Nóng lãi suất - lạnh chứng khoán

Ghi nhận thực tế ngày 20.5 tại nhiều sàn giao dịch cho thấy đã có hiện tượng rút tiền từ tài khoản CK chuyển sang gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao.

Nhắm mắt nhìn tiền...  ra đi?

Diễn biến lãi suất là tâm điểm chú ý của giới đầu tư vào lúc này. Các sàn CK vẫn trong tình trạng lạnh lẽo khi mấy chục mét vuông sàn chỉ có vài NĐT ngồi bàn chuyện lãi suất.

Một câu hỏi đặt ra là khi lãi suất tăng cao như hiện nay thì NĐT có rút hết vốn chuyển sang kênh tiết kiệm hay không?

Quan sát tại một số sàn CK trong sáng ngày 20.5 cho thấy, tình trạng rút tiền trong tài khoản CK để chuyển sang gửi tiết kiệm nhằm hưởng lãi suất cao đã xảy ra.

Một số NĐT trên sàn VIS cho rằng, đánh giá một cách chung nhất các kênh đầu tư hiện nay thì chỉ có cách là gửi tiết kiệm mới mong cứu được phần nào đồng vốn khỏi lạm do lạm phát.

Bởi CK vẫn tiếp tục giảm, nguồn cung từ CP cầm cố được dự đoán vẫn rất dồi dào báo hiệu thời kỳ tăng trưởng trở lại còn ở rất xa. Nhìn sang kênh đầu tư gần đó là vàng thì cũng rất rủi ro bởi giá vàng đang tăng - giảm hết sức thất thường.

Theo nhân viên tư vấn một CTCK, trong thời điểm này, NĐT không có nhiều lựa chọn.
 
"CTCK cũng khó có thể đưa ra một chương trình nào giữ chân NĐT. Điều mà CTCK có thể làm lúc này là giúp NĐT nâng cao kiến thức về TTCK, cụ thể hơn là về các ngành triển vọng, các CP", nhân viên này chia sẻ.

CTCK nơi anh làm việc vừa qua đã tổ chức buổi gặp mặt mang tính chất đồng hành cùng NĐT. Dù đau xót với CTCK, với TTCK nhưng vì lợi ích của chính khách hàng nên Cty đã rất chân thành khi khuyên khách hàng của mình nên chọn kênh đầu tư hấp dẫn hơn CK trong thời điểm này.

Chuyên gia của Cty còn tư vấn cho khách hàng gửi tiết kiệm bằng VND hay USD để có lãi suất cao. Hành động như thế, như nhân viên tư vấn này hy vọng, khách  hàng sẽ quay trở lại với CTCK khi thị trường có dấu hiệu ổn định và tăng trưởng trở lại.

Có thể "khô máu" trong ngắn hạn?

Trong xu thế suy giảm mạnh đang diễn ra, khối lượng và giá trị chuyển nhượng hàng ngày là biểu hiện rõ ràng nhất của mức độ thanh khoản cũng như độ mạnh/yếu thực sự của thị trường.

Dòng tiền chảy vào ngày càng cạn kiệt và nếu không có sự "tiếp máu" của nguồn vốn ngoại, có lẽ TTCKVN sẽ ghi nhận những phiên giao dịch bất thường nhất. Giá trị giao dịch hàng ngày không thể khẳng định khối lượng tiền mặt còn trong tài khoản nhiều hay ít, nhưng chắc chắn vẫn có một lượng tiền chưa giải ngân.

Lượng tiền đó có thể trở thành sức mua thực sự nhưng nếu tạm thời bị chuyển sang kênh tiết kiệm thì nguy cơ "khô máu" trước mắt là khá rõ ràng. Còn về dài hạn, nếu thị trường chuyển biến tích cực, dòng tiền vẫn sẵn sàng quay trở lại.

Thống kê cho thấy giá trị khớp lệnh 10 phiên gần đây chỉ quanh quẩn 140 tỉ đồng/phiên. Ngày 20.5, tổng giá trị khớp lệnh chỉ có 95,3 tỉ đồng, giảm 35% so với phiên trước, trong đó NĐTNN mua vào 28,6 tỉ đồng, tương đương 30%. Tính trung bình 10 phiên, giá trị mua vào của nguồn vốn ngoại cũng chiếm tới 49,8%.

Điều gì sẽ xảy ra khi dòng vốn này suy giảm? Mặc dù liên tục nhiều tháng gần đây, NĐTNN luôn là đối tượng mua ròng trên thị trường nhưng kịch bản xấu nhất vẫn có thể xảy ra.

Thực tế tuần trước đã có 3/5 phiên khối này mua vào thấp đột biến nhưng bất thường là tỉ trọng vẫn được duy trì ở mức cao trên 38% khối lượng và 49% giá trị thị trường. Rõ ràng tính thanh khoản của thị trường gần như phụ thuộc hoàn toàn vào NĐTNN.
 
Trong bối cảnh tranh bán này, số liệu vẫn chỉ ra một xu hướng mua vào mạnh từ nguồn vốn ngoại nhưng rõ ràng một khả năng rất lớn là lệnh bán của NĐTNN không tranh nổi với NĐTTN.

Nhu cầu cơ cấu danh mục, thậm chí là cắt lỗ của nhóm NĐT này chắc chắn vẫn có. Biểu hiện rõ nhất là tại các phiên tính thanh khoản cao, khối lượng bán của NĐTNN đã tăng vọt.

Phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn ngoại vẫn được cho là rủi ro cho khả năng phục hồi chung của thị trường, nhưng đó lại là động lực chính cho thị trường vào lúc này khi nguồn tiền mặt vốn đã cạn  lại bị chia sẻ sang kênh đầu tư khác.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây