Người tiêu dùng bị thiệt

Người tiêu dùng sẽ không còn nhiều lựa chọn, nếu dự thảo nghị định về kinh doanh khí hóa lỏng được thông qua. Ảnh: H.THÚY

Nếu như dự thảo nghị định về kinh doanh khí hóa lỏng được thông qua, không chỉ có thể phát sinh độc quyền, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, thị trường gas sẽ giảm tính cạnh tranh, người tiêu dùng bị thiệt.

Hôm qua (17-12), Chúng tôi nhận thêm nhiều ý kiến phản ứng từ các doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas. Nếu dự thảo này thông qua, giá gas sẽ tăng do phát sinh thêm chi phí.

Bóp chết doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ông Lại Đức Nam, Giám đốc kinh doanh và marketing Công ty TNHH Petronas VN, cho biết: Việc sắp xếp lại hoạt động kinh doanh gas theo dự thảo chỉ có lợi cho các DN lớn là bất hợp lý, không bảo đảm cạnh tranh sòng phẳng. Không nên bóp chết DN mới, DN vừa và nhỏ, phải bảo đảm cho thị trường mở. Việc quy định mỗi DN kinh doanh gas phải có tối thiểu 300.000 vỏ bình là quá vô lý. Với số vỏ bình này, DN phải đầu tư đến 10 triệu USD, chưa kể cầu cảng, kho bồn chứa hàng ngàn mét khối (một bồn chứa 3.000 tấn phải mất khoảng 6 triệu USD).

Việc buộc DN nhập khẩu, xuất khẩu gas phải có tối thiểu 500.000 vỏ bình lại càng vô lý. Chức năng của họ là chỉ nhập khẩu gas về cung cấp cho các đơn vị kinh doanh gas trong nước hoặc phân phối cho ngành công nghiệp, công ty chiết nạp. Nói chung là cung cấp hàng sỉ, chứ không bán lẻ thì họ đâu cần phải có vỏ bình. Nếu đầu tư hàng chục triệu USD cho vỏ bình là lãng phí quá lớn. Việc đưa ra các điều kiện trên chẳng qua là nhằm bảo vệ một số DN lớn đang dần bị mất thị trường, họ không đủ sức cạnh tranh với các DN mới.

Nên để thị trường tự điều chỉnh

Theo ông Thân Văn Do, Giám đốc Công ty Gas Hồng Mộc (TPHCM), nên để thị trường tự điều chỉnh sẽ tốt hơn, không nên gây khó cho DN mới tham gia thị trường gas, để các DN cạnh tranh với nhau sòng phẳng sẽ có lợi cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Minh, đại lý gas Nguyên Hồng, phân tích: Quy định nhà phân phối chỉ được phép ký hợp đồng mua gas với 3 nhãn hiệu (tức 3 hãng gas) sẽ dễ dẫn đến nhà cung cấp thao túng, nhà phân phối lệ thuộc nhiều vào các hãng gas. Hãng gas sẽ chi phối giá cả, số lượng. Để đối phó với quy định này, các tổng đại lý sẽ phải thành lập thêm nhiều công ty con để ký hợp đồng lấy hàng với nhiều hãng gas khác nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu quy định, tổng đại lý phải có kho chứa 2.000 m2 trở lên sẽ làm tăng chi phí. Vì giá thuê một mặt bằng theo đúng quy định, mỗi tháng DN phải chi thêm từ 70 triệu - 80 triệu đồng. Đương nhiên chi phí này sẽ được tính vào giá thành, người tiêu dùng phải trả. Bên cạnh đó, nhu cầu người tiêu dùng rất đa dạng, mỗi hộ sử dụng một nhãn hiệu gas khác nhau. Lâu nay một đại lý, kinh doanh cùng lúc cả chục nhãn hiệu gas khác nhau, nên sự cạnh tranh về giá, chất lượng sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Nếu chỉ kinh doanh ba nhãn hiệu sẽ giảm mạnh tính cạnh tranh. Người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn.

Trái với quy định hiện hành

Bà Trịnh Thị Tươi, Phó Giám đốc trạm chiết gas Long Sơn, cho rằng: Việc quy định trạm sang chiết phải thuộc DN kinh doanh gas có nhãn hiệu đăng ký là trái với quy định của Nhà nước hiện hành. Vì các trạm sang chiết gas được cơ quan chức năng cấp phép, hoạt động đúng ngành nghề, có hợp đồng sang chiết gas rõ ràng. Họ không vi phạm pháp luật thì không cớ gì ép họ phải rút khỏi cuộc chơi. Nếu nghị định không đúng luật sẽ dẫn đến kiện cáo.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây