Phát triển thị trường chứng khoán: Cần thêm những đột phá

 
 
Trên thực tế vẫn chưa có một khuôn khổ pháp lý nào cho phép DN phát hành cổ phần dưới mệnh giá.

Trong năm qua, thị trường chứng khoán (TTCK) lình xình, sụt giảm kéo dài doanh nghiệp khó khăn, nên rất cần cú hích, tạo dấu ấn đột phá cho chứng khoán. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) đã nỗ lực tìm mọi cách, xây dựng cơ chế chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) niêm yết, thu hút nguồn vốn vào thị trường, kêu gọi đầu tư. 

Các chính sách mới thu hút sự quan tâm của giới đầu tư là nới room khối ngoại và phát triển TTCK phái sinh. Trong đó, nới room cho khối ngoại đã chính thức trình lên Chính phủ ra quyết định và phát triển chứng khoán phái sinh đang hoàn thiện giai đoạn cuối. 

Chờ đợi nới room 

Sau thời gian dài nghiên cứu, giữa tháng 11/2013, UBCK đã hoàn tất nội dung dự thảo quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tại các DN đại chúng trên TTCK để trình lên Thủ tướng. 

UBCK kiến nghị cho phép NĐT nước ngoài sở hữu tối đa 60% cổ phần có quyền biểu quyết tại doanh nghiệp niêm yết (không thuộc lĩnh vực đặc thù) và không phân biệt NĐT chiến lược nước ngoài. Hoặc cho phép DN phát hành cổ phần không có quyền biểu quyết, đối với loại cổ phần này thì khối ngoại có thể mua tùy theo nhu cầu. 

Dự thảo mới cũng đề cập đến việc cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài mua CTCK đến 100% vốn điều lệ, tức là được phép sở hữu trên 49% và dưới 100% vốn (trước đây chỉ tối đa 49% hay vừa đúng 100% vốn điều lệ). 

Về chứng chỉ quỹ, khối ngoại cũng được phép nắm giữ đến 100% và quy định này được áp dụng cho không chỉ riêng chứng chỉ quỹ đóng mà còn mở rộng đối với quỹ mở, quỹ ETF… 

UBCK đã hoàn tất việc xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn riêng về tổ chức và giao dịch chứng khoán phái sinh. UBCK đề xuất các đối tượng tham gia TTCK phái sinh, quy định về công bố thông tin, quy định về cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh loại chứng khoán này, quy định về thuế, phí… để bảo đảm một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ giúp cho thị trường vận hành hiệu quả, ổn định.

Thị trường phái sinh gắn liền với việc tái cấu trúc TTCK. Qua đó, TTCK phái sinh sẽ hoạt động dưới sự quản lý của Sở GDCK hợp nhất giữa HoSE và HNX. Sở mới hình thành sẽ có tên là Sở GDCK Việt Nam (VSX). Như vậy, nhiều khả năng năm 2015, TTCK phái sinh sẽ chính thức đi vào hoạt động sau khi Sở GDCK Việt Nam được thành lập. 

Vào thời điểm thị trường quá khó khăn, cổ phiếu của hàng trăm DN bị sụt giảm về dưới mệnh giá, việc vay vốn ngân hàng bế tắc khi hàng tồn kho lớn, nợ xấu, rủi ro cao. DN niêm yết trên sàn buộc phải tự mở đường cho mình bằng cách phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá cho cổ đông nhằm huy động vốn để giải quyết khó khăn. 

Trong rất nhiều DN xin phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, nhưng UBCK mới chỉ giải quyết được 2 trường hợp, là TTF và BMG. Cả 2 DN cùng nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phần với giá chỉ 5.000 đồng/cổ phiếu do UBCK cấp. Trong đó, TTF phát hành hơn 14 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược, BMG phát hành riêng lẻ 2,4 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược.

Nỗ lực hoàn thiện 

Cách làm này được cho là "xé rào" chứ trên thực tế vẫn chưa có một khuôn khổ pháp lý nào cho phép DN phát hành cổ phần dưới mệnh giá. Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, cho biết để có một văn bản hướng dẫn mang tính chính thống về phát hành cổ phần dưới mệnh giá thì cần phải sửa cả Luật DN và Luật Chứng khoán. 

Hiện tại, DN niêm yết muốn phát hành dưới mệnh giá chỉ cần thỏa mãn điều kiện có thặng dư vốn cổ phần, hay lợi nhuận chưa phân phối đủ bù đắp số thiếu hụt ở vốn chủ sở hữu từ đợt chào bán cổ phần dưới mệnh giá. Sau khi phát hành, vốn điều lệ phải nhỏ hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu là được. 

Tuy nhiên, sắp tới, UBCK sẽ còn nhiều việc phải làm khi DN niêm yết cần huy động vốn dưới mệnh giá vẫn phải chấp thuận, nhưng chỉ cần đáp ứng đầy đủ cầu về an toàn vốn, an toàn tài chính, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cổ đông thiểu số… 

Một điều đáng ghi nhận nữa là UBCK công bố Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2013. Với Nghị định mới qui định chặt chẽ hơn và chế tài xử phạt mạnh đối với các trường hợp vi phạm sẽ giúp cho thị trường ngày càng minh bạch, hiệu quả. 

Hơn nữa, những chế tài trong Nghị định 108 được xem là lực đẩy khiến các DN đại chúng lên sàn, đồng thời đối với DN niêm yết sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu có ý định rời sàn. 

Cụ thể, với DN đã chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không lên sàn sau 1 năm, ngoài bị phạt hành chính còn phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả tiền cho NĐT cộng thêm lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng. 

UBCK và các Sở đã dài thời gian giao dịch đến 15 giờ hằng ngày đồng thời đưa cách lệnh mới vào áp dụng trong giao dịch như (ATC, MTL, MAK, MOK). Điều này thực sự đã phần nào góp phần giúp thanh khoản thị trường được cải thiện. 

Với tất cả nỗ lực của mình, các thành viên tham gia thị trường đã ghi nhận nỗ lực của UBCK khi ban hành nhiều quyết sách đúng đắn để hỗ trợ thị trường phát triển. 

Tuy nhiên, vẫn còn những sách được mong đợi chỉ dừng ở dự thảo chứ chưa được ban hành. Một số chính sách đã được ban hành còn nhiều bất cập như thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán không có hướng dẫn cụ thể, nên cơ quan thuế thường áp mức 25% trên thu nhập chịu thuế, gây bất lợi cho NĐT…

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây