Nhà, đất Hà Nội “sốt ngầm”

Nhân viên Sacomreal tư vấn cho khách hàng mua nhà đất. Ảnh: Anh Thư

So với cách đây vài tháng, giá đất Hà Nội đã có sự biến động tăng. Căn hộ chung cư ở khu Mỹ Đình vẫn dao động từ khoảng 16-21 triệu/m2, giá biệt thự từ 70-80 triệu/m2 (tăng khoảng 20-30%), các căn hộ chung cư cao cấp vị trí đẹp như ở Trung Hòa - Nhân Chính, số 5 Láng Hạ… đã hết hàng từ lâu, giá sang nhượng ở khoảng 21,5-25 triệu/m2.

Những khu căn hộ cao cấp hàng đầu cũng liên tục tăng giá. Khu Ciputra có giá lên đến 1.500-1.600 USD/m2, khu Pacific Place, nhiều căn hộ được chào bán giá 2.900-3.000 USD/m2, khu The Manor giá bán ở mức 1.800-2.000 USD/m2. Nhìn chung mức giá này đều đã tăng từ 300-500 USD/m2.

Đặc biệt những ngày gần đây, giá đất nội đô tăng cao đáng kể. Ở một số ngôi nhà trên các phố như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu… giá đất tăng cao gấp 3-5 lần so với khung giá 67,5 triệu/m2 mà thành phố đưa ra. Giá cao như vậy nhưng tình hình giao dịch lại không thật sự sôi động. Một nhà đầu tư nhận định do các căn hộ cao cấp, khu đất đẹp đều đã nằm trong tay những người “buôn” đất, nếu có giao dịch thì cũng chỉ giữa họ với nhau.

Trong khi đó, giá đất ngoại ô lại tăng không đồng đều. Ở những khu được quy hoạch để xây đô thị mới, hoặc được đầu tư để xây dựng các khu công nghiệp thì xung quanh đó đất tăng giá, còn các vùng còn lại vẫn bình thường. Cho đến thời điểm này, đất ở các khu Sóc Sơn, Gia Lâm… vẫn nằm trong khoảng 5-7 triệu/m2, thậm chí thấp hơn và rất khó bán. 

Nhìn chung, nhà, đất ở Hà Nội tăng giá và đang nằm trong chu kỳ sôi động vào dịp cuối năm. Nhiều người đầu tư vào nhà, đất kỳ vọng vào sự biến động mạnh vào đầu năm mới 2008, khi khung giá đất mới chính thức được áp dụng. Tâm lý nghe ngóng đã xuất hiện ở cả người mua lẫn người bán, khiến cho rất nhiều giao dịch BĐS hoãn lại.

Chị Nguyễn Mai Linh, người sở hữu một lô đất 50m2 đường Phạm Hùng, cho biết có người hỏi mua với giá 52 triệu/m2 nhưng chị vẫn ngần ngừ đợi sang năm tới mới bán vì đất đang trên đà tăng. Chị cho rằng bán bây giờ là thiệt. Một số người bán đã tranh thủ tăng thêm một vài giá và lý luận với khách hàng là thời điểm này mua nhà còn rẻ, nếu để sau 1-1-2008 thì giá sẽ còn tăng nhiều hơn nữa?

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, ông Lê Quang Nhuệ đã cảnh báo việc điều chỉnh giá đất trong bối cảnh chung của cả nước đang có biến động về giá cả, lạm phát sẽ là yếu tố làm khó khăn thêm đối với việc triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất. Điều này đã gián tiếp làm giảm tính cạnh tranh và hấp dẫn trong thu hút đầu tư, đồng thời cũng phần nào gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất với Nhà nước. Do đó khiến số nợ ngân sách về  tiền thuê đất và các nghĩa vụ tài chính khác, có thể sẽ tăng. Nhiều người còn lo ngại, đầu năm 2008, với việc khung giá đất tăng 20%, sẽ là khởi điểm gây ra một cơn sốt giá nhà, đất mới trên địa bàn Hà Nội. 

 Ông Nguyễn Văn Đực, PGĐ Công ty Địa ốc Đất Lành:
Đẩy mạnh việc xây nhà cho người thu nhập thấp

Thị trường nhà ở cho người có thu nhập thấp có nhu cầu rất lớn nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Tôi cho rằng, thị trường nhà ở cao cấp cứ để thị trường điều tiết giá cả. Còn đối với thị trường cho người thu nhập thấp, Nhà nước cần có chính sách cụ thể, để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tham gia. Ví dụ nên cho phép doanh nghiệp xây nhà ở có diện tích căn cứ theo nhu cầu người ở, như nhà cho người độc thân, nhà cho 2-3 người ở, chứ không nhất thiết phải giới hạn về diện tích.

Thực tế cho thấy, số lượng người có thu nhập thấp, mới lập gia đình có nhu cầu về nhà ở rất lớn, tạo áp lực không nhỏ về nhu cầu nhà ở cho toàn xã hội. Để đẩy nhanh nguồn cung nhất thiết phải cải tiến thủ tục về cấp phép và quy hoạch phải đơn giản, gọn nhẹ hơn. Hiện nay thủ tục trong xây dựng là lực cản rất lớn đến sự phát triển đô thị nói chung và phát triển nguồn cung nhà ở nói riêng.

Cơ chế thông thoáng sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án và như vậy sẽ đưa giá thành giảm xuống. Còn ngược lại, cứ như kiểu hành xử hiện nay, giá thành sẽ tăng cao. Tiền sử dụng đất, phí chuyển nhượng cũng còn nhiều bất hợp lý. Chính vì vậy giá thành căn hộ còn cao, chưa thực sự tạo cơ hội  tiếp cận cho người tiêu dùng có thu nhập thấp và vừa.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, một nhà đầu tư:
Hấp dẫn nhưng hồi hộp

Thị trường bất động sản trong thời gian qua đã tạo ra cơ hội cho rất nhiều nhà đầu tư, nhưng trong thời gian tới, diễn biến của thị trường này theo hướng nào khó ai biết trước. Thị trường hiện nay không tuân thủ theo một quy luật nào cả, lên xuống thất thường, không được điều chỉnh bởi cung cầu mà thường bị các chính sách liên quan (đột xuất hay định trước) chi phối.

Ví dụ sau khi các dự án như Sky Garden 3, The Vista và Blue Diamond bị cơ quan quản lý “để ý”, lập tức thị trường bị điều chỉnh. Điều này cho thấy sự chưa hoàn chỉnh của hệ thống luật pháp, luôn là mối “hiểm nguy” cho nhà đầu tư bất động sản. Một bất động sản có thể tăng giá trị vài trăm phần trăm nhưng cũng có thể bị tụt dốc kinh khủng khi bị các chính sách điều chỉnh.

Những nhà đầu tư thứ cấp như chúng tôi có thuận lợi là có thể “mua nhanh, bán nhanh”  nhưng chịu giá khá cao do bất động sản được sang tay qua nhiều lần. Chính vì vậy rủi ro cũng khá cao và luôn trong trạng thái… hồi hộp. Trong lúc nguồn cung còn bị hạn chế, cơ hội “kiếm tiền” cho các nhà đầu tư thứ cấp vẫn còn lớn, nếu họ tận dụng được cơ hội và nắm bắt thông tin nhanh.

Trong bối cảnh lạm phát cao, giá vàng biến động mạnh, TTCK trồi sụt bất thường…, tôi nghĩ đầu tư vào bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn nếu nhà đầu tư có sự phân tích chính xác và quyết định nhanh chóng. Một khi hệ thống pháp luật hoàn thiện thì cơ hội sẽ ít hơn, nhưng lại an toàn hơn cho nhà đầu tư.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây