Năm hết tết đến, khi lương thưởng còn chưa thấy đâu, người tiêu dùng phải đứng trước muôn vàn nỗi lo. Ra chợ, gặp ngay cánh tiểu thương “mách nhỏ” : “Mua/đặt thịt lợn, thịt bò, giò, chả, gà, vịt… đi em ơi. Không đặt bây giờ, tết không có mà mua đâu!” hay “Mua đi không tết tăng giá đấy!”
Đầu tháng 12, người dân thành phố Hồ Chí Minh còn rơi vào cảnh “uống bia thật khó” khi giá bia tăng từng ngày mà nhiều nơi vẫn giới hạn mỗi người chỉ được mua 2 thùng, ngay cả ở siêu thị BigC. Rất may là thành phố đã có những biện pháp xử lý kịp thời để tình trạng này không kéo dài, nhưng như vậy cũng đủ khiến người dân dấy lên nỗi lo hàng hóa bị “om” để đẩy giá trong dịp tết này.
Mà đâu chi có thế. Khi người ta còn chưa hết sốc vì giá gas vừa tăng kỷ lục đến 80.000 đồng/bình thì xăng cũng lại tăng thêm gần 600 đồng/lít. Sự tăng giá của những nhiên liệu thiết yếu này không thể không kéo theo sự tăng giá của hàng loạt hàng hóa khác.
Tuy nhiên, theo thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, nguyên nhân gây ra sốt giá mỗi dịp tết về chủ yếu do cung cầu mất cân bằng. Mua sắm, tích trữ hàng hóa trước tết là văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, nhưng trong các năm trước, tại thời điểm nhu cầu mua sắm đang lên cao thi các điểm bán hàng bình ổn chưa xuất hiện. Việc này đã tạo cơ hội cho giới đầu cơ om hàng nâng giá.
Rút kinh nghiệm, tết năm nay, Bộ Công thương đã phối hợp cùng các doanh nghiệp triển khai thêm hàng nghìn điểm bán hàng bình ổn, phủ kín 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Quan trọng hơn cả, các DN đã cam kết bán hàng đến 30 Tết và mở cửa sau tết từ sớm để tránh tình trạng trước tết tăng giá rất nhanh còn sau tết lại “giảm chậm như chưa bao giờ chậm hơn”.
Lượng hàng hóa cũng đã được các Bộ họp và tính toán đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng.
Riêng về Tp.Hồ Chí Minh, bà Lê Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Công thương Tp.HCM cho biết, chương trình bình ổn tại đây được thực hiện quanh năm. Trong dịp tết này, thành phố sẽ đảm bảo bình ổn hàng hóa trong 2 tháng, từ 1/1/2014 đến 1/3/2014. Riêng các mặt hàng thiết yếu như thịt, trứng... còn có chương trình giảm giá cho 3 ngày cận Tết.
Giá bán tại các điểm bình ổn thấp hơn giá thị trường từ 5 – 10%. Song bà Đào lưu ý, khi so sánh giá cả, người dân phải so sánh với những mặt hàng cùng chủng loại và cùng chất lượng. Hàng hóa tại các điểm bình ổn được cung cấp bởi các DN đã được chọn lọc, có đủ điều kiện về chất lượng và an toàn thực phẩm. Đặc biệt hàng nông sản là các sản phẩm trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Vì vậy, đều là những mặt hàng chất lượng cao hơn hàng bên ngoài thị trường trôi nổi.
Tại Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên, Phó TGĐ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho biết Hapro đã cam kết với lãnh đạo thành phố là sẽ có từ 10-15 điểm bán hàng 24/24h hết các ngày tết, vừa phục vụ cho khách du lịch, vừa phục vụ cho bà con thành phố.
Trở lại với một mặt hàng hiếm khi thiếu trong Tết Việt Nam là bia và rượu, bà Hồ Thị Kim Thoa cho biết đây không thuộc mặt hàng bình ổn giá. Tuy nhiên, với những biện pháp quản lý đã được thực hiện thì bia và rượu cũng sẽ không tăng giá.
Đánh giá một cách khách quan thì chương trình bình ổn giá những năm qua đã đem lại hiệu quả không thể phủ nhận. Trong một năm kinh tế khó khăn như năm nay, chương trình này càng trở nên thiết thực và cái quan trọng hơn cả là đem lại niềm tin cho người tiêu dùng. Với lời khẳng định của những người quản lý, hy vọng tết năm nay, người dân có thể đủng đỉnh tiêu tiền mà không lo tăng giá.