“Tôi e rằng với chính sách tiếp tục thế này thì đến tầm 2015 một lần nữa trần nợ công sẽ tăng vọt, rơi vào khoảng 80% GDP”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bày tỏ lo ngại tại hội thảo khoa học "Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2014-2015" do Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng 19/12.
Tại đây, dưới phân tích của các vị chuyên gia, trong bối cảnh năm 2014 bội chi ngân sách nhà nước được chấp nhận nới đến 5,3% GDP và trái phiếu Chính phủ được phát hành thêm tới 170 nghìn tỷ đồng cho ba năm tới, nỗi lo về nợ công vốn đã luôn canh cánh lại càng trở nên nhạy cảm hơn lúc nào hết.
Là vị diễn giả đầu tiên đăng đàn, không đi sâu về nợ công, song TS. Trịnh Quang Anh nhấn mạnh rằng câu chuyện nợ công sẽ là tâm điểm của của nhiều cuộc tranh luận về an ninh tài chính quốc gia trong năm 2014 khi con số thực của nợ công là bao nhiêu, đâu là ngưỡng an toàn vẫn là câu hỏi ngỏ.
Và vì thế, theo ông, nợ công liệu có đang mất an toàn đang là câu hỏi rất chính đáng.
Giám đốc Học viện, TS. Đào Hùng và TS. Trịnh Quang Anh đặc biệt lưu ý với áp lực phát hành trái phiếu chính phủ gộp, cả để đảo nợ đến hạn (tổng hai năm 2014-15 là khoảng 320 nghìn tỉ đồng, dự đoán sẽ phát hành tập trung trong năm 2014), nguy cơ nợ công chuyển sang trạng thái mất an toàn là có khả năng, kéo theo đó là nguy cơ bất ổn hệ thống ngân hàng.
Quyền Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (Đại học Kinh tế Quốc dân), TS. Phạm Thế Anh khi trình bày bản tham luận về nợ công tại Việt Nam, cũng đã đưa ra nhiều phân tích cho thấy sự mong manh của "giới hạn an toàn" luôn được khẳng định trong nhiều báo cáo chính thức.
Theo ông Thế Anh, nợ công của Việt Nam hiện nay đang được hình thành từ ba nguồn chính: thâm hụt tài khóa, nợ đọng xây dựng cơ bản của chính quyền địa phương và nợ của khối doanh nghiệp nhà nước, mà Chính phủ có nguy cơ phải đứng ra trả nợ thay.
Và, thâm hụt ngân sách kéo dài, nợ của chính quyền địa phương có phần bị buông lỏng và đặc biệt là sự thua lỗ của nhiều doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua, ngoài việc gây ra những nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ, trong dài hạn nó còn có thể tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và thịnh vượng của quốc gia, ông Thế Anh lo ngại.
Cũng theo vị chuyên gia này, với tỷ lệ nợ công/GDP tính đến cuối năm 2012 vào khoảng 55,7% GDP (chưa kể các khoản nợ chưa được hạch toán của Chính quyền địa phương và nợ có thể phải trả thay cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ) thì định hướng mở rộng tài khóa như đã nói trên rất có thể sẽ khiến mức trần nợ công GDP quy định bởi Quốc hội vào năm 2015 nhanh chóng bị phá vỡ.
Ông Thế Anh phân tích, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách.Những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công Việt Nam. Ví dụ như khoản nợ quốc tế 600 triệu USD của Vinashin hay hàng chục triệu USD của HUD...
Vẫn liên quan đến nợ của các “ông lớn” nhà nước, bản tham luận dẫn con số tại báo cáo mới nhất của Chính phủ cho thấy tổng nợ của các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tính đến cuối năm 2012 là gần 1.550 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 52,5% GDP.
Đáng chú ý là mặc dù không thuộc diện bảo lãnh nhưng Chính phủ vẫn thường phải đứng ra hỗ trợ khi những tập đoàn, tổng công ty này làm ăn thua lỗ, không thể trả nợ đúng hạn hay đứng trước nguy cơ phá sản. Nợ của Vinashin hay của HUD đã nhắc đến ở trên có thể được coi là những ví dụ điển hình.
Nếu loại trừ phần cụ thể đã được Chính phủ bảo lãnh (5,17% GDP trong nợ công nước ngoài và 6,5% GDP trong nợ công trong nước) thì vẫn còn tới khoảng 40,9% GDP nợ của doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh.
“Do vậy, nếu cộng cả số này cùng với nợ đọng trong xây dựng cơ bản vào con số công bố chính thức thì nợ công Việt Nam hiện nay sẽ lên tới xấp xỉ 98,2% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn là 65% GDP được khuyến cáo phổ biến bởi các tổ chức quốc tế”, tác giả tham luận cảnh báo.
Đầy lo ngại, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh rằng trong một vài năm gần đây tốc độ nợ công tăng rất nhanh, gần như vượt qua các giới hạn tưởng là rất “ngon lành” trước đây.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng câu chuyện về nợ công hiện tại còn nợ một vấn đề rất lớn, không rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Bộ tài chính với tư cách cơ quan quản lý nợ công hay của Ngân hàng nhà nước là cơ quan gần như chuyên đi ký để vay nợ công, đó là vấn đề sử dụng nợ công.
Trả lời câu hỏi về nợ công được sử dụng như thế nào, theo ông Vũ Đình Ánh là đặc biệt quan trọng, bởi hiện quy mô nợ công đã lên đến 100 tỷ USD, là con số không hề nhỏ.
Tham gia bình luận, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng con số nợ doanh nghiệp nhà nước tại ngân hàng đã được TS. Phạm Thế Anh nêu là 1,6% GDP là không đúng, mà khoảng 1,6 triệu tỷ đồng. Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh đây là số nợ rất lớn bởi hiện tại tổng dư nợ tín dụng tương đương GDP, tức khoảng 3,3 triệu tỷ đồng.
Vấn đề mà theo ông Nghĩa cũng đã khá nghiêm trọng cần phải tính toán kỹ, đó là nghĩa vụ trả nợ công của ngân sách khi năm 2013 là 24% tổng thu ngân sách và dự kiến đến 2016 sẽ vượt 30%, là vượt ngưỡng an toàn.