![]() Hệ lụy kém hiệu quả, lãng phí, thậm chí thất thoát của đầu tư công đã được nói đến rất nhiều thời gian qua
|
Sáng tạo không giống ai
Góp ý vào dự thảo Luật Đầu tư công, TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thốt lên: “Luật này đáng lẽ phải ra lâu rồi”. Lý do ông nói vậy là vì đã gần 10 năm, văn bản luật được coi là đặc biệt quan trọng này, vì có liên quan đến khoảng 1/4 tổng chi ngân sách hàng năm chưa kể trái phiếu Chính phủ, đến nguồn lực lớn mà người dân và DN đóng góp, đến những khoản nợ mà thế hệ con cháu sẽ phải trả… vẫn chưa được thông qua.
Theo kế hoạch, phải đến kỳ họp Quốc hội sắp tới, dự án luật này mới được đưa ra thảo luận. Trong khi, hệ lụy kém hiệu quả, lãng phí, thậm chí thất thoát của đầu tư công đã được nói đến rất nhiều.
TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dẫn chứng, trong 10 năm qua, mỗi tháng đất nước có thêm 2,5 trường đại học và một khu đô thị, 9 cụm công nghiệp; mỗi năm làm xong 10 cảng biển, 2 sân bay… nhưng, đường vẫn không thông, điện vẫn thiếu, đô thị thì ngập lụt, cảng biển và khu công nghiệp tràn lan nhưng chỉ lấp đầy được 46% với đa số dự án công nghệ thấp.
Trong ghi nhận của ông Thiên, Việt Nam đã đầu tư dễ dãi, tràn lan trong một thời kỳ chạy đua tăng trưởng nên lĩnh vực nào cũng làm nhưng kết quả là chưa đo được hiệu quả, dẫn đến gây lãng phí nguồn lực. Ông mạnh mẽ dùng những cụm từ: “sáng tạo không giống ai” và “nghịch lý” để mô tả về vấn đề này và dẫn chứng như: đại lộ ngoài ruộng; làm đường nối Thủ đô với một quả núi (đường Láng - Hòa Lạc); làm đường tốt để cấm đi nhanh (vì bắn tốc độ).
![]() |
|
TS. Trần Đình Thiên |
Ông Bùi Trinh, một chuyên gia thống kê có uy tín, dẫn chứng bằng những con số rút ra từ nghiên cứu khoa học. Nếu trong giai đoạn 2000 - 2006, để có thêm 1 đồng giá trị gia tăng thì nền kinh tế cần 4,9 đồng vốn, nhưng đến giai đoạn 2007 - 2011, con số này tăng lên là 7,7 đồng. Các nghiên cứu của ông cũng chỉ ra hiệu quả sử dụng vốn kém nhất là khu vực kinh tế Nhà nước: từ 7,1 đồng vốn tăng lên 9,9 đồng trong hai giai đoạn kể trên.
Ngoài ra, nghiên cứu của chuyên gia Bùi Trinh cũng cho thấy, nguyên nhân sâu xa của lạm phát cao ở giai đoạn trước chính là do hiệu quả đầu tư công kém hiệu quả... “Hiện nay, có ý kiến của một số vị muốn tăng đầu tư công để kích cầu thì không khác gì tự sát”, ông Trinh bình luận như vậy và cũng khuyến cáo rằng: “Nếu cứ tăng đầu tư không hiệu quả không khác gì thêm thuốc bổ cho khối u ung thư làm nó phình nhanh hơn, vỡ ra và chết”.
Các bộ còn giữ “sân” thì còn khó
![]() |
|
PGS. TS. Đặng Văn Thanh |
Về phía các cơ quan quản lý hoặc có hoạt động liên quan đến đầu tư công, những thực trạng nêu trên cũng được nhận diện rất rõ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận: việc đầu tư công bằng các nguồn vốn của Nhà nước thời gian qua đã phát sinh nhiều hạn chế. Quyết định đầu tư, bố trí vốn dàn trải dẫn đến thời gian thi công kéo dài, hiệu quả đầu tư kém và lãng phí nguồn lực; tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực đến cân đối ngân sách các cấp…
Nhưng nghiêm trọng hơn là khi hiệu quả đầu tư thấp hoặc xảy ra lãng phí nghiêm trọng, không có sự kiểm điểm nào chỉ ra được ai là người chịu trách nhiệm trong việc ra quyết định đầu tư hoặc phê duyệt dự án. Việc xử lý các sai phạm trong quản lý đầu tư và xây dựng chưa nghiêm, việc quy trách nhiệm không rõ ràng nên đầu tư vẫn kém hiệu quả, làm xói mòn lòng tin của người dân về quản lý đầu tư công.
“Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần lên tiếng trước việc nhiều tỉnh miền núi xây dựng đường giao thông như xa lộ, nhưng lưu lượng xe qua lại rất ít và cho rằng, đây chính là minh chứng cho việc đầu tư công kém hiệu quả, dàn trải, lãng phí”, Bộ trưởng Vinh đã nói như vậy khi báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc cần thiết phải ban hành Luật Đầu tư công.
Góp ý cho dự thảo, lãnh đạo của Bộ Tài chính chỉ ra nhiều điểm trùng với Luật Ngân sách Nhà nước. Ông nói, so với Luật Ngân sách sửa đổi, quyền phân bổ ngân sách mới là quyền khung. TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia chia sẻ thêm: “Đây là một luật khó vì Luật Đầu tư công liên quan đến một loạt luật khác như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và nhiều văn bản dưới luật khác”.
TS. Vũ Viết Ngoạn nhận xét: “Những lấn cấn còn hiện hữu giữa các bộ với nhau khiến cách tiếp cận dự án Luật Đầu tư công vẫn chưa xử lý nhanh được”. Tuy nhiên, ông Cao Sỹ Kiêm thì cho rằng, rào cản chính khiến Luật Đầu tư chưa được thông qua là vì “không thống nhất được với các bộ”.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận: “Luật này không chỉ quản lý hiệu quả chất lượng đầu tư công mà còn tác động lớn đến tái cơ cấu nền kinh tế… Nhưng nếu cứ loại trừ (như ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng - PV) thì luật này chỉ điều chỉnh các dự án không có công trình xây dựng và như vậy, vẫn là luật của các bộ”. Ông cũng nói thẳng, Luật Đầu tư công chậm bao nhiêu năm do có phần ý kiến của Bộ Tài chính. “Bộ Tài chính phản đối kịch liệt nhất vì liên quan đến mảng ai sẽ quyết định vốn”, ông nói.
PGS. TS. Đặng Văn Thanh: Đầu tư công, hay nói rộng hơn là đầu tư bằng tiền của dân, của nước, cần được quản lý chặt chẽ, với ý thức thật sự hữu ích và tiết kiệm. Nếu quản lý không tốt, kiểm soát thiếu chặt chẽ thì đây là một kênh dễ xảy ra lãng phí, lợi dụng, thậm trí là kênh trục lợi. TS. Trần Đình Thiên: Lãng phí đầu tư công là nghiêm trọng. Nhưng việc xử lý các sai phạm trong quản lý đầu tư và xây dựng chưa nghiêm, việc quy trách nhiệm không rõ ràng nên đầu tư vẫn kém hiệu quả, làm xói mòn lòng tin của người dân về quản lý hiệu quả đầu tư công. |