Chưa đồng bộ
Tính đến lúc này, sau khi có mặt trên TTCK được hơn 1 năm rưỡi, chỉ số VN30 phần nào đáp ứng được kỳ vọng của NĐT khi tuyển chọn được những CP có chất lượng. Chỉ số này cũng đã phần nào hạn chế được ảnh hưởng của những CP có giá trị vốn hóa lớn, mà đây vốn là yếu điểm của VN Index.
Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, VN30 vẫn chưa “phát tiết” hết những tiềm năng có thể đem lại cho thị trường, chẳng hạn như việc sẽ trở thành “tham chiếu” cho các quỹ ETF, các quỹ đầu tư theo chỉ số giao dịch.
Việc xếp loại CTCK khi được thực hiện bởi cơ quan quản lý, sẽ được xem như có tính chính danh cao nhất. Nhưng trong thực tế, để đánh giá CTCK hoạt động tốt đến đâu, hay đẳng cấp như thế nào cũng đã có sẵn nhiều công cụ, đó chính là KQKD của CTCK, mức độ hài lòng của khách hàng và biến động giá CP trên thị trường.
Một trong những nguyên nhân lớn nhất là một số CP thuộc VN30 đã hết room hoặc số lượng CP mà NĐTNN có thể sở hữu vô cùng hạn chế. Thực ra, đây là cơ hội để các quỹ ETF, hoặc các quỹ giao dịch theo chỉ số thị trường trong nước phát huy, nhưng các quỹ dạng này vẫn chưa xuất hiện.
Sẽ rất lý tưởng nếu VN30 hay HNX30 ra đời cũng là lúc các quỹ ETF trong nước chính thức hoạt động. Được như vậy, giá trị cộng hưởng tạo ra trên thị trường là vô cùng lớn, vì thị trường vừa có công cụ, một “bộ lọc” mới, ngay lập tức đón nhận dòng tiền và nhiều người sử dụng.
Do vậy, trong thời gian chờ các sản phẩm mới xuất hiện để tương tác với các “bộ lọc”, các chỉ số như VN30 hay HNX30 có thể sẽ phải ở trạng thái lưng chừng thay vì buộc các NĐT phải thực sự chú ý.
Nói đến chuyện đồng bộ, cần nhắc đến câu chuyện của chỉ số PVN Index, đây là một bộ chỉ số do Tập đoàn Dầu khí (PVN) xây dựng, nhìn chung khá công phu, nhưng thực tế mức độ thu hút các NĐT chưa nhiều. Điều cần nhấn mạnh là chỉ số PVN Index có đủ khả năng để hút khách vì các công ty thành viên của PVN như PVGas (GAS), PVDrilling (PVD), Đạm Phú Mỹ (DPM), Petrosetco (PET)... đều là các blue chip, có giá trị vốn hóa lớn trên sàn.
NĐT chú ý vào các CP này cũng có thể chú ý đến chỉ số PVN Index. Nhưng ở đây tồn tại 2 vấn đề: Thứ nhất, nếu theo dõi kỹ cổng thông tin của PVN Index, có thể thấy một lượng thông tin khá tốt liên quan đến chỉ số này cùng với những CP nằm trong rổ tính chỉ số.
Nhưng có vẻ như những người đã cất công làm ra PVN Index lại không cố gắng “rướn” thêm bước nữa trong việc quảng bá các chỉ số này rộng rãi đến các NĐT. Việc này đòi hỏi thời gian, tiền bạc, nhưng với tiềm lực của PVN có lẽ không phải quá tầm.
Thứ hai, dù có nhiều thông tin, nhưng thực sự các thông tin chưa phải ở mức đặc sắc để buộc các NĐT phải chú ý theo dõi. Giả sử, nếu hội đồng xây dựng PVN Index có những thông tin liên quan đến các doanh nghiệp trong bộ chỉ số này đặc biệt hơn hẳn những thông tin có sẵn trên thị trường, tất yếu chỉ số này sẽ được chú ý hơn hẳn.
Thí dụ, CP nào lọt vào chỉ số PVN 10 sẽ tiến hành các buổi gặp gỡ, chia sẻ thông tin cho các NĐT, chắc chắn các NĐT cả trong và ngoài nước sẽ rất hào hứng.
Tiêu chí xếp loại thiếu thực tế
Mục đích được ghi trong “Dự thảo Quy chế hướng dẫn xếp loại CTCK” là để hỗ trợ UBCKNN quản lý hoạt động các CTCK. Câu hỏi được đặt ra là với những công cụ UBCKNN hiện có đã đủ để quản lý CTCK hay chưa mà phải có thêm quy chế xếp loại?
Tại sao UBCKNN không gia tăng các quy định sẵn có lại tốn công nghiên cứu thêm một công cụ mới? Nhìn vào các yếu tố xếp loại được nêu ra trong dự thảo quy chế bao gồm mức độ đủ vốn (C), chất lượng tài sản (A), chất lượng quản trị (M), khả năng sinh lời (E) và chất lượng thanh khoản (L) có thể gợi mở một số vấn đề.
Nếu Thông tư 226 sau đó được nâng cấp bởi Thông tư 165, quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và các biện pháp xử lý có thể xem như các tiêu chuẩn “sàn” để CTCK tồn tại, thì Quy chế xếp loại CTCK có thể hiểu nôm na là cách thức phân chia “đẳng cấp” giữa các CTCK.
Thí dụ, tỷ lệ an toàn tài chính (nằm trong tiêu chí C) từ 300% trở lên mới được 100 điểm, hoặc tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng doanh thu phải từ 20% mới được điểm tối đa... Quy chế xếp loại có thể làm rõ hơn nữa các CTCK “chất” đến đâu, khác với cách đánh giá an toàn tài chính cứ tỷ lệ vốn khả dụng trên 180% là tốt.
Đã có những trường hợp CTCK có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng cao, nhưng hoạt động chẳng ai biết đến. Liệu có xảy ra trường hợp CTCK được chấm điểm cao nhưng thực tế NĐT lại nghĩ khác hay không?
Trong tiêu chí M có đưa ra một số chỉ tiêu như số năm làm lãnh đạo tại CTCK của chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc; số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán của các vị này để đánh giá. Như vậy, có thể có CTCK không hoạt động gì nổi bật, có tiền đem gửi ngân hàng thu lãi, các vị trí quản trị cao cấp cũng ngồi chơi xơi nước trong nhiều năm rất dễ được chấm điểm cao.
Trong khi đó, CTCK đẩy mạnh hoạt động tất nhiên sẽ phải chịu rủi ro nhiều hơn, hoặc do tiến hành tái cấu trúc, thay đổi lãnh đạo, khả năng sẽ phải có điểm thấp. Trong trường hợp này, chắc gì điểm cao đã hơn điểm thấp.
Để xếp loại công ty quản lý quỹ còn khó hơn rất nhiều, bởi sự khác biệt trong hoạt động thậm chí còn lớn hơn cả CTCK. Các tiêu chí để đánh giá công ty quản lý quỹ bao gồm vốn, chất lượng tài sản, thanh khoản, năng lực quản trị và kết quả kinh doanh.
Với quỹ đầu tư vào trái phiếu chính phủ hoặc những CP blue chip sẽ chiếm ưu thế về thanh khoản, nhưng kết quả kinh doanh chưa chắc đã hơn những quỹ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân, chưa lên sàn, nhưng nhóm này có thanh khoản kém hơn.
Nếu tiếp tục chia nhỏ, quỹ trái phiếu, quỹ cổ phiếu xem chừng công việc sẽ rất phức tạp và số lượng công ty quản lý quỹ lẫn các quỹ đầu tư trong nước cũng quá ít ỏi để làm việc này. Nếu thực tế chưa cần hoặc chưa đủ để triển khai cho việc đánh giá, xếp loại các CTCK hay công ty quản lý quỹ mà vẫn thực hiện, xem chừng đây lại là một việc hơi... phi thực tế.