Trong thời gian gần đây có rất nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đăng ký mua lại cổ phiếu quỹ.
Trong đó, một số doanh nghiệp đã thực hiện mua lại cổ phiếu quỹ như đã đăng ký, một số thì chỉ mua một phần, còn lại nhiều doanh nghiệp đã hết ngày đăng ký nhưng vẫn không tiến hành mua lại cổ phiếu quỹ như đã đăng ký.
Việc mua lại cổ phiếu quỹ nếu đúng thời điểm tốt (mua ở đáy hoặc lúc thì trường đã bắt đầu bước vào chu kỳ tăng giá) thì sẽ đem lại lợi nhiều lợi ích cho cổ đông và doanh nghiệp như: nguồn cung của thị trường sẽ giảm bớt, giá cổ phiếu có cơ hội tăng nhanh, lợi nhuận doanh nghiệp được tăng lên … Tuy vậy, việc mua lại cổ phiếu cũng chứa đựng quá nhiều rủi ro.
Thứ nhất rủi ro về thua lỗ: khi doanh nghiệp tiến hành mua lại cổ phiếu quỹ nhưng sau đó thị trường lại tiếp tục sụt giảm, doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm khoản lỗ do phải trích lập thêm dự phòng tài chính và khi đó rủi ro sẽ đến với doanh nghiệp lớn hơn.
Thứ hai rủi ro về nguồn vốn sản xuất: sau khi đã mua xong cổ phiếu quỹ nếu thị trường vẫn ảm đạm kéo dài sẽ dẫn đến doanh nghiệp không có vốn để đầu tư hoặc mở rộng SXKD khi đó lại phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao do nguồn vốn nhàn rỗi không còn.
Thứ ba rủi ro về lòng tin: nếu sau thời hạn đăng ký mua lại cổ phiếu quỹ nhưng doanh nghiệp lại không tiến hành mua, khi đó miền tin của nhà đầu tư về doanh nghiệp và bộ máy lãnh đạo sẽ bị giảm nhiều bởi một số nhà đầu tư xem việc mua lại cổ phiếu quỹ là thông tin tốt để họ có thể mua vào hay bán ra cổ phiếu của doanh nghiệp đó.
Qua đó, các doanh nghiệp khi đăng ký mua lại cổ phiếu quỹ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, có kế hoạch rõ ràng, có nguồn vốn đủ lớn để dự phòng các rủi ro sau này nếu thị trường còn diễn biến xấu hơn.
Cuối cùng, điều mà nhiều nhà đầu tư mong muốn lúc này là các doanh nghiệp nên tập trung cao nhất cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của mình, sử dụng vốn hiệu quả nhất để vượt qua các khó khăn của nền kinh tế, khẳng định đẳng cấp của mình. Đó chính là tin tốt cho các nhà đầu tư.