Phe đối lập Thái Lan dọn đường cho đảo chính?

 
 
Tình hình hiện nay có một sự khác biệt cơ bản với thời điểm 2006. Quân đội (từng thực hiện 18 cuộc đảo chính kể từ năm 1932), đã từ chối trợ giúp phe biểu tình.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tiếp tục dẫn đầu đoàn biểu tình, đòi Thủ tướng Yingluck từ chức, cáo buộc bà là con rối trong tay người anh trai Thaksin Shinawatra và đòi thay thế chính phủ hiện nay bằng một hội đồng nhân dân không qua bầu cử.

Theo phe đối lập, ông Thaksin vẫn tiếp tục lãnh đạo Thái Lan từ nơi lưu vong, bất chấp bị lật đổ năm 2006. Đầu tháng 12, sau nhiều tuần Thái Lan lún vào khủng hoảng chính trị và các nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập đồng loạt từ chức, Thủ tướng Yingluck thông báo tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng 2/2014.

Các nhà phân tích cho rằng, động thái tẩy chay bầu cử của phe đối lập hiện nay tương tự tình hình năm 2006, vài tháng trước cuộc đảo chính phế truất Thủ tướng Thaksin Shinawatra. 

Thủ lĩnh đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, tuyên bố: “Đảng Dân chủ sẽ không giới thiệu người ứng cử trong cuộc bầu cử ngày 2/2/2014. Cuộc bầu cử này sẽ không giải quyết được những vấn đề của đất nước chúng ta, không dẫn tới cải cách và cũng không đem lại niềm tin chính trị cho mọi người”.

Ông Thida Thavornseth, thủ lĩnh phe áo đỏ, nói: “Đảng Dân chủ đối lập muốn tạo ra tình huống giống như hồi năm 2006 và dọn đường cho một cuộc đảo chính. Nhưng đảng này không còn tồn tại với tư cách một đảng chính trị nữa. Họ muốn liên minh với phe biểu tình và đấu tranh bên ngoài hệ thống”.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay có một sự khác biệt cơ bản với thời điểm 2006. Quân đội, yếu tố then chốt trong nền quân chủ lập hiến Thái Lan (từng thực hiện 18 cuộc đảo chính kể từ năm 1932), đã từ chối trợ giúp phe biểu tình. Nhiều tuần qua, phe biểu tình đối lập tràn vào chiếm trụ sở nhiều bộ, thậm chí cả tòa nhà chính phủ, nhưng họ chờ đợi vô vọng sự can thiệp của quân đội.

“Nhổ tận gốc”

Liên minh của giới tinh hoa ở Bangkok có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, lực lượng bảo hoàng và dân tộc chủ nghĩa xem “chế độ Shinawatra” gắn với kỷ nguyên tham nhũng vô tiền khoáng hậu. Đây là một nguyên nhân khiến lực lượng này quyết “nhổ tận gốc” nhà Thaksin khỏi chính trường Thái Lan.

Trong khi đó, chiến thuật của Thủ tướng Yingluck áp dụng từ khi xảy ra khủng hoảng chính trị cho đến giờ là mềm dẻo khiến phe đối lập không có cớ gây sự, để rồi mệt mỏi, kiệt sức.

Theo các chuyên gia, quyết định tẩy chay bầu cử của đảng Dân chủ có nguy cơ đẩy Thái Lan chìm sâu hơn vào khủng hoảng và khoét sâu thêm sự chia rẽ trong xã hội giữa hai phe ủng hộ và chống đối gia đình Thaksin.

Động thái trên diễn ra hơn một tuần sau khi giải tán Quốc hội, cho thấy những cuộc mặc cả nội bộ, tính toán đang diễn ra. Phần lớn nhà phân tích dự đoán được sự tẩy chay này, bởi đảng Pheu Thai cầm quyền gần như chắc chắn sẽ lại giành thắng lợi nếu tổ chức bầu cử.

Ông Pavin Chachavalpongpun, nguyên là nhà ngoại giao Thái Lan hiện giảng dạy tại Đại học Kyoto (Nhật Bản), nhận định, nếu kế hoạch lật đổ thất bại, đảng Dân chủ (vốn chưa biết mùi chiến thắng trong các cuộc tổng tuyển cử 20 năm nay) có thể sẽ “cáo chung”.

Ngay trước thông báo tẩy chay bầu cử của đảng Dân chủ, Thủ tướng Yingluck lên truyền hình kêu gọi phe đối lập tham gia cuộc tổng tuyển cử, cho biết chính phủ nhất trí rằng, một cuộc cải cách là cần thiết và bảo đảm tiến trình cải cách hài hòa với tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, bà phát biểu (trước báo chí ngày 22/12): “Nếu chúng ta không duy trì hệ thống dân chủ, người ta biết trông cậy vào điều gì? Nếu các bạn không chấp nhận chính phủ này, ít nhất hãy chấp nhận hệ thống hiện nay”.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây