Ngân hàng "gia đình trị" "đình đám": Tiền ai nấy giữ?

 
 
Nhiều lãnh đạo trẻ của Vietinbank được đặt vào những vị trí chủ chốt trong bộ máy. 

Nhiều "sếp" giữ ghế chủ chốt trong các ngân hàng còn rất trẻ tuổi, họ cũng gây chú ý bởi là "cậu ấm cô chiêu" của lãnh đạo cao cấp của chính ngân hàng đó...

Loạt sếp “bự” trẻ tuổi ở Vietinbank

Nhiều lãnh đạo trẻ của Vietinbank được đặt vào những vị trí chủ chốt trong bộ máy. Bà Phạm Minh Khanh, ái nữ cả của Chủ tịch HĐQT Vietinbank hiện đang giữ chức Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Vietinbank. Đây là Công ty TNHH MTV được thành lập từ tháng 9/2010 theo quyết định của HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Công ty Vàng bạc đá quý VietinBank xếp hạng 567 trong Bảng xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam năm 2012.

Ái nữ thứ 2 của Chủ tịch Vietinbank là bà Phạm Vân Anh. Bà Vân Anh sinh năm 1989, hiện đang giữ chức vụ Phó Tổng GĐ Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank Capital) từ tháng 4/2013. Nữ Phó tổng giám đốc xấp xỉ 9X này đã học qua  Quản trị Kinh doanh - tại Mỹ và Marketing tại Úc.

2 con rể chủ tịch HĐQT Vietinbank là ông Vũ Trung Thành, được bổ nhiệm giám đốc chi nhánh Vietinbank TP. Hà Nội ngày 5/12. Trước khi có quyết định bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh Hà Nội, ông Thành là Giám đốc Vietinbank chi nhánh Đống Đa.

Con rể thứ của Chủ tịch Vietinbank là ông Nguyễn Như Dương hiện đang giữ chức vụ Giám đốc chi nhánh Đống Đa. Cùng thời điểm ông anh "cọc chèo" Vũ Trung Thành từ chi nhánh Đống Đa về làm sếp chi nhánh Hà Nội, ông Nguyễn Như Dương nhận quyết định điều chuyển từ vị trí Phó giám đốc chi nhánh Vietinbank Hà Nội về làm Giám đốc chi nhánh Vietinbank Đống Đa.

Ông Nguyễn Như Dương, sinh năm 1984, từng nắm nhiều chức vụ tại Vietinbank: Phó phòng; Trưởng phòng Phát triển kinh doanh Công ty Quản lý Quỹ, Phó Giám đốc Chi nhánh Vietinbank Hà Nội.

Ngoài ra, một người trẻ khác, ông Phạm Huy Thông sinh năm 1979, có chân trong HĐQT và trong ban điều hành ngân hàng này-Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank cũng là người có quan hệ họ hàng gần gũi với Chủ tịch HĐQT. Ông Phạm Huy Thông được bầu bổ sung vào HĐQT ngày 13/4/2013.

Vietinbank là ngân hàng thương mại cổ phần đã IPO lần đầu năm 2008, tại thời điểm vốn điều lệ trên 11 ngàn tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay VietinBank đã tăng vốn điều lệ lên trên 37 ngàn tỷ đồng. Cổ đông chiến lược của Vietinbank là Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ nắm giữ khoảng 19,73% vốn, tương đương 7.346,15 tỷ đồng; Cổ đông khác là 15,81% tương đương 5.886,10 tỷ đồng.

Ngày 23/12, Vietinbank đã công bố điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2013, theo đó, các chỉ tiêu về lợi nhuận trước thuế còn 7500 tỷ đồng (giảm 1100 tỷ, từ mức 8600 tỷ ban đầu), tổng dư nợ tín dụng và đầu tư 503 ngàn tỷ đồng (ban đầu 524.000 tỷ đồng), dư nợ tín dụng 438 ngàn tỷ đồng (thấp hơn 12.000 tỷ), tỉ lệ chia cổ tức giảm còn 10% so với 12% trước đó.

Nam Á bank: Thành viên gia đình nắm ghế chủ chốt

Bà Trần Thị Hường (Tư Hường) cùng gia đình đã gây dựng lên khá nhiều tên tuổi nổi tiếng như DNcó quy mô vốn 6.000 tỷ đồng Hoàn Cầu là đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ Thế giới - Miss Universe 2008, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Ngân hàng Nam Á, khu nghỉ dưỡng Diamond Bay.

DN nhà bà Tư Hường đã phát triển rất mạnh mẽ cùng với sự đổi mới của đất nước với sự hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, trồng rừng, khu đô thị, du lịch, cao ốc, văn phòng, khách sạn, resort, khu thương mại...

Dù bà Tư Hường không có mặt trong HĐQT nhưng những thành viên trong gia đình bà Hường đảm nhận các vị trí chủ chốt tại NamABank.

Các ghế Chủ tịch HĐQT và Phó Chủ tịch HĐQT hiện do bà Nguyễn Thị Xuân Loan và ông Nguyễn Quốc Mỹ là các con của bà Hường giữ.

Ông Huỳnh Thành Chung (chồng bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc, con rể bà Hường) cũng giữ ghế thành viên HĐQT Nam Á bank.

Năm 2013, lũy kế 9 tháng đầu năm nay, nhà băng này đạt hơn 51 tỷ đồng so với con số cùng kỳ năm ngoài (đạt gần 144 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế). Lãnh đạo của  NamA Bank cho rằng, nếu nhìn vào tỷ lệ tăng trưởng thì mức tăng trưởng 26,5% tín dụng của NamA Bank 9 tháng đầu năm được cho là cao. Nhưng nếu xét về con số tuyệt đối, hiện tổng dư nợ cho vay khác hàng của NamA Bank còn rất nhỏ, mới đạt 8.664 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2013, chỉ ngang bằng với một chi nhánh của nhà băng lớn.

Nhiều lãnh đạo “con dòng cháu giống”

Trước đó, tại Sacombank, ông Đặng Văn Thành làm Chủ tịch HĐQT cũng có đồng thời con trai là Đặng Hồng Anh làm chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín.

Tại ACB, Chủ tịch HĐQT trẻ tuổi sinh năm 1978 Trần Hùng Huy cũng là "con dòng cháu giống", là con ruột của nguyên Chủ tịch HĐQT ACB Trần Mộng Hùng- người đồng sáng lập nên ngân hàng. Gia đình sở hữu một số lượng cổ phiếu rất cao trong ngân hàng.  Theo đó, có thời điểm, cả ông Trần Mộng Hùng, bà Đặng Thu Thủy (mẹ ông Huy) và các anh chị em ông Huy như Trần Đặng Thu Thảo, Trần Minh Hoàng nắm giữ lớn cổ phiếu của ngân hàng này.

Trao đổi với PV Infonet, một cựu lãnh đạo ngân hàng TMCP nói rằng, việc những người thân trong gia đình  cùng nắm những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong ngân hàng nếu đó là những người có thực tài thì cũng là điều tốt đối với tổ chức tín dụng, tuy nhiên, về tâm lý thì các nhân sự khác trong cùng bộ máy vẫn ít nhiều nảy sinh  suy nghĩ, định kiến trong công việc. Nếu ở ngân hàng cổ phần tư nhân thì "tiền ai nấy giữ", trong khi với ngân hàng thương mại do nhà nước nắm vốn chi phối thì việc tuyển dụng và bổ nhiệm các vị trí chủ chốt phải tuân thủ các quy định song cũng khó loại trừ hoàn toàn yếu tố "nhất thân nhì quen" và những quan hệ gửi gắm.

“Nếu là người giỏi thực sự thì đi đâu chả được trọng dụng, không nhất thiết phải làm việc ở môi trường, đơn vị có người thân mới hiểu và dụng được tài của họ", vị này nói.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây