Sôi động đầu tư ra nước ngoài

Vườn ươm cao su của Công ty Cao su Việt - Lào tại Chămpasăk do Việt Nam đầu tư. Ảnh: Minh Anh

Sôi động

Tính đến thời điểm hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào 35 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới với 246 dự án. Ngoài một số dự án tại các thị trường như Nam Phi, Australia, Hàn Quốc, hầu hết các dự án còn lại đều tập trung vào Lào, Campuchia, Singapore...

Trong đó, tại Lào có 86 dự án của doanh nghiệp Việt Nam được triển khai với số vốn 583,89 triệu USD, chiếm 42% tổng số vốn đăng ký, Algeria chiếm 17,45%, tiếp theo là Iraq, Campuchia và Nga.

Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, trong đó mạnh nhất là thăm dò và khai thác dầu khí, sản xuất và chế biến hàng gia dụng. Sản xuất vật liệu xây dựng chiếm gần một nửa số dự án và gần 70% số vốn, kế đến là lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ.

Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Lào. Trên thực tế, Việt Nam góp một lượng vốn đầu tư lớn vào Lào là nhờ những dự án tầm cỡ giữa hai nước, như thủy điện Xekaman 3 với 247 triệu USD, dự án trồng cao su 32 triệu USD của Tổng công ty Cao su, dự án trồng cao su 24 triệu USD của Công ty Cao su Đăk Lăk.

Lào đang cần nhiều dự án đầu tư khác như xây dựng trung tâm chẩn đoán y khoa, trung tâm thương mại; sản xuất nhựa, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, gạch ceramic, kính; đầu tư công nghiệp dệt, dịch vụ vận chuyển…

Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào đã được xúc tiến thành lập. Trong chuyến khảo sát thị trường Lào hồi tháng 10-2008, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và 7 tập đoàn, tổng công ty lớn của Việt Nam đã giới thiệu 13 dự án đầu tư vào Lào với tổng vốn khoảng 3,5 tỷ USD.

Cần cơ chế hỗ trợ, khuyến khích

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng, hiện nay khuôn khổ pháp lý cho đầu tư ra nước ngoài đã ngày càng hoàn thiện. Chính phủ đã ban hành Nghị định 78 thay thế Nghị định 22 về đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản hóa về thủ tục. “Tuy nhiên, vẫn chưa có chính sách hay cơ chế đặc thù để hỗ trợ và khuyến khích hoạt động đầu tư ra nước ngoài” – ông Thắng nói.

Trên thực tế, ở một số thị trường tiềm năng như Lào, Campuchia, vị trí dẫn đầu về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đang dần bị thay thế bởi các nhà đầu tư Trung Quốc và Thái Lan. Trong lĩnh vực dầu khí, thủ tục đầu tư khó khăn đã làm mất nhiều cơ hội. Chủ tịch HĐQT PetroVietnam Đinh La Thăng cho biết, hợp đồng mua mỏ dầu của Kazakstan đã vuột khỏi tay, kế hoạch đưa 1 triệu tấn dầu từ nước ngoài về nước không thực hiện được.

Theo ông Thăng, việc chậm trễ là do những vướng mắc về thủ tục mua mỏ dầu tại nước ngoài: “Để đặt cọc 100 triệu USD cho đối tác, PetroVietnam không được tự quyết, mà phải về xin ý kiến các bộ, ngành thẩm định, được ngân hàng đồng ý giải ngân theo quy định quản lý ngoại hối. Nhưng đến khi quyết được thì hợp đồng đã rơi vào tay đối tác khác”.

Trong năm qua, các đoàn doanh nghiệp Việt Nam liên tục tháp tùng Chủ tịch nước và Thủ tướng đi xúc tiến thương mại – đầu tư tại nhiều nước. Nhiều hợp đồng hàng tỷ USD đã được ký kết. Theo dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2008 vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng lên 500 triệu USD.

Để mục tiêu này thành hiện thực, ông Phan Hữu Thắng cho rằng Chính phủ cần ban hành đề án về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngay trong quý I- 2008. Ngoài ra, các cơ quan ngoại giao và thương vụ, tham tán kinh tế Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy vai trò cầu nối để doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội đầu tư tại nước sở tại.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây