Rút tiền chứng khoán mua vàng và BĐS: Nguy cơ?

Ào ạt mua đất

Ông Tiến, một nhà đầu tư trên sàn SSI tại TP.HCM, cho biết tuần vừa rồi ông đã mua 2 lô đất tổng cộng 450m2 ở quận 2 và quận 9, bình quân 6 triệu đồng/m2, tổng vốn 2,7 tỷ. Thời điểm ông mua khi BĐS vừa chớm lên giá. Đến nay chỉ sau 1 tuần, bình quân giá đất đã tăng 1 triệu đồng/m2, ông đã lãi 450 triệu đồng.

Nhiều nhà đầu tư đã rút tiền chứng khoán. Ảnh: Đ.V

Nhiều nhà đầu tư đã rút tiền chứng khoán. Ảnh: Đ.V

Ông Tiến cho biết, trước đây ông nắm khá nhiều cổ phiếu trong giai đoạn VN-Index ở khoảng 950 điểm. Khi VNI tăng 100 điểm, đạt kỳ vọng ông bắt đầu bán ra. Ban đầu dự định chờ IPO Vietcombank, nhưng sau đó thấy hoãn tới hoãn lui, lại nhân thời điểm sau sự kiện căn hộ The Vista và Sky Garden 3 gây sóng gió khiến bất động sản tăng giá theo, ông chớp lấy thời cơ mua đất.

Bạn của ông Tiến, ông Mỹ mà trên sàn CK còn gọi là “Mỹ lướt sóng”, sau đó cũng theo ông, rút gần 10 tỷ đồng ra mua đất ở khu Nam Sài Gòn.

Một nhà đầu tư trên sàn ACBS, ông Hùng, cho biết cách đây 3 ngày, một người bạn của ông, đã rút gần 10 tỷ đồng ra mua đất ở quận 2. Trước đó, người này đã mua khu đất 4 tỷ đồng ở Bình Dương.

Mặc dù giá đất đã có dấu hiệu chững lại sau mấy cú sốc vừa qua, nhưng khu vực quận 2, qun 9 quận 7 vẫn luôn luôn là vùng đất hấp dẫn. Giá đất ở các khu vực này vẫn cứ tăng lên từng ngày.

“Không kinh doanh gì lãi nhanh bằng BĐS trong giai đoạn này” - ông Tiến khẳng định.

Đổ xô mua vàng

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết, không chỉ đất, mà một lượng lớn tiền đã được đổ ra mua vàng.

Những ngày qua, giá vàng cứ như một mũi tên thẳng tiến, khiến không chỉ người nhiều tiền, mà người không có tiền cũng sốt ruột không kém. Và người ta đổ xô đi mua vàng.

Tại sàn giao dịch vàng ACB ngày ngày 7/11, vàng SJC đã tăng một mạch 360.000 đồng một lượng, với giá mở cửa 16.040.000 đồng/lượng, và cuối ngày gần 16.400.000 đồng, cao nhất trong 28 năm qua. 

Ông Nguyễn Đức Thái Hân, Giám đốc khối ngân quỹ ACB, cho biết, bình quân ngày thường khối lượng giao dịch chỉ khoảng 7.000-8.000 lượng, trong khi ngày 08/11, khối lượng giao dịch tại sàn ACB đã lên đến 31.600 lượng, với tổng giá trị trên 513,5 tỷ đồng.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài gòn cũng bán ra trên 20.000 lượng vàng SJC .

Giá mua và bán đưa ra thay đổi liên tục từng phút. Giá mở cửa vào đầu buổi là 16.040.000 đồng một lượng, đến kết thúc phiên giao dịch buổi chiều đã tăng lên đến gần 16.400.000 đồng/lượng.

Nhân viên giao dịch của một ngân hàng tại sàn cho biết, mặc dù đã có nhiều kênh thông tin cảnh báo rằng giá vàng đã lên quá cao, mua vào có thể rủi ro, nhưng mọi người vẫn đổ xô đi mua. Giá càng cao, sức mua càng mạnh.

Chủ một tiệm vàng trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, cho biết mấy ngày qua khách mua tăng đột biến, toàn bộ số vàng ông dự trữ đã tung ra bán sạch. Thậm chí trong ngày 5/11, khách hàng đến quá đông buộc phải chờ cửa hàng đi áp tải vàng từ nơi khác về!

Thị trường chứng khoán cứ dập dềnh rồi băng ngang, đem tiền mua vàng thời gian này chắc chắn có lời” - D, một nhà đầu tư vừa rút ra 500 triệu đồng, nói rằng anh sẽ đi mua vàng.

Không thể chờ đợi thị trường chứng khoán!

Vietcombank thì hẹn lần hẹn lữa, Chỉ thị 03 thì không cho cầm cố cổ phiếu, trong khi thông tin của quý‎‎‎ III đã cũ rồi mà quý ‎IV và cuối năm chưa có, thị trường dập dềnh băng ngang là đúng thôi” - ông Hùng nói.

Một lượng lớn tiền đã đổ vào vàng và BĐS. Ảnh: Đặng Vỹ

Một lượng lớn tiền đã đổ vào vàng và BĐS. Ảnh: Đặng Vỹ


Một nhà đầu tư lâu năm trên sàn VCBS, ông Thắng, cũng nhìn nhận những lý‎‎‎ do tương tự, vàng và bất động sản liên tục lên giá tức lãi suất cao và tính thanh khoản tốt, là lý do nhà đầu tư chuyển hướng.

Người ta rút tiền đi nhiều rồi. Mấy bữa nay sàn VCBS vắng hoe” - ông Thắng cho biết.

Trước cơn bão giá vàng và bất động sản, trong khi chứng khoán lại chưa có thông tin gì hy vọng khởi sắc trong thời gian gần, không ai chịu được.

Chỉ trong vòng 5 ngày qua giá vàng đã tăng bình quân 1,5%/ngày. Trong khi đó chứng khoán lại ì ạch đến sốt ruột.

Giám đốc Đầu tư Quỹ Đầu tư Jaccar, ông Đỗ Hiệp, lý‎‎‎ giải rằng hiện nay vàng đang vẫn có lãi, tính thanh khoản cao, nên hấp dẫn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng nhận định, đa số là tư nhân mua, còn trong giai đoạn vàng đang cao giá, các tổ chức đã dè dặt.

Chuyên gia Lê Đạt Chí nhận định, bài học về TTCK đã cho thấy “không dễ ăn” như trước, nên nhà đầu tư chuyển sang mua đất: “Nếu BĐS bị đóng băng thì tài sản vẫn còn đấy, hoặc làm nhà cho thuê, không mất đi đâu. Trong khi TTCK nếu có rủi ro là tiền bị mất”.

Tuy nhiên theo chuyên gia này, việc đầu tư vào đất đai không phải chỉ mới những ngày gần đây khi TTCK băng ngang, mà phải là quá trình trước đó.

“Vì đầu tư vào BĐS không thể nhanh chóng được” - chuyên gia nói.

Nguy cơ rình rập?

Theo các chuyên gia, các nhà kinh tế, việc  đầu tư vào vàng và BĐS thời điểm này sẽ không còn lãi cao nữa, thậm chí có khả năng bị rủi ro.

Chuyên gia Huy Nam cho rằng cách đầu tư như vậy là “thiếu cân nhắc”.

Ông Huy Nam cảnh báo, mua vàng là hoàn toàn bị động, đầy rủi ro bởi phụ thuộc biến động của thế giới. Hiện nay vàng đã lên giá cao ngất ngưởng, không thể lên cao mãi. Còn bất động sản thì “cũng coi chừng”, vì chỉ là sốt cục bộ ở một vài địa điểm và thời gian ngắn.

Ông Nam cho rằng giá căn hộ hiện cũng đã quá cao so với thế giới và khu vực. Và quan trọng nhất là có thể sắp tới đây chính sách của Chính phủ về quản lý đầu cơ BĐS sẽ thắt chặt hơn.

Chuyên gia Lê Đạt Chí cũng cho rằng, nếu mua vàng miếng sẽ khá nguy hiểm: “Hiện tại cầu trong nước không lớn, mà giá tăng chủ yếu do thế giới. Vậy nếu giá vàng thế giới rớt, vàng trong nước sẽ rớt mạnh”.

Trên sàn chứng khoán, cũng có nhiều nhà đầu tư nhìn ra tình huống này. Ông Hùng cho biết, cách đây 20 ngày ông khuyên nhiều người rút tiền ra mua vàng và đất, và bản thân ông ta cũng có định này. Nhưng nay ông không hướng về vàng và đất nữa.

Những thông tin khiến đất Cần Giờ, Nhà Bè, Long An sôi động vùn vụt, sẽ không bao giờ tồn tại được lâu” - nhà đầu tư này nhận định.

Ông Hùng đã có thời gian chục năm đầu tư BĐS, và hiện giờ dù không kinh doanh nữa, nhưng vẫn còn khá nhiều đất đai.

Ông Hùng cũng nhận định tương tự như vậy với vàng: “Giai đoạn này mà còn đi mua vàng là liều. Không thể nào có việc giá cứ lên mãi và bất kể như vậy”.

Theo nhà đầu tư Thắng trên sàn VCBS, kể cả 3 lĩnh vực vàng, BĐS, chứng khoán đều rất cần sự hỗ trợ, điều tiết của Chính phủ để được bình ổn.

“Tuy nhiên phải là những biện pháp kích thích hoặc dung hòa theo quy luật kinh tế chứ không phải bằng những biện pháp can thiệp hành chính kiểu như Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước”.

Ông Thắng đơn cử: “Chẳng hạn, sự lững lờ về thời gian IPO của Vietcombank cũng khiến thị trường bất an, hoặc một thị trường chứng khoán non trẻ mà đánh thuế 25%, cũng hạn chế phát triển” - ông Thắng nói.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây