CTCP NHIỆT ĐIỆN PHẢ LẠI

Lĩnh vực: Dịch vụ công cộng > Ngành: Dịch vụ công cộng

PPC: 365 ngày = 3,65 phút

Khoản vay ngoại tệ của PPC có thời gian đáo hạn lên tới trên 20 năm.

CTCP Nhiệt điện Phả lại (PPC) - DN vừa nhận giải thưởng Cúp vàng " Thương hiệu chứng khoán uy tín" và " CTCP hàng đầu Việt Nam" tháng 10/2008. Trước đó, vào năm 2007, Công ty được EVN xếp hạng DN loại A, Chủ tịch HĐQT nhận danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu và Cúp vàng Văn hóa Doanh nhân Việt Nam, Giám đốc nhận giải thưởng Nhà quản lý giỏi...


Thế mà nỗ lực hết mình của gần 2.200 CB-CNV Công ty trong 365 ngày để hoàn thành kế hoạch doanh thu năm 2008 là 3.882 tỷ đồng, lãi gộp hơn 1.083 tỷ đồng… phút chốc tan biến.

Chỉ cần nhập 2 bút toán mà thời gian hạch toán hết không đầy 3,65 phút, lãi gộp cả năm 1.083 tỷ đồng của PPC trở thành lỗ riêng quý IV gần 1.263 tỷ đồng, số lỗ cả năm là 469,4 tỷ đồng, biến lãi thành lỗ chỉ bằng một câu trích dẫn Chuẩn mực kế toán số 10: "Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá…", cái chuẩn mực đã ra đời từ trước khi cổ đông phê duyệt kế hoạch năm 2008 tại ĐHCĐ và cả trước khi PPC đạt được những danh hiệu hoành tráng nêu trên mà đến bây giờ mới biết. (Năm 2008, PPC trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá chưa thực hiện 1.543,1 tỷ đồng).

Than ôi! Ai là người bảo vệ uy tín, thương hiệu, ai bảo vệ DN, cổ đông và CB-CNV đây? Cổ tức ơi, mi ở đâu? Tiền lương hiệu quả kinh doanh ơi! Tiền thưởng ơi, ta có phải hoàn trả lại không?

Trước đây, ta thường quen với việc phê phán người khác: nào là làm dối, ăn thật, nào là lãi giả, lỗ thật. Hôm nay, đọc báo cáo tài chính của PPC, ta lại phải học thuộc bài: lỗ giả, lãi thật.

Phải công nhận việc hạch toán khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản công nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính của PPC là đúng với Chuẩn mực kế toán số 10, nhưng chẳng nhẽ cả năm trời không ai biết, không ai tính toán dự phòng hoặc có những biện pháp hoặc đệ trình lên cơ quan có thẩm quyền để có hướng xử lý cho khoản nợ vay 23 năm mà đến cuối năm 2008 PPC còn phải trả 36,206 tỷ yên, mà lại bắt DN, CBCNV, cổ đông phải chịu chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện của khoản nợ phải trả trong vòng 20 năm tới trong có một năm (PPC vay của EVN 50 tỷ yên, trả nợ trong 23 năm kể từ năm 2006, với lãi suất 2,7%/ năm). Nếu như năm 2008, PPC chỉ phải tính chi phí chênh lệch tỷ giá cho khoản ngoại tệ phải trả trong năm thì Công ty vẫn có lãi lớn, chứ không phải lỗ như trong báo cáo. Chúng ta chưa ai hình dung một bút toán chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện do đánh giá lại khoản vay có gốc ngoại tệ lại có thể thay đổi bản chất hiệu quả của DN kinh khủng đến như vậy. Điều đó ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, thương hiệu của DN, nếu đó là DN hàng đầu có thể còn ảnh hưởng đến cả uy tín chung.

Bởi thế, ngay cả chuẩn mực kế toán và một số các quy định liên quan đến hạch toán chi phí chưa thực hiện như trong trường hợp của PPC cũng cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc, đảm bảo công bằng cho DN, cổ đông, CBCNV và cho cả Nhà nước.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây