Sau khi chính thức "ngừng tổ chức thí điểm Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) và Tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam", mới đây Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cũng đã trở về với mô hình tổng công ty trước đây.
Tuy nhiên, quyết định chính thức cuối cùng về số lượng tập đoàn kinh tế nhà nước hiện vẫn chưa được công bố.
Mới đây, trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay sắp tới "Nhà nước chỉ giữ lại khoảng 8 tập đoàn lớn. Nhưng trong tập đoàn lớn chỉ giữ tên thôi, còn các công ty trực thuộc sẽ cổ phần hóa. Một khi cổ phần hóa, thì vốn của Nhà nước nắm giữ ít và dần dần có thể rút bớt nữa".
Con số 8 được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra chắc chắn khiến nhiều người băn khoăn.
Trước đó, vào tháng 9/2012, trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khi đó là ông Vũ Đức Đam cho biết "với trọng tâm là sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thời gian tới định hướng sẽ giữ lại 5 - 7 tập đoàn có vai trò lớn trong sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội".
Cho dù con số "5 đến 7" mà ông Đam đưa ra là chưa cụ thể, thời điểm đó nhiều người nhận định rằng trong trường hợp giữ lại 7 tập đoàn thì đó sẽ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Vietel), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG).
Khi đó chưa chính thức chuyển Vinashin về mô hình tổng công ty, nhưng việc này cũng đã được dự liệu. Tập đoàn còn lại được xem là sẽ mất tên là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đơn vị sẽ hoàn tất cổ phần hóa trước năm 2015 theo kế hoạch.
Tuy nhiên, với con số "8 tập đoàn" mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh mới nêu, chưa rõ Vinatex sẽ tiếp tục duy trì mô hình tập đoàn, hay sẽ có thêm một tập đoàn mới.