Ngân hàng "rộng cửa" cho vay tiêu dùng sau mưa ngập?

Mức vay tiêu dùng theo đầu người tại Việt Nam đang khá thấp, chỉ đạt khoảng 921.000 đồng/người.

Tương tự với cho vay chứng khoán, bất động sản, rất ít NH mặn mà với cho vay tiêu dùng vốn hàm chứa khá nhiều rủi ro.

Cho vay tiêu dùng đang quá thấp

Thực tế thời gian trước, do lo ngại thiếu khả năng thanh khoản, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã phải nâng mức lãi suất huy động ngắn hạn lên cao quá mức. Tuy nhiên dòng tiền gửi tăng mạnh đã đẩy các NH rơi vào tình cảnh… thừa vốn. Được biết, lượng vốn thừa này được dành chủ yếu cho vay liên ngân hàng, dành cho dự trữ bắt buộc.

Lãnh đạo một NHTM thừa nhận, dù vốn đang thừa song ít NH nào dám tăng vốn cho vay tiêu dùng, do NH khó tìm được khách hàng đủ độ “an toàn”. Ngoài ra, do đã từng huy động lãi siêu ngắn hạn, ngắn hạn quá cao tới nay ít ai chịu dám chịu lỗ, bỏ ra cho vay với lãi suất thấp hơn.

Theo thống kê của các NHTM tính tới ngày 30/10, hệ thống NHTM thừa khoảng 90.000 tỷ đồng, trong khi đó dư nợ tín dụng tiêu dùng đến cuối tháng 9/2008 của cả hệ thống đạt 79.700 tỷ đồng, chiếm 6,54% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.

Tính trung bình mức dư nợ vay tiêu dùng theo đầu người chỉ đạt khoảng 921.000 đồng/người. Và theo các chuyên gia trong ngành thì đây là con số quá thấp so với tiềm năng thị trường của Việt Nam.

Trong khi đó, NHNN đã “bật đèn xanh” cho các NHTM nới rộng cho vay các lĩnh vực mà lâu nay họ còn ngần ngại, nhất là bất động sản và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây được xem là đòn bẩy quan trọng đối với sản xuất của doanh nghiệp, ngăn ngừa nguy cơ giảm phát và thiểu phát tiềm tàng.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) cho biết, theo chủ trương chung của Chính phủ, nhằm kích cầu thị trường nội địa và thúc đẩy sản xuất phát triển, ngân hàng này có chủ trương mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng, song không phải là tiêu dùng xa xỉ.

BIDV hay LienVietBank đều đang tăng cường tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, BIDV cam kết sẽ đạt mục tiêu tổng dư nợ cho vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2008-2010 đạt con số 60.000 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ của ngân hàng này. Tuy nhiên, con số cụ thể dành cho vay tiêu dùng tính tới thời điểm này chưa được người đứng đầu BIDV đưa ra.

LienVietBank mở rộng hơn cho cả dự án phát triển làng nghề; cho CBCNV, hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà, đất, xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở và các nhu cầu vay liên quan tới bất động sản...

Sẽ nhắm tới đối tượng có khả năng…trả nợ

Chia sẻ những khó khăn của các ngân hàng trong việc giải ngân nguồn tiền đang được coi nhà khá dư thừa “trong kho”, song theo TS. Nguyễn Thị Mùi, Phó giám đốc Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), các NHTM sẽ không dễ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng vào thời điểm này. Bất chấp việc điều kiện để khởi động phân khúc này là khá lớn khi nguồn vốn tại các NHTM đang khá trường, cộng thêm sức cầu trong dân đang ở mức thấp.

Đối tượng cho vay tiêu dùng sẽ được sàng lọc kỹ hơn, dựa trên tiêu chí về khả năng trả nợ đến hạn.


“Cân nhắc từng dự án, từng khoản vay hiệu quả, tính thiết thực của dòng vốn trong giai đoạn này quan trọng hơn việc cố gắng đẩy nhanh doanh số các khoản vay”, TS. Mùi gợi ý.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia, để “tiêu hết” gần 10% tăng trưởng dư nợ tín dụng còn lại trong hai tháng cuối năm, các NHTM sẽ buộc phải cho vay. Đặc biệt khi nền kinh tế đang có dấu hiệu thiểu phát, trong khi cầu trong dân chúng và doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn ở mức cao, đây chính là cơ hội tốt nhất để ngân hàng khởi động lại cho vay tiêu dùng.

Phó giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB Bank), TS. Lê Công cũng cho biết, với tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ từ phía NHNN và để phục vụ kế hoạch giải ngân, năm 2008 MB Bank dành 20% trên tổng dư nợ cho vay hộ cá nhân, sắp tới MB Bank sẽ tích cực triển khai mở lại việc cho vay tiêu dùng.

Vị lãnh đạo này cho rằng, thời gian vừa qua do chính sách tiền tệ thắt chặt đối tượng cho vay của các NH bị thu hẹp lại, song không có nghĩa NH “đóng cửa” với cả các dự án tốt và người tiêu dùng có khả năng trả nợ.

Về việc cho vay tiêu dùng sắp tới, ông Công cũng khẳng định: “đối tượng phục vụ sẽ được sàng lọc kỹ hơn, chỉ những dự án tốt, người vay tiêu dùng có khả năng trả nợ mới được nhắm đến.

Lãi suất vay sẽ được tính toán dựa trên quy định không quá 150% lãi suất cơ bản của NHNN, có tính thêm các khoản phí, và sẽ tuỳ theo từng đối tượng khách hàng sẽ có mức lãi phù hợp”.

Với việc nhiều người dân bị ảnh hưởng nặng nề tới đời sống do lũ lụt mấy ngày qua, đa số các NH đều cho rằng sẽ đặc biệt chú ý tới nhu cầu vay của đối tượng này, tuy nhiên mức cho vay như thế nào sẽ phải tính toán tuỳ thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây