CTCP CHỨNG KHOÁN SÀI GÒN

Lĩnh vực: Tài chính > Ngành: Dịch vụ tài chính

Băn khoăn khi SSI hết room

Với đà gom mua cổ phiếu SSI của NĐT nước ngoài như hiện nay, nhiều khả năng khối này sẽ sở hữu hết khối lượng cổ phiếu SSI được phép.

Tóm tắt:

"Ở thời điểm hiện nay, khi thị trường vẫn chưa có cơ sở rõ ràng để tăng điểm, thì việc NĐT nước ngoài gom mua cổ phiếu SSI hết room có thể không phải là tín hiệu tốt cho giá cổ phiếu. Vì sau khi hết room, không còn lực mua đỡ của khối ngoại, giá cổ phiếu nhiều khả năng sẽ giảm. Diễn biến này tương tự như FPT khi đã cạn room".

Một phương án nữa cần được tính tới là liệu câu chuyện của STB (cổ phiếu của Sacombank) có lặp lại ở SSI?

Cho đến cuối tuần qua, NĐT nước ngoài đã sở hữu 47,2% cổ phần tại CTCK Sài Gòn (SSI), lượng cổ phiếu còn được phép mua là hơn 6,4 triệu đơn vị. Với đà gom mua này, nhiều khả năng NĐT nước ngoài sẽ sở hữu hết khối lượng cổ phiếu SSI được phép. Đây là dấu hiệu tích cực cho thị trường, nhưng không ít NĐT băn khoăn về tác động sau đó khi SSI hết room.

Một NĐT đang nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu SSI nhận xét: "Ở thời điểm hiện nay, khi thị trường vẫn chưa có cơ sở rõ ràng để tăng điểm, thì việc NĐT nước ngoài gom mua cổ phiếu SSI hết room có thể không phải là tín hiệu tốt cho giá cổ phiếu. Vì sau khi hết room, không còn lực mua đỡ của khối ngoại, giá cổ phiếu nhiều khả năng sẽ giảm. Diễn biến này tương tự như FPT khi đã cạn room".

Tuy nhiên, đại diện một CTCK cho rằng, việc NĐT nước ngoài gom mua cổ phiếu SSI là tín hiệu NĐT nước ngoài đầu tư cơ bản, thay vì đánh vào những cổ phiếu lớn để nâng đỡ chỉ số VN-Index.

Còn một nhà tư vấn đầu tư, quản lý danh mục cho một số chủ doanh nghiệp lớn thì nhận định, nếu NĐT nước ngoài mua hết room SSI thì không tốt cho thị trường. Bởi lẽ, mỗi lần thị trường tăng điểm thì cổ phiếu SSI là một trụ cột tăng điểm đầu tiên thu hút dòng tiền lớn đánh lên. NĐT nước ngoài sở hữu số lượng lớn cổ phiếu với giá vốn thấp, thì khi cổ phiếu SSI tăng giá, họ có thể bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận. Điều này sẽ cản trở đà tăng giá của cổ phiếu SSI nói riêng và ảnh hưởng đến đà tăng điểm của thị trường nói chung khi có hội.

Một số NĐT cá nhân khác tỏ ra lạc quan, khi thị trường có đủ điều kiện để tăng điểm thì NĐT sẽ quên việc có một lượng lớn cổ phiếu SSI giá rẻ do NĐT nước ngoài nắm giữ, đang chờ chốt lời, mà chỉ mong mua được cổ phiếu để bán với giá cao hơn. Khi tâm lý thị trường lạc quan thì lượng lớn cổ phiếu SSI mà NĐT nước ngoài nếu có bán ra, sẽ được NĐT trong nước mua lại.

Hiện nay, giá trị sổ sách của SSI là gần 14.000 đồng/cổ phiếu. Thị giá là 19.000 đồng/cổ phiếu, phục hồi từ mức đáy thấp nhất là gần 17.000 đồng/cổ phiếu trước đó.

Nhìn chung, vấn đề mà nhiều NĐT quan tâm vẫn chưa có câu trả lời là liệu sau khi NĐT nước ngoài mua hết room, giá cổ phiếu SSI có trở lại mức đáy cũ hay cổ phiếu này sẽ tăng giá khi thị trường đang có một cơ hội tăng điểm tương đối khả quan ở phía trước, khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm lãi suất về 17 - 19% ngay trong tháng 9 tới.

Một phương án nữa cần được tính tới là liệu câu chuyện của STB (cổ phiếu của Sacombank) có lặp lại ở SSI? Ở SSI, các cổ đông sáng lập cũng sở hữu tỷ lệ không đủ quyền chi phối Công ty. Nếu mối quan hệ giữa cổ đông sáng lập và cổ đông chiến lược lỏng lẻo thì cổ đông chiến lược có thể đứng về phía một cổ đông lớn khác để giành quyền điều hành SSI.

So với STB thì SSI có lợi thế là giá trị vô hình của cổ đông sáng lập có một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Công ty, đến mức nếu không có cổ đông sáng lập, SSI coi như bị "rút ruột". Vì vậy, nhiều khả năng giống như ở FPT, việc tăng sở hữu của NĐT nước ngoài ở SSI chỉ là đầu tư tài chính đơn thuần. Nhưng thị trường cũng có thể có những bất ngờ ngoài dự liệu.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây