![]() |
Doanh nghiệp dưới bất kỳ hình thức nào thì cũng cần được quản trị tốt (corporate governance) tuy nhiên với công ty cổ phần đại chúng điều này lại càng trở nên đặc biệt quan trọng hơn bao giờ.
Quản trị để “lấy lòng” cổ đông!
Dẫn nguồn từ một khảo sát của tập đoàn Tư vấn McKinsey (Mỹ), Tiến sĩ Sundar Venkatesh, giảng viên Học viện Công nghệ Á Châu (AIT, Thái Lan), cho biết có tới ba phần tư số nhà đầu tư được hỏi trả lời rằng chất lượng của hội đồng quản trị quan trọng không kém kết quả tài chính.
Hơn 80% ý kiến cho rằng các nhà đầu tư sẽ trả giá cao hơn cho những công ty cổ phần đại chúng thực hiện tốt quản trị so sới những công ty khác.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Trung Thẳng, Tổng giám đốc Masso Consulting, khảo sát trên cũng cho thấy quản trị ở các công ty đại chúng thuộc khu vực châu Á, nơi quản trị theo kiểu gia đình còn phổ biến, được các nhà đầu tư quan tâm hơn rất nhiều so với ở Mỹ là nơi mà các tiêu chuẩn quản trị đã phát triển cao.
Ở khu vực này, nhà đầu tư cũng sẵn sàng trả giá cao hơn từ 19% trở lên, thậm chí ở Trung Quốc tới 25% cho những công ty đại chúng có quản trị tốt.
Các cổ đông đưa lại sức mạnh về tài chính cho công ty trên thị trường vốn nhưng muốn lôi kéo được sức mạnh ấy công ty phải tạo được lòng tin ở họ. Quản trị tốt chính là phương thuốc hữu hiệu để tạo niềm tin cho các cổ đông.
Thế nhưng, đấy cũng chưa phải là tất cả. Quản trị không đơn giản chỉ nhằm mục đích “lấy lòng” cổ đông và nhà đầu tư mà trên hết phục vụ cho sự trường tồn và phát triển của doanh nghiệp.
Việt Nam chưa đề cao quản trị.
Mặc dù quản trị đóng một vai trò to lớn như vậy trong công ty đại chúng nhưng vấn đề này lại đang bị xem nhẹ ở Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Phạm Trí Hùng, những biểu hiện về vi phạm quản trị đang trở nên rất phổ biến, từ chuyện hội đồng quản trị phớt lờ ý kiến cổ đông; đại hội đồng cổ đông được tổ chức qua loa, hình thức, đến chuyện chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc lấy tiền của công ty chi dùng cá nhân hoặc đầu tư vào những dự án có lợi cho gia đình mình...
Tiếp nữa là đa số thành viên hội đồng quản trị vẫn là cổ đông lớn và chủ tịch hội đồng quản trị đồng thời kiêm luôn vị trí tổng giám đốc công ty.
Hệ quả của nó, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương) là sẽ dẫn đến một hệ thống quản trị tập quyền, thâu tóm bởi các cổ đông lớn và chi phối tất cả các hoạt động của công ty.
Điều này không ngăn cản công ty vẫn hoạt động tốt, hiệu quả với chi phí giám sát thấp, tuy nhiên để được như vậy đòi hỏi các cổ đông lớn luôn hành động vì lợi ích lâu dài, bền vững của công ty.
Tuy nhiên ở nước ta những yếu tố để buộc các cổ đông lớn hướng đến hành xử như vậy vẫn chưa hội tụ đủ. Ví dụ như hiệu lực của pháp luật nói chung và pháp luật về quản trị nói riêng; hiệu lực giám sát từ bên ngoài; văn hóa, đạo đức kinh doanh... vẫn còn thấp.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Sundar Venkatesh, chủ tịch hội đồng quản trị vẫn có thể kiêm nhiệm tổng giám đốc nhưng với điều kiện hội đồng quản trị phải có một số lượng thành viên độc lập (không có cổ phần, không điều hành) cân bằng với số thành viên kiêm điều hành.
Ở Việt Nam, một số công ty cũng đã bắt đầu xây dựng cơ chế thành viên độc lập mà trường hợp Ngân hàng ACB mời ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về làm chủ tịch hội đồng quản trị là một bằng chứng sinh động.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Sundar Venkatesh cho rằng tìm thành viên độc lập đã rất khó, thực thi công việc của thành viên độc lập lại càng khó vì họ cần phải có những kỹ năng nhất định về quản trị.
Ngoài thành viên hội đồng quản trị độc lập, ông Nguyễn Trung Thẳng cho rằng nên có các tổ chức xếp hạng về quản trị đối với các công ty đại chúng.
Việc xếp hạng không những giúp cho các nhà đầu tư biết được công ty nào có hệ thống quản trị tốt để họ đầu tư mà còn làm cho các doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc xây dựng hệ thống quản trị.
Corporate governance là kiểm soát của chủ sở hữu đối với người quản lý công ty |