Nhập để xuất

 

Các nhà máy chế biến thủy sản đang phát triển quá nhanh chóng trong khi tốc độ phát triển sản xuất, khai thác nguyên liệu không theo kịp.

Không phải “chở củi về rừng”!

Cũng không ít người bất ngờ trước đề xuất này khi cho rằng Việt Nam vẫn dồi dào nguyên liệu thủy sản với ngư trường đánh bắt tại vùng biển rộng hơn một triệu ki lô mét vuông - trải dài từ khu vực tiếp giáp biển Đông đến biển Tây, cộng thêm vùng nuôi trồng trù phú ở ĐBSCL, miền Trung... Trên thực tế, chính từ suy nghĩ ấy, cộng thêm sự lúng túng của các cơ quan quản lý trong việc quy hoạch phát triển công suất chế biến đã khiến ngành chế biến xuất khẩu thủy sản phải trả giá vì thiếu nguyên liệu. 

Theo ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, hệ thống nhà máy chế biến thủy sản thời gian gần đây đã phát triển nhanh hơn nhiều so với tốc độ phát triển sản xuất, khai thác nguyên liệu. Chỉ trong hơn một năm qua, năng lực chế biến thủy sản đông lạnh của các nhà máy đã tăng không dưới 20%, trong khi lượng thủy sản nuôi và khai thác trong năm 2006 chỉ tăng hơn 7,6% so với 2005. Cung và cầu mất cân đối, theo VASEP, thể hiện qua việc gần đây đa số nhà máy chế biến thủy sản chỉ chạy được 30-50% công suất thiết kế, gây lãng phí lớn về đầu tư. 

“Tình trạng thiếu nguyên liệu tập trung vào các nhà máy chế biến ở miền Trung, miền Bắc, nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 10 kéo dài đến tận tháng 5 của năm sau”, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau), cho biết. Ngay tại vùng nguyên liệu dồi dào là ĐBSCL (chỉ riêng năm 2006, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đạt trên hai triệu tấn), nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu trong những tháng đầu năm hay những lúc vùng thủy sản nuôi bị dịch bệnh...

Chính vì vậy, theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động, tránh việc sa thải hàng loạt công nhân... Những năm gần đây, hàng loạt lô nguyên liệu tôm, cá... đã được nhập về từ Na Uy, Canada, Myanmar, Trung Đông... Chỉ riêng cá hồi, bình quân mỗi năm có khoảng 1.500 tấn được nhập về từ các nước châu Âu để chế biến, tái xuất và tiêu thụ trong nước. 

Có ảnh hưởng tới nuôi trồng nội địa?

Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thủy sản ở ĐBSCL phân tích, việc nhập khẩu nguyên liệu không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của các vùng nuôi thủy sản tại Việt Nam. Ngành thủy sản mang tính thời vụ cao, nên việc nhập nguyên liệu hoàn toàn chỉ “phục vụ” trong những tháng mà nguồn cung nội địa khan hiếm. “Giá nhập về có lúc bằng, có lúc lại cao hơn giá nội địa, do đó đâu phải lúc nào cũng nhập. Nhất là với thị trường trong nước, người tiêu dùng đa số vẫn thích ăn tôm, cá tươi hơn là hàng đông lạnh nhập về”, ông nói thêm để cho thấy nguyên liệu thủy sản nội địa vẫn là ưu tiên hàng đầu.

“Nhiều nhà máy chế biến tại Việt Nam có công nghệ hiện đại hơn một số nước có nguồn nguyên liệu thủy sản dồi dào”, ông Quang nhận định. Do đó, việc nhập nguyên liệu thô để tái xuất, quay đồng vốn nhanh và tạo giá trị thặng dư cũng là điều hợp lý.

Nhìn ở một góc độ khác, nhập nguyên liệu cũng là động lực để người nuôi thủy sản trong nước tự “đánh giá” lại mình mà tìm cách vươn lên. Vùng nuôi manh mún, năng suất thấp, không quản lý tốt việc sử dụng kháng sinh, gây tác động môi trường... là những điều không thể kéo dài mãi. Người nuôi thủy sản trong nước cần được bảo vệ nhưng điều này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải hy sinh lợi nhuận, uy tín.

 

Ngoài ra việc nhập nguyên liệu thủy sản còn được xem là cách để cứu các doanh nghiệp đang “thoi thóp” vì phát triển tự phát, chỉ tính chuyện bán mà quên để ý nguồn cung. “Các nước có vùng nuôi lớn như Thái Lan, Trung Quốc cũng đã nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ lâu”, ông Lực khẳng định.   

       

Tính chuyện lâu dài để gỡ khó

Bây giờ, VASEP mong muốn có một đề án nhập khẩu nguyên liệu thủy sản hẳn hoi, với hệ thống các chính sách ưu tiên và giảm thủ tục phiền hà. Theo đó, các thỏa thuận song phương với các nước có nguồn cung sẽ được ký kết để thuận tiện cho việc thu hút nguyên liệu. Đồng thời, Chính phủ nên xem xét sớm điều chỉnh lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu thủy sản xuống 0% như nhiều nước trong khu vực. Hiện nay, tùy vào đối tượng, nguồn gốc xuất xứ mà Việt Nam đánh thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản 10%, 20%... và đây cũng là điều gây khó khăn không ít cho các doanh nghiệp.

Riêng đối với hàng tạm nhập, tái xuất, theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp không bị tính thuế, nhưng khi thực hiện lại phát sinh vướng mắc. Ví dụ như mặt hàng cá hồi, khi nhập về chế biến phải bỏ xương, đầu... Vì vậy có thể nhập về hai ki lô gam nhưng chỉ tái xuất được một ký. Phần phụ phẩm không xuất được vẫn bị tính thuế như nguyên liệu nhập về tiêu thụ trong nước. Không những thế, chỉ cần một sự cố nào đó từ nhà nhập khẩu khiến hàng “tái xuất” phải neo kho chờ thì doanh nghiệp cũng lãnh đủ tiền phạt vì quá thời gian ân hạn, không chứng minh được là hàng nguyên liệu trước đây nhập về là tạm nhập tái xuất.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây