Tuy nhiên, "lớp sóng sau đè sóng trước", SSI đi PVS đến, sàn Hà Nội không vì thế hắt hiu như phỏng đoán của nhiều người mà hình như "vắng cô SSI" thì chợ Hà Nội vẫn “xôm”.
Năm bùng nổ của HaSTC
Tiền đang rút từ sàn HOSE đổ ào vào sàn Hà Nội. Đó là nhận định chung của các NĐT và nhiều chuyên gia chứng khoán. Trong mấy phiên giao dịch gần đây, HaSTC liên tục tăng. Mặc cho VN-Index đang chững lại, thậm chí có dấu hiệu giảm. Nhiều người cho rằng, năm nay là năm bùng nổ của sàn Hà Nội.
Anh Nam, NĐT trên sàn An Bình lạc quan: năm ngoái HOSE ký kết với NYSE đã từ 600 điểm vọt lên gần 1200 điểm. Năm nay, HaSTC ký kết với NYST sẽ từ 300 điểm nhảy vọt lên 800 điểm. Chắc chắn 100% năm nay sẽ là năm của sàn Hà Nội. Tôi đã rút hết tiền bên sàn HOSE chuyển sàn HaSTC.
Chị Hoa- sàn Kim Long lại cho biết: Hôm nay tôi lướt qua các sàn Income Bank, Sea Bank và AD Bank thấy mọi con mắt của NĐT đầu đổ dồn vào HaSTC. Nguồn vốn từ HOSE đang được chạy sang HaSTC ào ào. Các mã chứng khoán trên sàn Hà Nội làm ăn cực tốt mà bây giờ mới được để ý, thời gian gần đây HaSTC đang dần dần cạn kiệt hết hàng. Kiếm 10% lợi nhuận mỗi ngày thật sướng!
"Thiếu cô thì chợ vẫn đông"
Kể từ ngày 12/10, SSI ngừng giao dịch trên sàn Hà Nội. Trước đây, SSI được đánh giá là "cột trụ" của HaSTC với giá trị trung bình của SSI xấp xỉ 8,525 nghìn tỷ đồng (chiếm 20,1% tổng giá trị giao dịch thị trường). Khi SSI, rồi MPC công khai ý định rời sàn, nhiều người đã lo lắng cho tương lai của sàn Hà Nội, thiếu vắng các đại gia, liệu HaSTC có hắt hiu?
Nhưng câu trả lời được đưa ra ngay sau đó. Sau khi SSI ngừng giao dịch, phiên 15/10, khối lượng giao dịch tăng 33,21% so với phiên trước, đạt 6,119 triệu CP (tương ứng giá trị 592,27 tỷ đồng). Chỉ số HaSTC - Index tăng 8,58 điểm (2,37%), đạt 370,85 điểm. Phiên sau (16/10), sàn Hà Nội thăng hoa về cả chỉ số giá cũng như qui mô giao dịch. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số HaSTC-Index tăng 8,31 điểm, đóng cửa ở mức 379,16 điểm; khối lượng giao dịch đạt kỉ lục với 7.978.400 đơn vị (tăng tới 30% so với phiên trước) đạt 775,195 tỉ đồng. Ngược lại, phiên này, VN-Index mất đi 1,33 điểm còn 1103,88 điểm.
Sức hấp dẫn của sàn Hà Nội?
Biên độ tăng và giảm giá cổ phiếu tại sàn TPHCM chỉ có ± 5%/ngày, trong khi trên sàn Hà Nội là ± 10%/ngày. Vì có biên độ dao động giá rộng nên trong một ngày, NĐT có thể thu lãi nhiều (và cũng có thể mất nhiều), bởi vậy sàn Hà Nội trở nên hấp dẫn hơn đối với những NĐT thích mạo hiểm.
NĐT Minh Hoa, sàn SSI cho biết: Với biên độ dao động giá rộng cho phép NĐT có cơ hội "lướt sóng" hơn nên chơi trên sàn Hà Nội cảm thấy căng thẳng và hấp dẫn hơn HOSE. Chính thế, tôi đầu tư toàn bộ vốn vào HaSTC.
Quy trình giao dịch trên HOSE gồm có ba đợt, trong đó hai đợt khớp lệnh chung để xác định giá mở cửa và giá đóng cửa. Muốn giao dịch trong những đợt này, NĐT chỉ cần tờ lệnh ghi giá ATO (mở cửa) và ATC (đóng cửa) là có thể giao dịch được với mức giá chung toàn thị trường mà không phải vắt óc suy nghĩ cạnh tranh. Còn đợt giữa khớp lệnh liên tục chỉ kéo dài trong vòng một giờ nên nhiều khi không đủ cho NĐT chạy đuổi giá.
Trong khi đó, tại HaSTC, do giao dịch khớp lệnh liên tục (5 giây/lần trong suốt cả buổi) nên khi phiếu lệnh chuyển đi là có thể khớp ngay. Nếu giá khớp thấp thì có lợi, còn khớp cao thì bị thiệt. Mặc dù trên bảng điện tử hiện 3 khối lượng giao dịch và 3 mức giá thấp nhất (bên bán) và cao nhất (bên mua), nhưng do đường truyền chậm nên nhiều khi lệnh chuyển đến TTGDCK Hà Nội được so khớp ngay mà không kịp hiện dữ liệu lên màn hình. Vì vậy khi mua bán số lượng lớn, NĐT phải căng óc ra mà hành động. Nếu NĐT không mua được vào đầu giờ hoặc phải chờ đến hôm sau thì có thể bị thiệt vì phải mua cổ phiếu với giá đã tăng 10% - 15%...
Nhiều chuyên gia nhận định, cổ phiếu trên HOSE giờ đã quá cao lại quá loãng. Bên HaSTC, mặc dù thời gian qua có tăng liên tục nhưng thực tế cổ phiếu rất rẻ, trong khi các công ty nào cũng làm ăn tốt. Hơn nữa, HaSTC-Index lại quá thấp, chỉ hơn 300. Vì vậy, chơi cổ phiếu trên sàn Hà Nội hiện nay khá hấp dẫn.
Trước đây, NĐTNN ít tham gia chơi trên sàn Hà Nội, nhưng thời gian gần đây, thấy giá cổ phiếu trên sàn này tăng vững chắc nên họ đẩy mạnh mua vào. Từ đầu tháng 9 đến nay, khối này đã mua hơn 6 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 626 tỉ đồng. Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Anh - Tổng giám đốc quỹ đầu tư Hà Nội (HFM) cho biết, bản thân HaSTC được thiết kế cho cổ phiếu OTC và cổ phiếu của những DN muốn niêm yết ở sàn thứ cấp (một bước đệm để lên sàn chính thức). Cho dù các "đại gia" có đi hết, thì sức hấp dẫn đối với các NĐT vẫn không bị tác động nhiều.