Ông Lê Xuân Nghĩa: Chưa thể chứng khoán hóa các khoản nợ xấu ở Việt Nam

 
 
Điều này rất khó, bởi để chứng khoán hóa được các khoản nợ xấu ở Việt Nam hiện nay cần làm tốt công tác định giá, phân loại nợ.
 

Xoay quanh ý kiến Việt Nam nên chứng khoán hóa các khoản nợ xấu hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa.

Có ý kiến cho rằng, để giải quyết bài toán nợ xấu hiện nay nên chứng khoán hóa các khoản nợ xấu, ông nghĩ sao?

Điều này rất khó, bởi để chứng khoán hóa được các khoản nợ xấu ở Việt Nam hiện nay cần làm tốt công tác định giá, phân loại nợ. Trong khi đó việc này lại khá phức tạp, nên khó làm nổi vào thời điểm hiện nay.

Nhưng hiện tại nợ xấu đã và đang được bán cho VAMC rồi việc phân loại không còn là vấn đề lớn nữa?

Việc phân loại chỉ là một vế mà muốn thực hiện được việc chứng khoán hóa thì được thì phải có thị trường nợ tốt và thị trường tài chính tương đối lớn thì khi đưa nợ ra TTCK mới hút được nhà đầu tư mua.

Người đứng ra phát hành phải là các NHTM vì mới có thể bảo lãnh phát hành, rồi phải có 1 vài công ty định giá đây là trái phiếu loại 1, 2, 3 tương ứng với nợ có tài sản đảm bảo tốt -  vừa hay xấu rồi bán cho nhà đầu tư và từ đó các nhà đầu tư bán ra cho công chúng.

Ở Việt Nam thì dân chúng chưa quen buôn bán kiểu này. Đó là còn chưa rủi ro từ việc bán kiểu này rất lớn.

Nói như vậy thì dường như chưa thể áp dụng chứng khoán hóa ở Việt Nam do thị trường mua bán nợ hoàn thiện?

Trụ cột của thị trường này phải là các quỹ đầu tư lớn, nhà mua bán có tổ chức còn nếu chỉ có nhà đầu tư tư nhân nhỏ lẻ thì không thể thực hiện được.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có đặc điểm số lượng công ty niêm yết thì nhiều nhất Đông Nam Á nhưng chất lượng giá trị vốn hóa lại vào diện thấp nhất. Điều đó nói nên rằng, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đều là doanh nghiệp nhỏ.

Không chứng khoán hóa được, quy mô của các khoản nợ lại nhỏ không hấp dẫn được nhà đầu tư nước ngoài, vậy theo ông đầu ra của nợ mà VAMC đã mua sẽ giải quyết thế nào?

Thực tế hiện nay là các NHTM cũng đang ngần ngại nên bán nợ cho VAMC những món nhỏ, khoảng 600 -700 tỷ mà tới 300 - 400 hồ sơ, mỗi hồ sơ vào khoảng  2 - 3 tỷ đồng.

Họ ngần ngại là bởi phần lớn khoản nợ lớn liên quan tới tập đoàn, mà số này liên quan tới ông chủ nhà băng hoặc chính thuộc sở hữu của ông chủ nhà băng. Nên họ cứ để đấy, dùng quyền lực trong ngân hàng để giữ, giãn, hoãn.,.. với hy vọng khi thị trường bất động sản phục hồi thì có thể giải quyết được.

Nên mua nợ theo giá sổ sách để khỏi mặc cả, gây áp lực thanh tra rất lớn bắt buộc các ngân hàng phải bán toàn bộ nợ. Những món nợ này thì mới hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông có cho rằng, với tiến độ mua nợ cũng như áp lực trước những chính sách quy định của NHNN thì sang năm 2014 đầu ra nợ của VAMC có “thông” hay không?

Rất khó. Tôi cho rằng phải tới năm 2015 trở đi mới bán được.

Xin cảm ơn ông!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây