Dòng tiền từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam qua các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán lớn, từ đầu năm đến nay không có. Trong khi dòng tiền đã vào rồi lại đang chịu áp lực bị rút ra khi đến thời hạn đóng quỹ.
Cách đây 2 năm, trong Hội nghị nhà đầu tư năm 2010, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, cho biết tập đoàn này dự định gọi vốn để lập thêm 2 quỹ mới, một quỹ đầu tư vào bất động sản và quỹ còn lại đầu tư vào chứng khoán, mỗi quỹ có tổng giá trị khoảng từ 200-300 triệu đô la Mỹ.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trong tuần trước, ông Andy cho biết dự định đó của VinaCapital đã không thực hiện được hết, mà chỉ gọi vốn được cho quỹ bất động sản, còn lại quỹ đầu tư vào chứng khoán, theo như ông mô tả là “khó lắm”.
Đơn giản là nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào đây thì phải xét về triển vọng kinh tế, liệu tình hình vĩ mô như hiện tại đã ổn chưa, liệu có thể mang lại lợi nhuận chưa, trong khi hiện tại tình hình kinh tế Việt Nam gặp khó, họ sẽ chọn thị trường lớn, nhiều người tham gia để vốn có thể quay vòng dễ hơn, cơ hội cũng nhiều hơn so với Việt Nam.
Thành lập năm 2007, đầu tư vào Việt Nam cũng chừng ấy thời gian, ông Nguyễn Thế Lữ, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon Asset Management (SAM), cho biết thời gian SAM bỏ vốn đầu tư ở Việt Nam cũng là lúc thị trường chứng khoán đang tăng trưởng nóng nhất, VN-Index lên đến hơn 1.100 điểm, trong khi hiện tại, chỉ số này còn không đến 400 điểm..
Những cổ phiếu mà SAM nắm giữ lúc đó, giờ có khi đã giảm đến 80-90% nên hoạt động của quỹ ở Việt Nam không đạt được hiệu quả như kỳ vọng ban đầu.
Ông cho biết giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV) đã ngày càng giảm sút và chỉ trong tháng 10 này, quỹ sẽ tổ chức đại hội nhà đầu tư để bỏ phiếu thông qua việc có hay không việc đóng quỹ.
Tuy vậy ông cũng tỏ ra khá lo ngại, “trước giờ nhiều nhà đầu tư cũng đã muốn rút vốn nhưng vì thấy lỗ quá nên chần chừ, họ kỳ vọng xuống tới một mức nào đó thì giá cổ phiếu sẽ bật lại, để bớt lỗ nhưng đến giờ chưa thấy thị trường đi lên, nên có thể trong tháng 10 này sẽ nhiều nhà đầu tư bỏ phiếu chấm dứt hoạt động của quỹ”, ông Lữ nói.
Theo ông Lữ, việc gọi vốn mới càng khó hơn. Nhà đầu tư khi bỏ vốn vào sẽ cân nhắc xem những yếu tố của kinh tế vĩ mô sẽ tác động như thế nào đến khoản đầu tư của họ. Nếu bỏ vốn vào mà tiền lãi thấp hơn cả lãi ngân hàng, còn phải trừ đi cả lạm phát và biến động của tỷ giá, thì họ sẽ không đầu tư.
Hiện tại, việc hệ thống ngân hàng của Việt Nam còn đang trong quá trình tái cơ cấu, lạm phát cũng chưa hẳn là đã chấm dứt, thì không dễ gọi vốn từ nước ngoài.
Khó khăn trong gọi vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán được ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc tài chính doanh nghiệp, Công ty chứng khoán Bản Việt, khẳng định là đúng.
Hiện tại việc các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phiếu với mục đích đầu tư tài chính tại thị trường Việt Nam không nhiều, hiện họ còn đang “lăn tăn” với thị trường tài chính Việt Nam và chờ đợi sự đổi mới từ kinh tế vĩ mô, sau hàng loạt chính sách của chính phủ, vì vậy, có thể trong vài năm tới việc gọi vốn sẽ dễ dàng hơn.
Ông cho rằng, hiện tại, chủ yếu các nhà đầu tư đến Việt Nam là để mua cổ phiếu của các công ty trong cùng ngành kinh doanh của họ để mở rộng hoạt động một cách nhanh nhất. Hoạt động mua bán sáp nhập cũng tăng trưởng mạnh trong năm 2012 nhờ vào những nhà đầu tư dạng này. Hiện tại, có những công ty đang nhờ bên ông tư vấn để đầu tư vào các công ty lớn của Việt Nam, giá trị của các thương vụ cỡ 100 triệu đô la Mỹ không thiếu.
Còn theo Phó Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn, hiện tại nhiều quỹ đầu tư mà ông quen biết đã thua lỗ nhiều trên thị trường chứng khoán, vì vậy họ cũng đang đứng trước áp lực phải thoái vốn để đóng quỹ.
Còn nhà đầu tư mới vào trị trường chứng khoán Việt Nam, ông cho rằng, từ đầu năm đến nay tuyệt nhiên không có. “Có những người đi tới, đi lui, nhưng chưa ai muốn giải ngân vào thị trường”, vị này nói thêm.
Ông cho rằng thị trường chứng khoán chưa có sự thay đổi nào từ nay đến cuối năm, do chính sách kinh tế chưa có gì đột phá, vì vậy, cũng sẽ khó có kỳ vọng nào từ các dòng vốn mới vào Việt Nam.