Đã qua thời buông lỏng!
Nhìn lại năm 2007 từ góc độ huy động vốn, các DN, đặc biệt là khối ngân hàng TMCP đã khá thành công. Theo số liệu từ UBCK, đã có 179 DN thực hiện chào bán 2,46 tỷ CP ra công chúng, tương ứng khoảng 48.000 tỷ đồng (gấp 25 lần so với năm 2006); 3,468 triệu trái phiếu tương ứng với 3.750 tỷ đồng cho 3 ngân hàng TMCP… Tính chung cả hoạt động phát hành, đấu giá trên thị trường chính thức, năm 2007 đạt gần 90.000 tỷ đồng, gần gấp 3 lần năm 2006.
Tuy nhiên, việc phát hành CP với khối lượng lớn trong năm 2007 cũng tạo ra những hệ lụy với thị trường. Tận dụng thời điểm thị trường "khan hàng", nhiều tổ chức phát hành đã liên tục tổ chức các đợt chào bán CP trong khoảng thời gian khá gần nhau. Thậm chí tại một số DN, trong khi nguồn vốn huy động chưa sử dụng hết, dự án triển khai chưa xong lại tiếp tục phát hành thêm CP và mang tiền về… gửi trên thị trường liên ngân hàng kiếm lãi suất cao! Điều này không chỉ trái quy định về mục đích phát hành, mà còn đẩy thị trường vào tình cảnh cung vượt cầu, nhanh chóng chuyển từ "nóng" sang trạng thái "lạnh". Việc chào bán chui, không xin phép cũng diễn ra phổ biến trong khi chế tài xử phạt lại nhẹ.
"Siết" như thế nào?
Trước những diễn biến của thị trường 6 tháng đầu năm 2008, trong nhiều công việc phải làm để ổn định TTCK, việc quản lý chặt chẽ khâu phát hành đã được đặt ra; cụ thể là việc sửa đổi Nghị định số 14/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, liên quan đến nội dung chào bán chứng khoán.
Theo đề xuất của UBCK, để được chào bán chứng khoán, các tổ chức phải đáp ứng nhiều điều kiện chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, trong vòng 6 tháng, mỗi đợt chào bán chứng khoán ra công chúng không được vượt quá 100% mức vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành, tính theo báo cáo tài chính năm (có kiểm toán) tại thời điểm gần nhất trước khi chào bán. Điều đáng lưu ý, theo kiến nghị của UBCK là vai trò, trách nhiệm của CTCK sẽ được nâng lên. Việc lập hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng phải được ít nhất một CTCK tư vấn và chịu trách nhiệm trong phạm vi tư vấn, trừ trường hợp tổ chức phát hành là CTCK. Để đảm bảo thành công, trường hợp đợt chào bán chứng khoán ra công chúng có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên tính theo mệnh giá, phải có tổ chức bảo lãnh phát hành, trừ trường hợp chào bán cho cổ đông hiện hữu và người lao động trong tổ chức phát hành. Nếu đợt chào bán nhằm mục đích huy động vốn cho dự án đầu tư, tổ chức phát hành phải có tài liệu chứng minh dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Một điểm đặc biệt quan trọng mà nhiều thành viên thị trường đã nhiều lần kiến nghị là cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn huy động từ TTCK cũng sẽ được cụ thể hoá. Định kỳ 6 tháng, kể từ ngày giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng hết hiệu lực, tổ chức phát hành phải báo cáo UBCK về kết quả sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán.
Trường hợp chào bán thêm chứng khoán ra công chúng, hồ sơ đăng ký chào bán phải bao gồm tài liệu báo cáo việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán trước. Tổ chức phát hành không được chào bán chứng khoán ra công chúng để đầu tư tài chính trên TTCK, ngoại trừ các tổ chức có chức năng đầu tư tài chính. Hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng phải được gửi kèm hồ sơ đăng ký niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên HOSE và HASTC đối với số cổ phiếu chào bán ra công chúng.
Công ty cổ phần chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền hoặc chứng quyền kèm theo cổ phiếu ưu đãi ra công chúng phải có phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán, kế hoạch phát hành số cổ phiếu cho việc chuyển đổi được ĐHCĐ thông qua. Phương án chuyển đổi bao gồm điều kiện, thời hạn chuyển đổi, tỷ lệ chuyển đổi, phương pháp tính và các điều kiện khác được xác định ngay trong phương án phát hành.
Nhìn chung, những nội dung bổ sung, sửa đổi liên quan đến phát hành đã giải quyết được vấn đề quan trọng thị trường đang đặt ra như: giám sát sử dụng vốn, quy định về khoảng cách thời gian giữa các đợt phát hành, đề cao vai trò tư vấn trong mỗi đợt phát hành... Theo đại diện UBCK, việc sửa đổi Nghị định 14 với những nội dung quan trọng kể trên đang được trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, dự kiến trong năm nay sẽ được áp dụng trong thực tiễn.