Trên không ít diễn đàn có một số ý kiến khác nhau về điều hành tỷ giá. Một số nhà nghiên cứu, chuyên gia cho rằng, do lạm phát của Việt Nam mấy năm gần đây ở mức cao, trong khi đó tỷ giá giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ (VND/USD) ít biến động, nên đã làm cho nội tệ lên giá mạnh, không khuyến khích xuất khẩu, bởi vậy cần phải phá giá đồng Việt Nam.
Song nhiều ý kiến khác lại cho rằng, nếu phá giá sẽ gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô, tác động là gia tăng lạm phát, các nhà đầu tư nước ngoài không an tâm đầu tư vốn vào nền kinh tế Việt Nam, gây tác động tiêu cực đến nợ nước ngoài...
Đánh tan định kiến cứ phá giá VND mới hỗ trợ xuất khẩu
Trước hết, tỷ giá ổn định đã tác động tích cực đến tâm lý của người dân, tâm lý của thị trường tài chính. Người dân, giới đầu tư tin tưởng vào sự ổn định của đồng Việt Nam, hay đồng Việt Nam được coi trọng. Điều này làm giảm hẳn tình trạng người dân lựa chọn việc cất trữ tài sản của mình bằng việc mua ngoại tệ, góp phần đẩy lùi tình trạng đô la hóa trong xã hội.
Diễn biến tỷ giá nói trên cũng hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ trên tài khoản của doanh nghiệp tại NHTM chờ cơ hội tỷ giá tăng, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá chính thức. Tỷ giá ổn định cũng như định hướng điều hành rõ ràng của NHNN làm cho các NHTM cũng thuận lợi hơn trong thực hiện chiến lược kinh doanh ngoại tệ của mình. Hết năm 2012 có NHTM cổ phần thu lãi từ kinh doanh ngoại tệ lên tới hơn 500 tỷ đồng. Trong năm 2013, nhìn chung hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các NHTM đều có lãi.
Nổi bật nữa ổn định tỷ giá phải kể đến thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát trong điều hành CSTT. Thời gian dài, Việt Nam là nền kinh tế nhập siêu và nhập siêu ở mức lớn. Tỷ giá biến động theo hướng đồng Việt Nam giảm giá dẫn tới tình trạng “nhập khẩu lạm phát” vào nền kinh tế nước ta trong một số năm qua. Điều này thấy rõ nhất trong các năm 2009 - 2010 khi giá cả nhiều mặt hàng chủ lực, chiến lược trên thị trường thế giới tăng mạnh, cộng với tỷ giá VND/USD cũng biến động lớn, dẫn tới tình trạng “nhập khẩu kép” lạm phát vào nền kinh tế nước ta. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến tình trạng lạm phát cao ở Việt Nam trong một số năm gần đây.
Khi tỷ giá ổn định, hàng hóa nhập khẩu ổn định, các mặt hàng có tỷ trọng cao về sử dụng nhiều nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu,... giá cũng ổn định. Không những vậy, các mặt hàng nông sản, thủy hải sản,... thu mua cho xuất khẩu, đặc biệt là lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, thủy sản,... cũng không biến động theo sự biến động của tỷ giá. Diễn biến đó thực tế góp phần lớn vào kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng trên thị trường xã hội trong năm 2011 ở mức 18,13%; ổn định chỉ số này năm 2012 chỉ tăng có 6,81%; 10 tháng đầu năm 2013 tăng 5,14%.
Cũng không phải vì tỷ giá ổn định, hay thậm chí đồng Việt Nam “lên giá nhẹ” mà không khuyến khích xuất khẩu. Tỷ giá ổn định tác động đến xuất nhập khẩu và đương nhiên là tác động đến nhập siêu, ngược lại nhập siêu được hạn chế tác động lại việc thực hiện mục tiêu điều hành tỷ giá. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước. Như vậy năm 2012 Việt Nam xuất siêu khoảng gần 300 triệu USD; trong khi đó một số năm gần đây Việt Nam còn nhập siêu ở mức độ lớn.
Các số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy tỷ lệ nhập siêu 3 năm trở lại đây đều từ gần 10 tỷ USD trở lên; trong đó năm 2009 nhập siêu 12 tỷ USD, năm 2010 là 12,4 tỷ USD (đây cũng là năm NHNN phải điều chỉnh tỷ giá trên 3%) và năm 2011 là 9,8 tỷ USD. Song nhập siêu không còn cũng lại là nguyên nhân quan trọng làm cho tỷ giá ổn định.
Tính chung mười tháng, nhập siêu 187 triệu USD, bằng 0,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,3 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 10,1 tỷ USD.
Cán cân thặng dự lớn, dự trữ ngoại hối tăng
Một tác động quan trọng khác của tỷ giá là tính đến hết năm 2012 cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam thặng dư ở mức khá lớn, khoảng hơn 10 tỷ USD. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch đầu tư, năm 2013, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam dự báo thặng dư khoảng 3 tỷ USD. Con số này được dựa trên cơ sở cán cân thương mại thâm hụt 3,3 tỷ USD, cán cân vãng lai thâm hụt 5,5 tỷ USD, cán cân vốn và tài chính thặng dư 10 tỷ USD. Song với diễn biến cán cân thương mại như hiện nay thì dự báo hết năm 2013, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam dự báo thặng dư khoảng 7 - 8 tỷ USD.
Diễn biến nói trên tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua được một lượng lớn USD trên thị trường cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Từ đó, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, làm tăng sức mạnh của quốc gia, đưa lượng dự trữ ngoại hối đến hết năm 2012 ước tính đạt trên 22 tỷ USD, đến nay quỹ đó lại tiếp tục gia tăng, lên khoảng trên 30 tỷ USD. Mức này cao hơn mức 12 tuần nhập khẩu được coi là ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế, cao gấp nhiều lần chỉ tiêu tương ứng vào cuối năm 2011.
Nhà nước đã huy động được một lượng ngoại tệ lớn trong dân vào đầu tư phát triển và điều hành chính sách tiền tệ. Ngược lại, nguồn quỹ dự trữ ngoại tệ do Ngân hàng nhà nước quản lý dồi dào cũng là cơ sở quan trọng cho bình ổn tỷ giá, sẵn sàng can thiệp, đóng vai trò người mua bán cuối cùng trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, chủ động đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu các mặt hàng chiến lược khi cần thiết và nếu có nhu cầu. Lượng tiền đưa ra để mua ngoại tệ dã được NHNN mua vào và trung hòa thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ, như: thị trường mở,...nên vừa đảm bảo thanh khoản cho các NHTM, vừa ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát.
Thứ nữa, sự ổn định tỷ giá tác động tích cực đến thị trường vàng. Giống như các mặt hàng nhập khẩu khác, tỷ giá ổn định không làm cho giá vàng ở trong nước tính bằng VND bị tăng kép (vừa do giá vàng tính bằng USD tăng, vừa do tỷ giá VND/USD tăng). Khi tỷ giá VND/USD ổn định, giá vàng ổn định, sẽ có tác động ổn định tâm lý, làm giảm tâm lý lạm phát, bởi vàng và USD thường được chọn là nơi trú ẩn mỗi khi lạm phát cao. Từ diễn biến đó tác động tích cực đến mục tiêu ổn định tỷ giá, giảm hẳn tình trạng người dân “đổ xô” đi mua vàng ở nhiều nơi, hạn chế việc mua vàng tích trữ, giảm nhu cầu ngoại tệ cho mua vàng.
Cuối cùng, tỷ giá ổn định tác động tích cực đến nợ nước ngoài của Việt Nam nói chung và nợ công nói riêng. Bởi vì, nếu như tỷ giá chỉ cần tăng thêm 3-4% thôi mỗi năm số nợ của nước ta tính ra nội tệ tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng, bằng số thu ngân sách một năm của trên 10 tỉnh miền núi. Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính đến hết năm 2012 hạch toán các khoản bù lỗ chênh lệch tỷ giá đã lên tới hơn 26.600 tỷ đồng. Khoản lỗ này phỉa dưa vào giá điện và đương nhiên người sử dụng điện phải gánh chịu. Các tập đoàn kinh tế có các khoản vay vốn ngoại tệ lớn, như: Hàng không quốc gia Việt Nam, Tập đoàn dầu khí,... thì việc gánh thêm nợ do chênh lệch tỷ giá cũng rất lớn nếu như tỷ giá biến động.
Đề xuất giải pháp điều hành tỷ giá 2014 - 2015 - Điều hành tỷ giá cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhưng chủ động và linh hoạt với các công cụ khác trong điều hành chính sách tiền tệ, có lộ trình chuyển sang thực hiện các công cụ gián tiếp trong điều hành khi có điều kiện chín muồi. - Kiên trì điều hành ổn định tỷ giá và quản lý thị trường vàng theo mục tiêu đã đề ra với sự phối hợp đồng bộ các công cụ điều hành CSTT. - Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác - Khuyến khích xuất khẩu lao động nước ngoài, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam; tăng cường kiểm soát các luồng ngoại tệ chuyển ra, trốn thuế, chuyển giá,hoàn thuế VAT. - Tăng cường kiểm tra các cừa hàng vàng bạc tư nhân thu đổi ngoại tệ trái phép, chuyển tiền ra nước ngoài trái phép; các đại lý thu đổi ngoại tệ của NHTM không báo cáo hay gian lận trong thu đổi ngoại tệ… |