Những ngày giáp Tết, các ngân hàng bị hạn chế rút tiền mặt mà họ gửi ở NHNN. Hai ngày làm việc cuối cùng của năm, trước khi kho tiền ở 17 Bến Chương Dương, Q.1, TPHCM đóng cửa, các ngân hàng nhận được chỉ thị chỉ được phép rút 50 tỉ đồng tiền mặt/ngân hàng/ngày và phải báo trước 24 giờ. Nhiều doanh nghiệp có lẽ đã "ngửi" thấy điều gì đó căng thẳng trong cung cầu tiền đồng nên họ giữ lại tiền trên tài khoản. Không ít ngân hàng sau Tết giảm ngay dư nợ tín dụng, ngưng cho vay mới.
Nhưng không phải ngân hàng nào cũng nhạy cảm như thế. Có ngân hàng cổ phần đầu tháng 2-2008 vẫn giải ngân cho vay bất động sản 1.000 tỉ đồng. Và khi NHNN tiếp tục thắt chặt tiền tệ bằng việc chỉ đưa ra thị trường tổng cộng 2.000 tỉ đồng trong tuần làm việc đầu tiên của năm mới với lãi suất 25-30%/năm, thì lãi suất liên ngân hàng "bùng phát". Một số doanh nghiệp và ngân hàng lợi dụng tình hình "nước sôi lửa bỏng" đẩy lãi suất lên cao với lập luận: "NHNN cho vay tới 30%/năm, thì chúng tôi phải cho vay cao hơn". "Cuộc sát phạt giữa các ngân hàng thừa và thiếu tiền đồng đã hiện rõ" - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, nhận xét - "Ở các nước trong lúc khó khăn các ngân hàng giúp nhau, còn ở Việt Nam lại lợi dụng để đẩy lãi suất lên kiếm lời. Đây là điểm cần rút kinh nghiệm".
2. Tiền sẽ vẫn chảy về kho
Việc phát hành 20.300 tỉ đồng tín phiếu bắt buộc có phải là một trong những nhân tố tạo ra cơn "sốt" lãi suất? Thống đốc nói với TBKTSG: "Tín phiếu bắt buộc là thay dự trữ bắt buộc được trả lãi. Tín phiếu có lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 364 ngày, gần bằng lãi suất tín phiếu Kho bạc kỳ hạn ba năm là 7,95%/năm. Hơn nữa các ngân hàng có một tháng để chuẩn bị cho việc mua tín phiếu. Để chống lạm phát, Trung Quốc đã nâng dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng lên 14% tổng vốn huy động (của các ngân hàng Việt Nam hiện là 11%) và đã hút về số nội tệ tương đương 27 tỉ đô la Mỹ".
Cộng lại từ sau Tết đến nay NHNN đã "bơm" ra ngắn hạn (kỳ hạn 14 ngày) cả thảy 41.000 tỉ đồng. Số tiền này sẽ đáo hạn trong đầu tháng 3-2008. Sau đó liệu tiền có tiếp tục được hút về? "Nửa đầu năm 2007 chúng ta đưa ra 105.000 tỉ đồng mua ngoại tệ dự trữ và cả năm mới hút về được 90.000 tỉ đồng. Từ bấy đến nay NHNN tung ra thêm 40.000 tỉ đồng để mua đô la Mỹ phục vụ xuất khẩu. Như vậy số tiền còn kẹt trong lưu thông phải hút về là 55.000 tỉ đồng" - ông Giàu phân tích. Theo thông tin riêng của chúng tôi, NHNN đã sử dụng 47,3% hạn mức tiền đồng đưa ra lưu thông năm 2008 mà Chính phủ cho phép. Đồng thời các ngân hàng còn gửi ở NHNN số vốn khả dụng chừng 64.000 tỉ đồng. Với hạn mức eo hẹp còn lại cho mười tháng của năm, chắc chắn tiền đồng sẽ tiếp tục được hút về.
Sang tuần này có khả năng lãi suất sẽ dịu lại. Khảo sát của chúng tôi cho thấy một số ngân hàng thiếu thanh khoản đã đảm bảo được thanh khoản trở lại. Họ chỉ còn thiếu dự trữ bắt buộc cho tháng 2. Từ tháng 3, dự trữ bắt buộc sẽ bớt khó khăn do các khoản vay đáo hạn và ngân hàng giảm cho vay mới. Phó thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn cho biết, trước mắt những ngân hàng thiếu dự trữ bắt buộc sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu còn tái phạm sẽ cảnh cáo và có thể rút giấy phép.
Có một vài điểm sáng xuất hiện trong cơn "sốt" lãi suất mà không thể phủ nhận. Thứ nhất là mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã được nâng lên. Ngân hàng đưa ra sản phẩm mới: lãi suất tiền gửi bằng chỉ số lạm phát cộng thêm tỷ lệ phần trăm. Lãi suất thực gửi của dân cư sau khi trừ lạm phát có thể dương, người dân có lợi. Thứ hai, các ngân hàng đã và đang điều chỉnh lại danh mục cho vay, loại khỏi danh mục những khoản tài trợ kém hiệu quả, chất lượng tín dụng sẽ được cải thiện. Thứ ba, và cũng là điều quan trọng nhất, các tổ chức tín dụng đã "ngấm" bài học đảm bảo thanh khoản, an toàn vốn cho vay. Dù đứng dưới góc độ doanh nghiệp, ngân hàng hay cơ quan điều hành, cũng không thể không đồng ý rằng nhiều ngân hàng đã phát triển tín dụng quá nóng. "Có ngân hàng vốn huy động chỉ 6.200 tỉ đồng, mà dư nợ tới 8.000 tỉ đồng", Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tiết lộ - "Thống kê sơ bộ cho thấy dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng hiện lên đến con số khổng lồ 116.000 tỉ đồng, chủ yếu cho vay trung, dài hạn trong khi vốn huy động phần lớn là ngắn hạn".
Những ngân hàng chạy đua tín dụng "nóng" đã và đang phải trả giá. Điều mà họ và cả những ngân hàng đang kinh doanh tốt mong muốn là minh bạch hóa chính sách tiền tệ. Sẽ không có ngân hàng nào phản đối việc chống lạm phát, song các giải pháp phải có lộ trình, liều lượng phải được công bố sớm, ba tháng trước khi thực hiện để các ngân hàng cũng như doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Liệu pháp "sốc" vừa qua là cần thiết nhưng quá dồn dập khiến doanh nghiệp và ngân hàng mất phương hướng. Cả tuần, ngân hàng không biết cho vay ra sao, chỉ chăm chăm thu hồi nợ và lo thanh khoản, dự trữ bắt buộc. Doanh nghiệp không biết vay như thế nào, có nên trả các khoản đáo hạn không? Hiện trạng này sẽ chấm dứt khi liệu pháp "sốc" được minh bạch hóa
HẢI LÝ