“Nóng” với cổ phiếu HAG

Trong bối cảnh TTCK với những phiên nóng lạnh, cổ phiếu HAG từ ngày chào sàn vẫn liên tục được nhà đầu tư mua vào, trong khi dư bán đều được vét sạch với mức tăng giá trần.

Đã lâu lắm rồi, thị trường giao dịch chính thức HoSE mới có thành viên mới, và đáng mừng hơn là HAGL đã xóa mờ điệp khúc cứ "chào sàn" rồi lại "rớt giá" của không ít cổ phiếu lớn khác như PVF, HSG...

Bluechip mới khan hàng

Ngược lại, đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ngày 22/12 tại mức giá trần 48.000 đồng, so với giá tham chiếu 40.000 đồng. Số lượng chào mua với giá trần vượt hơn 300 nghìn, nhưng bên bán vẫn "im lìm" khiến cho khối lượng thực hiện ngày ra mắt sàn HoSE chỉ 2.830 cổ phiếu, dư bán hoàn toàn bị vét sạch vào cuối phiên. HAG trở thành mã được săn đón nhiều nhất.


HAG giao dịch khá thành công trong phiên chào sàn khi tăng tới 20% so với giá khởi điểm, lượng cầu vượt xa cung. Tình trạng khan hàng tiếp tục diễn ra khi tính tới cuối đợt hai, lượng đặt mua lên tới nửa triệu cổ phiếu nhưng số bán ra chỉ ở mức vài nghìn.

Các phiên tiếp theo cũng tương tự. Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai vẫn tăng trần từ đầu phiên với lượng bán ra hầu như không có.

Cơ sở nào cho nhà đầu tư săn đón HAG?

Ngày 20/11/2008 Cty KPMG phát hành báo cáo định giá tài sản ròng của HAGL. Theo đó, giá trị tài sản ròng của HAGL tại ngày 31/7/2008, trước khi chiết khấu quy mô Cty và chiết khấu thanh khoản, là 17.100 tỷ đồng.


Theo nhận định của Ban quản lý HAGL, giá trị tài sản ròng của HAGL đã giảm khoảng 40% so với thời kỳ cao điểm của thị trường. Thời điểm định giá là lúc cả thị trường tài chính và BĐS đang khó khăn, nên kết quả bị ảnh hưởng nhiều.

Việc HAG chọn giá khởi điểm niêm yết thấp hơn nhiều so với giá giao dịch trên OTC đã giúp cho cổ phiếu này có 2 phiên tăng kịch trần và dự kiến còn có khả năng tăng tiếp.


Chính HAG đã giúp cho VN-Index bớt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày hôm đó, trái ngược hẳn với các mã cổ phiếu mới niêm yết trong thời gian gần đây liên tục giảm sàn.

Anh Trịnh Việt Cường - Giám đốc Asiavantage Global Ltd nhận xét: "Chúng tôi đã tính toán rất kỹ trước khi đầu tư vào HAGL". Asiavantage Global Ltd là Cty chuyên đầu tư vào Việt Nam có quy mô vốn 100 triệu USD. Từ tháng 11/2006 đến nay, Asiavantage Global Ltd đã đầu tư vào 35 Cty, trong đó khoản đầu tư trị giá 450 tỷ đồng vào HAGL là lớn nhất.

"Chúng tôi chấp nhận bỏ qua nguyên tắc về phân tán rủi ro khi đầu tư vào HAGL vì các yếu tố: Mục tiêu trở thành Cty BĐS hàng đầu khả thi khi HAGL đang có trong tay 22 dự án BĐS đã, đang và sắp triển khai. Bên cạnh đó, từ năm 2012 trở đi, 20.000 ha cao su của HAGL bắt đầu cho lợi nhuận cao.


Hai là HAGL có một cơ cấu cổ đông rất tốt, chủ yếu là các pháp nhân, chỉ có khoảng 15% CP do các cổ đông cá nhân sở hữu. Ba là Cty khi chuyển sang Cty cổ phần đã không định giá lại tài sản như cách mà phần lớn các Cty khác làm. Tất cả cổ đông khi đầu tư vào HAGL được hưởng tất cả thành quả của Cty từ trước tới nay".

Theo ông Đoàn Nguyên Đức -Chủ tịch HĐQT của HAGL thì lợi nhuận trước thuế của Hoàng Anh Gia Lai năm 2008 sẽ đạt trên 1.000 tỷ đồng; cổ tức năm 2008 dự kiến chi trả là 5.000 đồng/CP.


Lợi nhuận của Cty thu được từ bất động sản chiếm đến 70% nhưng ông Đức cho biết do tình hình bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn nên năm 2009 sẽ cơ cấu lại lợi nhuận, trong đó từ bất động sản chỉ chiếm 40%.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế của Cty năm 2009 là 1.100 tỷ đồng. "Năm 2010 sẽ là dự án Phú Hoàng Anh với 4.000 căn hộ (đã khởi công), lợi nhuận khoảng 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận 300 tỷ đồng từ các dự án thủy điện... Đặc biệt hiện HAGL đang đầu tư trồng 20.000 ha cao su tại Gia Lai và Lào, từ năm 2012 bắt đầu cho lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng/năm" - ông Đức khẳng định.

Ông Nguyễn Hồng Nam - Phó Tổng Giám đốc Cty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng có nhận xét: "HAGL có lợi thế về quỹ đất lớn đã mua với giá thấp từ lúc thị trường BĐS "đóng băng". Quỹ đất này khi Cty chuyển thành Cty cổ phần đã không định giá lại. Nếu định giá 22 dự án mà HAGL đang có, chênh lệch giá đất có thể lên tới 6.000 tỷ đồng. Đây là lợi thế mà các Cty khác không dễ gì có được".

Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc HAGL niêm yết vào cuối tháng 12/2008 sẽ tạo ra một lực hút, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư pháp nhân đã hụt cơ hội trở thành đối tác lớn của HAGL. Hi vọng rằng bluechips mới này sẽ tiếp tục đem lại sự hưng phấn cho thị trường trong thời điểm chuẩn bị đón chào năm mới 2009.

Ông Hoàng Xuân Quyến - GĐ phân tích đầu tư Cty chứng khoán Tân Việt: Vẫn cần thận trọng

Trước khi lên sàn HAG là một cổ phiếu trên sàn OTC và đã có mức giá 50-55 nghìn đồng. Mức giá lên sàn niêm yết của HAG được đánh giá là khá cao. Thế nhưng trong mấy phiên gần đây nó vẫn duy trì được hướng tăng.

Theo tôi, không loại trừ khả năng: một là, có sự làm giá để đẩy giá lên cao; hai là, những người đã nắm giữ cổ phiếu này vẫn chưa muốn bán ra. Khả năng mức giá sắp tới của HAG sẽ ở đầu 6, khi đó, mới có chuyện "xả hàng". Vì thế, thời điểm này, nhà đầu tư nên thận trọng xem xét báo cáo tài chính của DN định đầu tư rồi hãy quyết định chiến lược mua - bán của mình.

Theo Nghi Nguyên
DĐDN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây