Một số công ty Mỹ đã thực hiện chính sách không giới hạn kỳ nghỉ của nhân viên và được ủng hộ nhiệt tình bởi cả người lao động và sếp của họ. Lập luận được đưa ra ở đây là mức độ linh hoạt trong thời gian làm việc tăng lên sẽ giúp tăng năng suất.
Tại Ryan – một công ty cung cấp dịch vụ tư vấn thuế với 1.600 nhân viên, phần lớn người lao động không công bố họ làm việc bao nhiêu tiếng trong 1 năm kể từ năm 2008 tới nay. Họ có bao nhiêu ngày nghỉ trong năm cũng là điều chẳng mấy ai quan tâm.
Đây là một trường hợp ngoại lệ ở nước Mỹ - nơi hầu hết người lao động làm việc 40 giờ mỗi tuần và thời gian nghỉ phép không được quy định trong luật lao động.
Theo một nghiên cứu từ một tổ chức phi lợi nhuận, tính trung bình, mỗi người Mỹ sẽ nhận được 2 tuần nghỉ phép mỗi năm. Vào mùa hè, Steve Thompson – giám đốc tại văn phòng Washington của Ryan, thường bắt đầu kỳ nghỉ cuối tuần vào giữa ngày thứ 6 hàng tuần để tránh tình trạng kẹt xe trên đường ra bãi biển.
Vị giám đốc 32 tuổi và hai người trong đội của mình thường làm việc từ 10h sáng đến 4h chiều (đây gọi là giờ cứng). Tuy nhiên, họ có thể tự tổ chức thời gian làm việc hàng ngày của mình.
Công việc của Thompson giúp doanh nghiệp giảm bớt số thuế bất động sản mà họ phải đóng. Thỉnh thoảng anh có thể rời văn phòng từ giờ ăn trưa để làm những việc lặt vặt ở bên ngoài.
“Nếu cảm thấy quá áp lực và không phải đi họp, tôi sẽ đến phòng tập thể thao để xóa tan stress và sau đó lại quay trở lại với công việc với tâm trạng thoải mái hơn”, Thompson trả lời phỏng vấn của AFP.
Theo ước tính của Thompson, tính ra thì thời gian nghỉ phép của hai người còn lại trong đội vẫn chỉ là 2 tuần trong năm ngoái. Tuy nhiên, giá trị nằm ở chỗ họ có thể thoải mái có những cuối tuần kéo dài tới 3 ngày hoặc đi nghỉ dài ngày, miễn là công việc vẫn được đảm bảo.
Sự linh hoạt trong thời gian làm việc của Ryan đã cải thiện đáng kể không khí làm việc. Trước đây, đây là một môi trường làm việc đầy căng thẳng với nhiều giờ làm việc với những tài liệu Excel dày đặc con số.
Tuy nhiên, kể từ năm 2008, những tiêu chuẩn mới đánh giá năng lực được đưa ra. 40% đánh giá dựa vào các mục tiêu tài chính và 40% khác dựa vào điểm số hài lòng mà khách hàng dành cho họ.
Theo Sheeva Ghassemi – Vanni, luật sư đã giúp nhiều công ty có những bước chuyển biến tương tự, đặc biệt là ở thung lũng Silicon, chính sách này mang lại rất nhiều lợi ích. Công ty cắt giảm được bộ phận hành chính chuyên theo dõi chấm công cho nhân viên.
Ngày càng nhiều công ty – đặc biệt là trong ngành tài chính và công nghệ - thực hiện chính sách này. Theo đó, người lao động không cần phải có mặt tại công ty mà chỉ cần đảm bảo công việc đúng tiến độ.
Tuy nhiên, tính tự giác là một điểm rất quan trọng. Hơn nữa, ở Mỹ, nhân viên có thể dễ dàng bị sa thải và do đó họ phải nhận thức được họ cần chăm chỉ hoặc sẽ bị đào thải ngay lập tức.