TS. Lê Đăng Doanh: Doanh nghiệp hãy học tập Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 
 
"Hãy đánh giá tình hình, nếu cần phải có quyết định điều chỉnh lại chiến lược và khi có cơ hội thì hãy thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. DN hãy học tập Đại tướng".

TS. Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương đã gửi lời chia sẻ như vậy đến các Doanh nghiệp trong buổi Hội thảo “Tình hình kinh tế - thương mại Việt Nam và thế giới 2013 – Triển vọng 2014” tổ chức sáng ngày 19/12/2013.

Nhiều người đã biết câu chuyện “kéo pháo vào, kéo pháo ra “ở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Năm đó, hàng vạn chiến sỹ đã không quản trời mưa, đường trơn, đồi dốc, quyết tâm kéo 24 khẩu lựu pháo và 36 khẩu pháo cao xạ để kịp thời gian tấn công. Thế nhưng, khi pháo vừa vào đến trận địa thì lại được lệnh phải lui quân và kéo pháo ra.

Với tinh thần chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, sau 11 ngày trăn trở và 1 đêm mất ngủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi đến quyết định, bằng mọi giá phải lui quân và kéo pháo ra, lui quân để bảo toàn lực lượng.

Trích dẫn câu chuyện đó, TS Lê Đăng Doanh cho rằng các DN trong thời điểm này phải quyết tâm và sáng tạo trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng trưởng thành.

“Các bạn hãy đánh giá tình hình và nếu cần, phải có quyết định kéo pháo ra, điều chỉnh lại chiến lược của mình và khi mà có cơ hội thì các bạn hãy “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”.

Đặc biệt, các DN nên quan tâm đến có triết lý “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”. Tức là luôn luôn phân tích nhìn thấy được cái mạnh của mình và cái yếu của địch chứ không bao giờ có suy nghĩ là “mình không thể làm gì được”. Đồng thời phải luôn học tập rèn luyện bản lĩnh, phát hiện những yếu kém của mình để khắc phục.

Theo chuyên gia, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chưa có nhiều điểm tích cực. Tuy kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi nhưng còn chậm chạp với tốc độ khác nhau. Tinh trạng suy giảm đầu tư mạnh hơn dự kiến đã xảy ra ở Trung Quốc.

Trong nước, kinh tế Việt Nam vẫn đang trì trệ và tăng trưởng ở mức thấp. Về ngắn hạn, Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề như niềm tin của khu vực tư nhân bị suy giảm, cục máu đông nợ xấu ẩn chứa nguy cơ đổ vỡ của thị trường bất động sản và nợ của khối DNNN. Bên cạnh đó, dư địa của chính sách tài khóa bị thu hẹp, đầu tư công kém hiệu quả.

Cụ thể, đầu tư của tư nhân đã giảm mạnh từ 15% GDP (2007-2010) xuống khoảng 11,5% GDP (2013). Báo cáo chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy các DN có xu hướng giảm đầu tư hoặc không mở rộng sản xuất. Chỉ số PMI phần lớn thời gian của năm 2013 nằm dưới ngưỡng 50 hàm ý sản xuất của ngành chế tạo có chiều hướng thu hẹp. Chi tiêu hộ gia đình giảm mạnh, chỉ tăng 5,1% trong giai đoạn 2009-2012 so với mức 8,9% của 4 năm trước đó.

Về nợ xấu, VAMC chỉ có thể giải quyết được một phần, trong khi đó Tiến sỹ dẫn số liệu Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty đã nợ 1,3 triệu tỷ VND – chiếm 70 % tổng số nợ xấu.

Về dài hạn, các vấn đề về thể chế nhà nước trong nền kinh tế thị trường vẫn chưa được giải quyết (điển hình là nạn tham nhũng, lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ) do mô hình tăng trưởng kinh tế đang áp dụng không còn thích hợp. Các vấn đề của DNNN và khu vực ngân hàng, kết cấu hạ tầng, lao động chất lượng cao vẫn là trở ngại cho công cuộc tái cơ cấu. Sức cạnh tranh bị giảm sút và năng suất lao động thấp trong khi nguồn cung về các kỹ năng, kỹ thuật của kinh tế thị trường còn hạn chế.

Trong tình hình đó, chuyên gia cho rằng: “DN hãy thực hiện theo phương pháp đánh chắc thắng chắc, đánh nhỏ thắng nhỏ. Hãy công bằng, bao dung với tất cả mọi người giống như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, luôn chăm sóc chiến sỹ và cán bộ. Ông là tướng nhưng bao giờ cũng lo đến người chiến sỹ.”

Với tư tưởng đó, chuyên gia đã đề ra 5 yêu cầu đối với DN trong giai đoạn hiện nay. Đó là có khả năng chống chọi, đề kháng, chịu đựng các cơn sốc; Tăng trưởng bền vững thay vì tăng trưởng cao; Sáng tạo là động lực chủ yếu để phát triển; Công bằng và bao dùng tất cả các tầng lớp xã hội, không loại trừ bất kỳ nhóm nào ra khỏi quá trình tăng trưởng; và cuối cùng là năng lực cạnh tranh phải được nâng lên trước hết thông qua cải cách thể chế, chính sách, KHCN.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây