Siết chặt vốn đầu tư vào ngân hàng, chứng khoán

Giám sát chặt khoản đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng của tác tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Ảnh: Hoàng Hà.

Việc làm này nhằm giám sát hoạt động đầu tư tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nhằm bảo đảm việc sử dụng đúng, có hiệu quả phần vốn Nhà nước, góp phần kiềm chế lạm phát.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính cần giám sát chặt chẽ việc đầu tư tại các doanh nghiệp này nhất là nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, tài chính chứng khoán.

Theo Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2007, số tiền mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước rót cho đầu tư tài chính, chứng khoán, bất động sản, ngân hàng… lên tới trên 15.000 tỷ đồng. Con số này được cho là chưa đầy đủ.

Còn số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, số vốn đầu tư ra bên ngoài của các tập đoàn, tổng công ty có giá trị lên đến gần 117.000 tỷ đồng. Trong đó có 28 trên tổng số 70 tổng công ty có hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… với giá trị hơn 23.300 tỷ đồng, bằng 1,85% vốn chủ sở hữu và bằng 0,78% giá trị tổng tài sản. Khoản đầu tư này theo Bộ Tài chính là vẫn trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, việc các tập đoàn, tổng công ty "đua nhau" đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán thời gian gần đây theo Bộ Tài chính đã đến lúc cần phải giám sát vì có thể chịu rủi ro. Do vậy, Chính phủ cần ban hành chính sách để khống chế và kiểm soát các khoản vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Việt Nam hiện có 8 tập đoàn kinh tế nhà nước gồm: Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Than - Khoáng sản (Vinacomin), Dầu khí (PetroVietnam), Điện lực (EVN), Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Dệt May (Vinatex), Cao su (VRG), Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt). Khoảng 96 tổng công ty và công ty Nhà nước có quy mô lớn, tổ chức hoạt động theo hình thức công ty mẹ con. Trong đó có khoảng 75% doanh nghiệp là công ty cổ phần.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây