CTCP NHIỆT ĐIỆN PHẢ LẠI

Lĩnh vực: Dịch vụ công cộng > Ngành: Dịch vụ công cộng

PPC: Ai ''nhóm lò'' cho nhiệt điện?

PPC: Ai nhóm lò cho nhiệt điện?Shinzo Abe chỉ nói miệng một câu mà chưa cần hành động, PPC đã lãi thêm hàng trăm tỷ đồng.

Trong vòng gần hai tháng qua, Nhiệt điện Phả Lại (MCK:PPC) là một trong những cổ phiếu nhận được nhiều sự chú ý nhất của cộng đồng đầu tư. Thông tin về các đợt mua vào, thậm chí chỉ một lần chuyển quyền sở hữu, lên tới hàng chục triệu đơn vị của nhiều “tay chơi” lớn trên thị trường liên tục xuất hiện trên trang chủ nhiều tờ báo lớn.

Nhưng có lẽ, cái ấn tượng nhất là bước nhảy vọt về giá của PPC, trong vòng có một tháng, cổ phiếu này đã tăng gấp rưỡi, từ 8.400 VNĐ hồi giữa tháng 11 lên tới 12.800 VNĐ vào giữa tháng 12.

Lý do kiểu “đặc sắc Việt Nam”: Tay to đẩy

REE “xuống tiền”: Sóng đôi ấn tượng với PPC trong thời gian qua là CTCP Cơ điện lạnh (MCK: REE). Trong có ba tháng cuối năm, công ty này đã mua vào xấp xỉ 50 triệu cổ phiếu PPC và trở thành cổ đông lớn thứ hai chỉ sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với tỷ lệ nắm giữ xấp xỉ trên 22%. Dựa trên giá cổ phiếu PPC cùng thời kỳ, ước tính REE đã đổ trên 700 tỷ vào PPC (tức khoảng 13% tài sản và 17,5% VCSH). 

PPC: Ai ''nhóm lò'' cho nhiệt điện? (1)

Quỹ ETF điều chỉnh danh mục đầu tư: Giữa lúc REE đang tích cực mua vào thì quỹ Market Vectors Vietnam ETF (“VNM ETF”) thông báo điều chỉnh danh mục đầu tư. Kết quả là PPC được mua thêm 7,5 triệu đơn vị, tức gấp khoảng 10 lần KLGD trung bình mỗi phiên của cổ phiếu này.

Trong bốn ngày từ 18 đến 21/12, khối ngoại giao dịch ròng gần 7 triệu cổ phiếu PPC và chiếm tuyệt đại đa số lực mua. Ngày 21/12, khối ngoại (mà ai cũng biết là VNM ETF) thực hiện gần 99% giao dịch mua toàn thị trường.

Tầm nhìn của REE: giá điện sẽ phải tăng

Báo chí liên tục chỉ trích sự điều hành yếu kém của EVN, từ đầu tư ngoài ngành, chọn nhà thầu kém chất lượng đến chậm tiến độ hàng loạt dự án. Nhưng có ba sự thực không thể phủ nhận.

Thứ nhất, EVN đã lỗ 28.000 tỷ và khoản lỗ này phải được bù đắp bằng một cách nào đó. Thứ hai, các nhiên liệu phát điện như than, dầu, khí đốt đều tăng (mà nếu không tăng tức là đang đẩy lỗ từ EVN sang Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Than-Khoáng sản). Thứ ba, giá điện Việt Nam rẻ tương đối so với các đối thủ cạnh tranh.

Vì thế, bằng cách này hay cách khác, dù có phải cách chức và kỷ luật một số cán bộ EVN để tạo sự “chấp nhận được”, thì giá điện vẫn cứ phải tăng (người viết vẫn thích dùng cụm từ “điều chỉnh về trạng thái cân bằng” hơn).

Và đúng là giá điện tăng thật. Năm 2012 này giá điện đã tăng hai đợt, mỗi đợt 5%. Đợt thứ nhất vào ngày 1/7 và đợt thứ hai vào ngày 22/12 vừa qua.

Tuy giá EVN bán điện cho các hộ tiêu thụ tăng không có nghĩa là giá bán điện của PPC cho EVN sẽ tăng ngay theo, nhưng rõ ràng đây sẽ là cơ sở để EVN dễ dàng điều chỉnh tăng giá mua điện từ các nhà máy điện như PPC.

Yên Nhật (1): từ “một giấc ngủ yên” …

Từ năm 2006 đến nay, khoản vay bằng đồng Yên đã trở thành ác mộng với PPC. Họ chăm chỉ làm ăn, miệt mài trả nợ nhưng nợ ngày càng nhiều thêm. Nếu như hết năm 2007, PPC nợ có hơn 5.400 tỷ VNĐ thì đến hết năm 2011 khoản nợ bằng đồng Yên đã vọt lên 8.100 tỷ VNĐ, tức tăng gấp rưỡi.

PPC làm ra bao nhiều tiền là bị khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoán do đánh giá lại khoản vay bằng đồng Yên “gặm” sạch. Có thể thấy trong biểu đồ dưới đây, lỗ chênh lệch tỷ giá choán gọn tổng lợi nhuận gộp và doanh thu tài chính của PPC 

PPC: Ai ''nhóm lò'' cho nhiệt điện? (2)

Trong hai năm 2010 và 2011, PPC không những gần như không có lời (người đọc nào nhìn ra màu vàng trong hai cột 2010 và 2011 ắt phải rất tinh mắt) mà thực tế còn lỗ nặng. Nếu áp dụng Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10, PPC phải lỗ thêm 718 tỷ. (Thay vào đó, PPC ghi giảm vốn chủ sở hữu và sẽ phân bổ dần khoản lỗ này trong 5 năm, theo hướng dẫn tại Thông tư 201/2009/TT-BTC).

Với các nhà đầu tư cân nhắc bỏ tiền vào PPC, nỗi băn khoăn lớn nhất của họ có lẽ là vấn đề tỷ giá.

Đến năm 2012, may nhờ chính sách vĩ mô điều hành theo hướng thận trọng mà tỷ giá ổn định trong suốt cả năm 2012. Cho tới cuối quý 3, tỷ giá VND/JPY biến động không đáng kể so với thời điểm 31/12/2011. Nhờ thế mà PPC không phải ghi nhận thêm lỗ chênh lệch tỷ giá.

Giá trị hơn thế, vì thị trường bắt đầu tin vào cam kết ổn định tỷ giá của Ngân hàng nhà nước, nên rủi ro đối với cổ phiếu PPC giảm, kết quả là dù lợi nhuận gộp năm nay có lẽ cũng chỉ xấp xỉ năm ngoái, nhưng định giá PPC tăng (do lợi suất yêu cầu để bù đắp rủi ro giảm).

Diễn nôm là nhà đầu tư vào PPC nay không phải lẩm nhẩm dự phóng một khoản lỗ chênh lệch tỷ giá vài trăm tỷ mỗi năm nữa.

Yên Nhật (2): đến “một bữa cơm ngon”

Tới cuối tháng 10, thất bại của Đảng Dân chủ tại Nhật đã rõ, người ta chỉ đợi ngày bầu cử để thấy Đảng Dân chủ Tự do (LDP) quay trở lại nắm quyền. Báo chí quốc tế hầu hết tập trung vào sự cứng rắn của lãnh đạo LDP, ông Shinzo Abe, trong tranh chấp trên biển với Trung Quốc.

Nhưng giới đầu tư thính nhạy quan tâm đến một thứ khác. Shinzo Abe chắc chắn sẽ gây sức ép để buộc NHTW Nhật Bản (BOJ) áp dụng lạm phát mục tiêu 2% kể từ đầu năm mới. Và BOJ sẽ hiện thực hóa điều này bằng cách bơm tiền “nới lỏng định lượng”. Đồng yên bơm ra nhiều ắt phải mất giá.

Nói ngắn gọn là một chính phủ chắc chắn sẽ làm JPY mất giá chắc chắn sắp nhậm chức. Thị trường phấn khích với triển vọng này đến nỗi JPY bắt đầu đà giảm từ trước khi LDP chấp chính hơn 2 tháng. Trong vòng 3 tháng cuối năm, JPY rớt xấp xỉ 10% so với USD (và cả VND, vì tỷ giá USD/VND không đổi). 

PPC: Ai ''nhóm lò'' cho nhiệt điện? (3)

Tạm sử dụng tỷ giá Vietcombank vào ngày cuối cùng của năm là 240.86, thì so với tỷ giá dùng trong BCTC năm 2011 của PPC (266.76), tỷ giá JPY/VND đã giảm 25,9 VNĐ. Nếu so với số dư khoản vay JPY cho tới cuối quý 3 năm nay (28,8 tỷ JPY), thì PPC có khả năng sẽ được hoàn nhập dự phòng một khoản rất lớn.

Thế còn khoản lỗ tỷ giá từ năm 2011 trị giá 717 tỷ VNĐ mà PPC vẫn “treo” trên VCSH mà chưa phân bổ vào chi phí trong kỳ? theo BCTC quý 3 của PPC (phần thay đổi VCSH), công ty này đã ghi giảm 557 tỷ VNĐ trong khoản mục chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện trong VCSH, góp phần làm cho 9 tháng đầu năm chỉ lãi trước thuế 73,6 tỷ VNĐ.

PPC: Ai ''nhóm lò'' cho nhiệt điện? (4)

Nguồn BCTC Qúy 3-HN
 

Như vậy, sau khi bù trừ khoản hoàn nhập này với số “lỗ treo” còn lại, PPC có thể sẽ được cộng thêm vào lợi nhuận từ hoạt động tài chính một khoản lên tới nhiều trăm tỷ VNĐ.

Câu hỏi bây giờ đặt ra là: những thông tin kể trên đã được phản ánh hết vào giá hay chưa?
..............

Lưu ý: Bài viết phân tích sử dụng những thông số trên BCTC của PPC, biến động tỷ giá Yên Nhật và những dự đoán khác với mục đích để nhà đầu tư tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm với mọi quyết định đầu tư dựa trên bài viết này.

Tài liệu đính kèm BCTC quý 3-HN-PPC

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây