Quản chặt việc cấp phép dự án FDI “khủng”

Quản chặt việc cấp phép dự án FDI “khủng”

Quy trình cấp phép các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa, có tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng và quốc gia sẽ được siết chặt hơn nhằm loại bỏ các dự án “bánh vẽ”.

Tại Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ “Về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới” ban hành ngày 29-8-2013, Chính phủ đã đưa ra giải pháp điều chỉnh một số nguyên tắc quản lí và phân cấp đầu tư.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, chịu trách nhiệm của địa phương, đồng thời đảm bảo quản lí thống nhất của Trung ương.

Cụ thể bổ sung quy trình thẩm định đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, trong đó bao gồm cả các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa, có tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng và quốc gia, dự án sử dụng diện tích đất lớn.

Quy trình thẩm định của những dự án này sẽ được tiến hành như sau: Cơ quan cấp GCNĐT chủ trì thẩm tra theo quy định hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo thẩm định cùng hồ sơ liên quan, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định độc lập.

Trên cơ sở hồ sơ và báo cáo thẩm tra của cơ quan cấp GCNĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định độc lập dự án đầu tư. Đối với dự án có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều địa phương thì tùy theo mức độ cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể lấy ý kiến của cơ quan cấp GCNĐT và các bộ, ngành, địa phương liên quan, các chuyên gia và nhà khoa học…

Nội dung thẩm định tập trung vào các nội dung chính như: Sự tuân thủ về quy trình, thủ tục thẩm tra và pháp luật có liên quan; ảnh hưởng tác động của dự án đối với phát triển kinh tế, xã hội của vùng, quốc gia và các ngành, tính khả thi, khả năng huy động vốn…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo thẩm định độc lập. Cơ quan cấp GCNĐT sẽ cấp GCNĐT cho dự án sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

“Đối với các dự án có quy mô lớn, có tác động lớn về mặt kinh tế, xã hội, cơ quan cấp GCNĐT cần chú trọng xem xét, đánh giá về khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, có các chế tài hoặc yêu cầu đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ” – Bản Nghị quyết nêu rõ.

Bên cạnh công tác “tiền kiểm”, Nghị quyết 103 cũng nhấn mạnh đến khâu “hậu kiểm”. Cụ thể các cơ quan, đơn vị phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư. Định kì hàng quý phải rà soát, phân loại các dự án đầu tư nước ngoài để có hướng xử lí thích hợp đối với những dự án có khó khăn.

Các cơ quan cấp phép đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án FDI trên địa bàn để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Qua đó, tìm giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, đôn đốc dự án chậm tiến độ, chậm triển khai hoặc chưa tuân thủ các cam kết. Đồng thời, xử lí các trường hợp vi phạm pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ quản lí chuyên ngành cùng các cơ quan cấp GCNĐT tăng cường phối hợp, rà soát. Khi cần thiết thì tiến hành kiểm tra đối với các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt lưu ý các dự án có quy mô lớn, chiếm diện tích đất lớn, dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường…

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, khi phát hiện sai phạm thì tùy theo mức độ có thể kiến nghị cơ quan cấp GCNĐT thu hồi GCNĐT đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm quy định của pháp luật… hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Quyết định cấp GCNĐT của cơ quan cấp GCNĐT.

Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới nêu rõ: Thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu kì vọng về thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ.

Chất lượng của dự án đầu tư nước ngoài nhìn chung chưa cao, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế. Một số doanh nghiệp FDI có biểu hiện sử dụng phương thức chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu ngân sách, không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế trên là do hệ thống luật pháp chính sách còn nhiều quy định chưa đồng bộ, chồng chéo, thiết nhất quán. Việt nam chưa chủ động và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho đầu tư nước ngoài vận hành một cách có hiệu quả như kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực…

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây